Di tích - Thắng cảnh

Âm vang những con đường Ðồng Lộc

Mấy năm qua đã thành lệ, cứ đến mùa tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, Báo Nhân Dân, UBND tỉnh Hà Tĩnh và Đài Truyền hình Việt Nam lại cùng phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Cõi thiêng Đồng Lộc”. “Cõi thiêng Đồng Lộc” năm nay 2014 với chủ đề “Đồng Lộc – ngã ba bất tử” sẽ diễn ra tối 24-7, đúng ngày hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong, ngay tại địa danh đã thuộc về lịch sử và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV bắt đầu từ 20 giờ.

Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: MỸ HIỀN

Như sự sắp đặt hữu duyên của thời gian, kể từ lúc được tu sửa chỉnh trang lại, gọn gàng, phong quang ấm áp hơn, khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc luôn thu hút lượng du khách đông đảo tới tham quan, thắp hương tưởng nhớ trên phần mộ 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) trẻ tuổi. Dường như cuộc sống càng ấm no đủ đầy, tiện nghi sinh hoạt càng hiện đại, đường sá xe cộ mỗi lúc một thêm tốt, thêm đẹp thêm nhiều, con người lại càng có nhu cầu tưởng nhớ, hoài niệm quá khứ, tri ân những thế hệ đi trước đã vun xới đắp xây góp phần làm nên thực tại hôm nay. Không chỉ là nơi dành để giáo dục lịch sử, khơi gợi truyền thống, Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh có năng lực mời gọi, níu giữ bước chân người. Đến với Ngã ba Đồng Lộc để được lắng lòng, thấy mình cần phải sống chậm, để hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc, thấu hơn những mất mát khó gì bù đắp nổi. Dừng chân ở Ngã ba Đồng Lộc và càng thấm thía, khắp trên các cung đường Việt Nam thời chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ sự tham góp của lực lượng TNXP là vô kể, những thiệt thòi họ phải trải qua cũng chưa cách chi san sẻ bớt. Các thế hệ đương thời hầu hết chỉ biết đến một Ngã ba Đồng Lộc, biết đến những cô gái Truông Bồn, đường 20 Quyết Thắng, Hang Tám cô Quảng Bình, cầu Hàm Rồng… Nhưng thực tế, trên suốt dọc dài con đường đánh giặc, còn nhiều, vô cùng nhiều sự hy sinh đã trở thành huyền thoại, những cống hiến không thể định lượng, những tập thể, cá nhân có tên và chưa biết tên, những địa danh đã bị thời gian vùi lấp, những chiến công cùng với con người làm nên chiến công đó đã mãi mãi câm lặng trong lòng đất lạnh… của lực lượng TNXP mà ít ai tỏ tường, rành rẽ. Chẳng phải vô cớ ngay giữa những ngày sục sôi bom rơi đạn lửa, trên bước đường hành quân, anh lính pháo binh binh nhì ra chiến trường từ khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong bức thư gửi cho người vợ trẻ cùng đứa con thơ ở hậu phương đã mường tượng, hình dung và tiên lượng đủ đầy về tầm vóc của TNXP cùng sự ghi nhận đáng ra phải có dành cho lực lượng hùng hậu này. Bức thư của nhà văn Ngô Thảo đề ngày 13-4-1968 được viết ngay tại Hà Tĩnh, ít lâu trước khoảnh khắc bất tử của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành trong tập sách song ngữ Việt – Anh “Thư chiến trường”…

“Hà Tĩnh ngày 13-4-1968.

Suy nghĩ tới thường xuyên nhất là suy nghĩ về con đường và những người làm nên con đường đó.

Đoàn xe kéo pháo ra mặt trận băng qua những con đường rộng rãi, kéo mãi xa vào phương Nam. Có rất ít quãng đường phẳng ở đồng bằng, hầu hết đều cheo leo lưng chừng núi, cua gấp bên vực thẳm, băng qua những làn đá, xuyên qua những khu rừng âm u, lượn trên những đỉnh cao mơ màng mây bạc. Không chỉ thế, còn bom đạn quân thù. Anh đã qua nhiều con đường bom thù đào những lỗ sâu hoắm ở hai bên, những chiếc cầu nhỏ có hàng chục hố bom bên cạnh, những quãng đường độc đạo xác ô-tô cháy xám gãy gục, có chiếc còn bốc lửa đỏ rực và bị bốc cháy trong cuộc oanh tạc ban chiều. Nhưng dù vậy, đường vẫn thông suốt, xe chưa một lần nào bị lầy, sệ bên đường. Có đi qua con đường chiến lược đó mới thấy quyết tâm đánh Mỹ của Đảng ta lớn biết chừng nào.

Ai là người thực hiện những công trình đó. Đội ngũ TNXP thường như theo anh ta chưa đánh giá hết vị trí anh hùng của họ. Nếu ai hỏi ý kiến anh trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, ai là đội ngũ dũng cảm, anh hùng nhất, anh sẽ không ngần ngại nói: TNXP. Họ đã thi công những con đường đáng lẽ làm 9 năm trong 3 tháng. Họ – những cô gái duyên dáng với đôi bàn tay có lẽ cũng mềm mại như tay em – đã bắt núi cúi đầu, bắt sông nhường bước với khẩu hiệu: “Đường lầy lội là có tội với miền nam”, “máu có thể ngừng chảy, đường không thể bị tắc” đã làm nên những công trình phi thường đó.

Và thật ra máu họ đã chảy, rải rác trên con đường dài, anh đã gặp những nấm mộ có bia nhỏ khắc tên tuổi, năm sinh, quê hương, ngày mất… Có lẽ không cần có bia thì con đường vĩ đại kia cũng là tấm bia ghi công để thế hệ tương lai nhớ đến! Có lẽ các nhà điêu khắc phải đắp các pho tượng thật lớn, thật đẹp để ca ngợi người TNXP. Ta vẫn có lối thích làm tượng nhỏ, duyên dáng hiền từ nhưng với TNXP thì không thể như thế. Phải đắp những pho tượng thật cao to, thật kiêu kỳ mỹ lệ để vừa nói về khí thế người thanh niên thời đại vừa để cho những thế hệ sau chiêm ngưỡng, học hỏi. Nội dung bức tượng đó là gì?. ST thử nghĩ xem. Có lẽ với thanh niên tượng đó không cần tả thực mà phải có tính chất ấn tượng!

Tiểu đội nữ thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh: VĂN SẮC

Chỉ đi trên con đường đó ta đã thấy mạnh lên bội phần. Nghị lực và quyết tâm được nhân lên một lũy thừa lớn.

Năm tháng trôi qua, cuộc chiến tranh rồi sẽ kết thúc, tất cả chúng ta sẽ thành người thiên cổ nhưng những con đường sẽ đi từ hiện thực vào tương lai, tham gia vào cuộc xây dựng tương lai của đất nước và trên mỗi mốc đó hãy dựng bức tượng về người TNXP.

Con cháu chúng ta rồi sẽ sống sung túc, đầy đủ hơn chúng ta. Chúng nó sẽ không biết thế nào là thiếu thốn, là mưa rừng ướt át, là hành quân đêm lầy lội, là nỗi gian khổ của người con gái giữa rừng xa núi vắng đang làm nên những con đường lớn.

Lỗ Tấn nói: Người ta đi nhiều thì phải mòn đường. Ấy là ông ta nói tới những lối mòn nhỏ trong rừng. Còn muốn có những con đường lớn, xe pháo cong dài gần 20m đi qua được từ Bắc vào Nam cần phải có sức phi thường của những con người và không chỉ sức mà cả máu nữa.

Một ngày không xa nước nhà sẽ thống nhất. Con đường này sẽ được vẽ lên những bản đồ chính thức trong sách học nhà trường. Lớp học sinh tương lai hẳn sẽ ngạc nhiên vì thấy có một con đường đỏ liền kéo dài nhường ấy xuyên qua núi cao, suối sâu, sông rộng, đèo cao mà đi khắp miền đất nước. Chúng nó khó biết đó là con đường đi ra tiền tuyến và với dân tộc ta, với thế hệ ta, đường ra tiền tuyến là con đường đỏ nhất, đẹp nhất.

Chỉ đi trên con đường đó ta đã thấy mạnh lên bội phần. Nghị lực và quyết tâm được nhân lên một lũy thừa lớn.

Đã muộn rồi, và sự rộn ràng không cho anh viết hết những ý nghĩ đã đến. Cho đến nay anh chưa được may mắn quen lấy một cô TNXP cụ thể nào nhưng tình cảm với họ thì thật là đầy đủ. Và anh thấy văn học ta chưa có những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc, vị trí họ trong cuộc chiến đấu. Khốn thay, tài ba anh chẳng có, và sự hiểu biết về cuộc sống của họ quá ít ỏi nên nền văn học nước nhà chẳng được bù đắp gì hơn.

Thôi nhé. Anh đi”.

MI SOL

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP