Xã hội

Bác sĩ kể về giây phút cô bé thiên thần 7 tuổi hiến giác mạc khi qua đời

Từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhi ung thư, nhưng với TS Phạm Việt Hương, khoa Nhi (Bệnh viện K), cô bé 7 tuổi hiến giác mạc khi qua đời là một bệnh nhi vô cùng đặc biệt.

Theo TS Hương, cô bé Hải An (7 tuổi, Hà Nội) là một thiên thần, là một bệnh nhi đặc biệt. Đặc biệt không chỉ bởi chị nhận được lời cầu cứu của mẹ bé khi chị đang học bên Mỹ, mà bởi khi trở về và điều trị cho An, chị ấn tượng bởi cô bé xinh xắn với đôi mắt vô cùng trong sáng và luôn ngoan ngoãn hợp tác điều trị.

TS Hương gọi bé Hải An là thiên thần, cảm phục tấm lòng của mẹ con cô gái bé nhỏ. Ảnh: Facebook BS Hương.

Căn bệnh mà cô bé mắc phải cũng rất đặc biệt, là bệnh U thần kinh đệm cầu não lan toả, một căn bệnh hiếm gặp và vô cùng khó khăn để điều trị.

Câu chuyện về bé Hải An bắt đầu từ tháng 9, khi bé có biểu hiện đau đầu nhiều, đi đứng loạng choạng, đôi khi khó nói, thay đổi về cảm xúc giao tiếp, gia đình ban đầu không nghĩ u não. Khi dấu hiệu đau đầu tăng lên, yếu nửa người bé được đi khám và phát hiện u thần kinh đệm cầu não lan tỏa.

Đến khi TS Hương về Việt Nam, bệnh nhi được mẹ đưa tới nhưng lúc này, khối u đã quá to khiến con bị liệt nửa người, liệt nhiều dây thần kinh sọ, rối loạn cơ tròn (đại tiểu tiện không tự chủ, ăn qua xông, thở oxy. “Chúng tôi cũng hội chẩn với các thầy là những chuyên gia người Mỹ, họ nói vũ khí điều trị duy nhất với trường hợp của cháu là phải xạ trị, nhưng to quá rồi, thứ 2 đã gây biến chứng phù não, gây liệt nên khó, không xạ được nữa nên chỉ chăm sóc giảm nhẹ, nào là giảm đau, thở oxy, truyền dịch, truyền đạm, truyền thuốc bổ, nuôi ăn được tĩnh mạch...

Lúc ấy cháu chưa hôn mê, gọi hỏi vẫn biết, vẫn tương tác được, nhưng không nói được. Khi bác sĩ nói “An ơi, con ngoan nhé! Thì bé vẫn mỉm cười, gật đầu. Cô bé rất xinh, có đôi mắt sáng... và 14h30 chiều 22/2, con đã trút hơi thở cuối cùng bay về trời, tặng lại ánh sáng cho bệnh nhân mù", TS xúc động chia sẻ.

TS Hương cho biết thêm, nguyện vọng hiến mô tạng của mẹ bé mới xuất hiện khi nằm nội trú tại khoa Nhi. Chứng kiến những cháu bé khác bị cưa tay, chân, khoét nhãn cầu bị bệnh tật, mẹ cháu bắt đầu xuất hiện ý tưởng đó. Mỗi ngày, người mẹ đều thủ thỉ tâm tình với con gái về sự sẻ chia các món đồ chơi của con với các bạn nhỏ, ánh mắt con rất đẹp, tặng lại cho các bạn khác nhé để con vẫn có thể nhìn thấy mẹ trên cõi đời… Là một người mẹ, TS Hương khâm phục sự vĩ đại của mẹ con bé Hải An khi quyết định hiến giác mạc, tặng lại ánh sáng cho bệnh nhân mù.

Còn với anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt trung ương, cháu bé cũng là người hiến tạng đặc biệt nhất trong cuộc đời làm nghề 10 năm qua của anh.

Anh Hoàng nâng niu khi tiến hành kiểm tra chất lượng cặp giác mạc cô bé thiên thần 7 tuổi hiến tặng cho bệnh nhân mù. Ảnh: H.Hải

Khoảng gần 5 giờ chiều ngày 22/2, anh cùng các cán bộ đến ngôi nhà nhỏ của ông bà ngoại cháu ở Từ Liêm. Đến nơi, người mẹ vẫn đang ngồi trên giường, bế con trong vòng tay, cô bé như đang say ngủ. Thấy có người đến, chị nhẹ nhàng đặt con xuống giường.

Sau khi hoàn thành thủ tục để thực hiện lấy giác mạc, người mẹ nhẹ nhàng đến bên con, đặt lên trán con gái một nụ hôn thật dài rồi nói "Con hãy tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé” khiến tất cả đều lặng đi vì xúc động.

Trong 30 phút thực hiện lấy giác mạc, anh dường như không dám thở mạnh vì chỉ sợ làm cô bé đau. Câu chuyện của mẹ, bà ngoại và những người hàng xóm thân thiết khi nói chuyện, anh nghe câu được, câu không nhưng nước mắt cứ trực trào, phải cố kìm nén cảm xúc.

"Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, quay ra thì mắt ai cũng đỏ hoe. Và tôi lại nghe thêm một câu nói xúc động khiến tôi ấn tượng mãi, nước mắt trực rơi vì cảm xúc thật khó đè nén, rằng "Mẹ tự hào về con". Đến ngày hôm nay, khi nhắc lại, vẫn cảm thấy cay mũi vì sự hi sinh cao đẹp của cháu, gia đình. Ông bà ngoại cũng chia sẻ, tự hào về cô cháu gái bé bỏng", anh Hoàng nói.

Anh Hoàng cũng chia sẻ thêm, sau khi thực hiện lấy giác mạc, mẹ cháu bé rất bình tâm, nhờ các anh khâu giúp vết thương mở nội khí quản nơi cổ cháu bé.

Là một kỹ thuật viên lấy giác mạc, lần đầu tiên anh cầm kim khâu vết thương. Có một chút hồi hộp, nhưng cũng như người mẹ, anh bình tâm làm, khâu 8 mũi cho cô bé.

Anh Hoàng chia sẻ thêm, từ ca hiến giác mạc đầu tiên năm 2007 đến nay, cả nước có 421 người hiến giác mạc tại 15 tỉnh thành khác nhau trong cả nước. Nhưng trẻ em dưới 20 tuổi hiến giác mạc rất ít, đếm trên đầu ngón tay. Trong đó, ca của bé gái 7 tuổi (Hà Nội), bé trai 6 tuổi (Ninh Bình) và cô bé 14 tuổi (Nam Định) khiến anh vô cùng xúc động.

Hiện giác mạc của bé Hải An đã được lưu trữ trong ngân hàng mắt, đánh giá chất lượng tốt, đang chờ các bác sĩ hội chẩn để tuần tới có thể ghép cho hai bệnh nhân. Bởi giác mạc được bảo quản chỉ trong 14 ngày, được ghép càng sớm càng tốt.

"Một cặp giác mạc hiến mang lại ánh sáng cho ít nhất 2 người. Bởi mỗi bệnh nhân chỉ ghép từng mắt một, khi mảnh ghép đó ổn định, mới tiến hành ghép mảnh thứ 2. Thời gian đó kéo dài khá lâu, thậm chí 1 – 2 năm", anh Hoàn cho biết.

Được biết, hiện nhu cầu ghép giác mạc rất lớn. Con số đăng kí ghép tại Ngân hàng mắt đến cả 1000 người, trong khi ngân hàng "nghèo vốn", vì cứ có là sử dụng hết ngay".

Hiến giác mạc không phân biệt tuổi tác, bất cứ ai cũng có thể hiến giác mạc sau khi qua đời. Việc thu nhận giác mạc chỉ trong vòng 25 - 30 phút, chỉ tách lấy lớp giác mạc mỏng phía trước tròng đen nên hoàn toàn không ảnh hưởng đến khuôn mặt người hiến. Cặp giác mạc một người hiến sẽ mang lại ánh sáng cho hai người mù.

Tác giả: Hồng Hải

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP