|
28 tuổi, cô gái nghỉ việc, dành toàn thời gian đi "bụi" suốt 8 tháng chưa về nhà
Cô nàng cá tính này là Trần Nguyệt Ánh, 28 tuổi, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh.
Cô đã khiến nhiều người thực sự ngưỡng mộ sau khi kể câu chuyện về đam mê "xê dịch" của mình trên một diễn đàn nổi tiếng dành cho giới trẻ.
Với Nguyệt Ánh, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, các món ăn mới lạ cùng con người mến khách ở những vùng đất xa lạ là điều khiến cô thực sự bị cuốn hút. |
Tâm sự của cô gái Sài thành bất ngờ thu hút gần 30.000 lượt thích và chia sẻ của dân mạng. Được biết, Nguyệt Ánh có niềm đam mê bất tận với những hành trình khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới với con người và các nền văn hóa khác nhau.
Yêu biển, yêu rừng, yêu sa mạc, yêu những đỉnh núi tuyết, yêu những thành phố mà cô chỉ kịp lướt qua. Cô yêu thích cuộc sống của những người vô gia cư, đó là tự do thực sự. Do đó, ở tuổi 28, Nguyệt Ánh chưa hề có ý định lập gia đình mà quyết định xin nghỉ công việc văn phòng để dành toàn bộ thời gian "đi bụi".
|
Những hình ảnh trong chuyến đi của cô gái 28 tuổi. |
Một năm vừa rồi, cô đã "xách balo lên và đi" vòng quanh Đông Nam Á, rồi đến Nam Á, Tây Á, Bắc Á và hiện tại, Nguyệt Ánh đang ở Tajikistan, một đất nước Trung Á xa lạ với phần đông khách du lịch.
Cô gái này còn tâm sự vui rằng: "Khi nào đi hết mọi ngóc ngách trên Trái Đất này thì mình sẽ tìm phi thuyền đi về hành tinh của mình"!
Mỗi lần gặp người dân của các bộ lạc du mục, cô nàng 8x tỏ ra vô cùng thích thú. Cuộc sống trên lưng ngựa, trong lều bằng da lừa, tự do di chuyển giữa những thảo nguyên mênh mông chính là thứ mà cô hằng mơ ước.
"Mình đi từ đầu năm mà chưa về nhà, nhớ nhà lắm, nhưng nếu về thì cũng chỉ được mấy ngày là lại cuồng chân mà đi tiếp thôi! |
Mình đã từng ôm dù nhảy ra khỏi cửa máy bay trực thăng, đi bộ gần hai tuần lên Everest Base Camp, ôm bình khí lặn xuống đáy biển, chui vào miệng núi lửa, sặc khói lưu huỳnh, chứng kiến nổ súng trong vùng đang giao tranh ở Kashmir - Ấn Độ.
Mỗi lần trải nghiệm sự hiểm nguy giữa sự sống và cái chết khiến mình thêm yêu cuộc sống này hơn".
"Cuộc sống của tôi bây giờ vừa vặn trong chiếc ba lô"
Liên lạc với Nguyệt Ánh, cô gái với câu chuyện về khát khao sống, đi và trải nghiệm đang nhận được sự ngưỡng mộ của rất nhiều người trẻ, 8x Sài thành cho biết hiện tại cô đang đi Pamir Highway.
Ngày xưa chỉ có dân buôn và lính biên phòng Liên Xô mới lên vùng cao Trung Á này. Ngày nay, con đường cao tốc Pamir Highway đã trở thành nơi khám phá của dân du lịch mạo hiểm.
Xa lộ Pamir Highway, có tên gọi chính thức là đường M41, kéo dài 1.252 km từ thị trấn Osh miền nam Kyrgyzstan, qua dãy núi Pamir, hay còn được gọi là "Nóc nhà Thế giới", và dọc biên giới với Afghanistan cho tới điểm cuối tại Dushanbe, thủ đô của Tajikistan.
Ngày nay, không mấy người đi lại tới vùng hẻo lánh này, nhưng những ai tìm đến đây, giống như Nguyệt Anh đều được thưởng bằng những cảnh tượng cực kỳ ấn tượng, bằng sự hiếu khách của người Pamir, và bằng một hành trình hứa hẹn đầy chất sử thi.
Phương tiện giao thông công cộng dọc Pamir Highway thì không có, hoặc có cũng không thường xuyên. Những sườn núi dốc đá và việc bảo dưỡng duy tu không được đầu tư khiến xe cộ chạy trên đường gặp rất nhiều khó khăn.
Mỗi điểm đến đều để lại cho Nguyệt Ánh nhiều kỷ niệm đáng nhớ. |
Vì ở nơi mạng lưới internet không được ổn định, nên những chia sẻ Nguyệt Ánh gửi tới chúng tôi về chuyến đi chưa được đầy đủ, trọn vẹn: "Mình sinh ra và lớn lên ở thành phố, nên thiếu kỹ năng sinh tồn giữa thiên nhiên, đặc biệt là ở nơi hoang dã.
Mình di chuyển bằng xe bus, máy bay, tàu,...quá lắm là đi bộ được vài ngày. Trong suốt hành trình, đa số mình dùng Internet để đặt phòng khách sạn, dùng điện thoại, email để liên lạc với người này người kia.
Nhưng hiện tại ở Pamir mạng rất chập chờn, kết nối thông tin khá khó khăn, mình vẫn đang tìm mọi cách để thực sự có được chuyến đi đẹp và đáng nhớ".
|
Kỉ niệm khó quên nhất từ trước đến nay trong hành trình khám thế giới của Nguyệt Ánh là lần đặt chân đến Kashmir. Đây là vùng đất phía Nam của Trung Á - lãnh thổ sát Ấn Độ, đang có tranh chấp dữ dội.
"Vùng đất này làm mình đi từ cú sốc này tới cú sốc khác. Nhiều người đã từng nhắc đến khu vực này với Leh - vùng đất của Phật Giáo.
Cả hai ngày ở đây đều mất điện theo như anh chủ nhà nói, nước sinh hoạt là nước dẫn từ suối về và đây là vùng đất của Hồi Giáo.
Cú sốc thứ hai là lần đầu tiên trong đời mình trực tiếp ở tại nơi diễn ra giao tranh - Kangan có quân đội và dân thường, sinh viên sinh sống.
Theo anh chủ nói thì không sao đâu, thỉnh thoảng đánh nhau chút thôi chứ không sao đâu, vậy mà chúng tôi phải lánh trong một quán trà trong chợ gần 30 phút, với 5 phát súng nổ ở mấy ngõ hẻm cận kề, nhiều quán xá kéo hết cửa sắt, xe cộ đang chạy trên đại lộ phải quay ngược đầu..." – Cô gái Sài thành nhớ lại.
Ngoài ra, Nguyệt Ánh còn từng ở lại Sri Lanka19 ngày, có những chuyến đi thú vị đến Campuchia, Thái Lan, Myanmar để thỏa mãn sở thích "phượt" của mình.
Cuộc sống của cô bây giờ vừa vặn trong chiếc ba lô. Cô phải bỏ bớt quần áo đi, không được mang theo những thứ mình thích, thay vào đó là những thứ thực sự cần.
"Mình phải mang theo từ đôi đũa, cái tăm, giấy vệ sinh...bỏ bớt lại phấn son. Mình còn phải bỏ đi những cuốn sách yêu thích, vì nó quá nặng và không là gì so với những trải nghiệm thực tế.
Hơn nữa, quyết định thôi việc để đi buộc mình phải gác lại những mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, thay vào đó là đặt lòng tin vào những người xa lạ lần đầu tiên cũng có thể là lần duy nhất gặp mặt".
Hiện tại, cô gái trẻ vẫn đang tiếp tục cuộc rong ruổi của mình, để được ghé thăm nhiều hơn nữa những vùng đất mới.
|
|
|
|
Tác giả: Ngân Hà
Nguồn tin: Báo Trí thức trẻ