Dòng Sự kiện

Xóm nghèo căm phẫn gã con “làm bậy” cả với mẹ đẻ

Công an huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) mới ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng Nguyễn Tấn Lợi (57 tuổi, ngụ ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) để điều tra về hành vi làm nhục mẹ đẻ là bà Võ Thị Hường (82 tuổi).

Sự việc bị đưa ra ánh sáng, dư luận địa phương như nổ tung xôn xao căm phẫn.


Người đàn ông “khó chịu” đến mức vợ ẵm con bỏ nhà biệt xứ


Ấp Thị Tường, nơi xảy ra sự việc nằm khá biệt lập so với bên ngoài. Để đến ấp nghèo này, người ta không thể đi bằng máy mà chỉ có một chọn lựa duy nhất là bơi xuồng khoảng 4 km.


Ngôi nhà nơi xảy ra vụ án chấn động dư luận nằm ở mé kênh 16, ít người qua lại. Đó là một căn nhà lá thấp bé, lụp xụp, khuất sau những bụi cây. Dưới mái nhà này, nhiều năm nay chỉ có hai mẹ con chung sống. Người con trai tên Nguyễn Tấn Lợi từng có hai vợ.


Vợ cả chết cách đây đã gần 20 năm sau khi vợ chồng đã có với nhau hai người con trai. Mấy năm sau ông Lợi cưới cô vợ kém ông gần chục tuổi. Họ có với nhau một người con, nhưng do không chịu được tính tình của chồng, cô này đã ẵm con bỏ đi biệt tích khoảng 10 năm nay.


Từ đó ông Lợi ở vậy nuôi hai con trai và mẹ già. Hai người con lớn lên đi làm ăn xa tận Sài Gòn, Bình Dương, rất ít khi về nhà, trừ dịp lễ Tết. Thủ phạm là con thứ 5 trong gia đình có 10 anh chị em nên hàng xóm thường gọi ông là Năm Lợi.


Năm Lợi mang tiếng ở nhà chăm sóc, nấu nướng cho mẹ già nhưng nhiều hôm đi biệt tích cả ngày, mặc bà mẹ ở nhà đói khát. Năm nay hơn 80 tuổi, bà lão lú lẫn hay quên. Đặc biệt cụ bị bệnh tiểu tiện không kiểm soát được, nên nhiều lần “bậy” ra lúc nào không hay. Ngày bình thường, Năm Lợi chăm sóc giặt giũ, cơm nước, tắm rửa, thay quần áo cho mẹ già.


Nhân chứng phân vân trước tình huống có một trên đời


Những ngày giữa tháng 7/2013, một người dân trong xóm là ông Võ Văn Qưới (SN 1965) chợt nét mặt nặng trĩu ưu tư. Nỗi ấm ức không thể giấu trong lòng, “đào hố xuống vườn hét xuống cũng không thỏa”, ông trải lòng với một vài người bạn tri kỷ. Xóm nhỏ bất ngờ bùng lên xôn xao xì xầm với câu chuyện động trời ông Qưới phát hiện người hàng xóm Năm Lợi “làm bậy” với mẹ ruột.


Ông Qưới cho biết bình thường Năm Lợi là người khá điềm tĩnh, dù hay rượu chè nhưng ít khi để mất lòng hàng xóm. “Ấy vậy mà không ngờ ông ấy lại dám làm cái chuyện ghê rợn ấy với chính mẹ ruột của mình. Khi phát hiện sự việc, tôi ngỡ ngàng đến đầu óc quay cuồng, không biết “trời xui quỷ khiến” thế này mà ông ta trở nên đồi bại đến mức ấy”, nhân chứng nói.

Ấp Thị Tường là địa danh còn chưa có tên trên bản đồ kỹ thuật số, không có đường bộ.


Muốn vào nơi này, khách phải bơi xuồng đến 4km. Một người dân trong ấp biết đến Xa lộ Pháp luật qua một lần tình cờ mua báo tại TP. Cà Mau, sau đó đem về truyền tay nhau mọi người cùng xem.


Ngay từ những ngày giữa tháng 7/2013, sau khi sự việc xảy ra, những người dân trong ấp liên tiếp gọi điện về Xa lộ Pháp luật, yêu cầu phanh phui sự việc này để như một lời cảnh báo khẩn thiết rằng phạm pháp sẽ nảy sinh từ thất học, đói nghèo, tệ nạn rượu chè. Trước những yêu cầu khẩn thiết này, Xa lộ Pháp luật đã vào cuộc…


Chiều 11/7, ông Qưới cùng Năm Lợi đi ăn cỗ tại nhà một người bà con ở ấp khác. Sau khi cơm nước rượu chè, đến tối hai ông dắt nhau về, ai về nhà người ấy nghỉ ngơi. Đến khoảng 20h, ông Qưới ghé sang nhà hàng xóm chơi. Vừa đến sân nhà, nhìn vào nhà ánh điện sáng trưng, cửa không đóng, ông nhìn thấy một cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy: Năm Lợi đang “làm bậy” với mẹ ruột của mình.


“Hoảng quá, tôi “tiến thoái lưỡng nan”, không biết phải làm thế nào, bước đi tiếp cũng dở, mà quay lại cũng dở. Tôi đứng chết trân đến nửa phút mới trấn tĩnh trở lại, nấp vào gần hiên để tránh bị lộ”, nhân chứng thuật lại.


Đứng ở đó một hồi lâu, thấy Năm Lợi vẫn cặm cụi với trò đồi bại, ông Qưới quay lại nhà.“Khi ấy tôi nghĩ sự việc thì cũng đã diễn ra rồi, nếu tôi lộ mặt ra thì Năm Lợi sẽ mắc cỡ lắm. Phân vân mãi, tôi mới quay về với suy nghĩ có gì sáng mai quay lại nhắc nhở nhẹ nhàng Năm Lợi sau”, ông Qưới nói.


Về nhà được hồi lâu, nhân chứng ôm đầu đau đớn bên hàng hiên, không biết xử lý việc này ra sao. Chợt thấy người hàng xóm khác tên Lê Văn Nghiệp (SN 1974) mới đi đâu về. Mà muốn về nhà, anh Nghiệp lại phải qua mé sân nhà Năm Lợi. Có nên giữ chân anh Nghiệp lại để che giấu không cho biết chuyện?. Ông Qưới chợt bừng tỉnh nhớ ra chuyện nếu không tố cáo, có khi mình còn phạm tội “không tố giác tội phạm” như báo chí vẫn giới thiệu tuyên truyền.


Ông Qưới kéo anh Nghiệp lại, mách nhỏ chuyện đang diễn ra ở nhà Năm Lợi. Hai người thoáng phân vân, rồi quyết định rón rén đến sân nhà Năm Lợi một lần nữa xem có đúng là có chuyện ấy xảy ra, hay ông Qưới “nhìn gà hóa cuốc”.

Nhân chứng Qưới cho biết đã đấu tranh tư tưởng một thời gian dài trước khi tố cáo sự việc (che mặt)

Nhân chứng Qưới cho biết đã đấu tranh tư tưởng một thời gian dài trước khi tố cáo sự việc.

Sự thật quá phũ phàng, ông Qưới không nhìn nhầm. “Tổng cộng tôi về lại sang khoảng 3 lần mà Năm Lợi vẫn không phát hiện ra. Gần một tiếng đồng hồ hành hạ thân xác bà lão chứ có ít đâu. Chúng tôi vào sát vách, cách Năm Lợi chỉ khoảng 4m mà không bị phát hiện ra. Chắc khi ấy Năm Lợi vẫn còn say rượu, nếu không đã phát hiện ra có người, hoặc chí ít ra đóng cửa lại chứ không bật điện sáng trưng và mở cửa toang hoang như thế”, một nhân chứng khác nhận xét.


Quyết tâm làm rõ sự việc, không để đạo lý bị chà đạp


Sáng sớm hôm sau, nhân chứng Qưới với tư cách vừa là anh em họ hàng, vừa là hàng xóm, đã sang nhà Năm Lợi với ý định nhắc nhở nhẹ nhàng, “đóng cửa bảo nhau”. “Tôi nghĩ đây là việc rất tế nhị, nếu để lộ ra ngoài sẽ hết sức phiền phức. Nhưng nếu tôi không lên tiếng thì sợ rằng hành vi đồi bại này của Năm Lợi sẽ tái diễn nhiều lần. Bởi vậy tôi mới sang nhà để nói chuyện phải trái, mong Năm Lợi chấm dứt hành vi nhơ bẩn”, ông Qưới thuật lại.


Tuy nhiên, trái với thiện chí của nhân chứng, Năm Lợi chối bay tội lỗi, còn tỏ ra nóng giận, lớn tiếng thách thức.


Nỗi ấm ức không thể giấu trong lòng, ông trải lòng với một vài người bạn tri kỷ. Trong khi đó, nhân chứng còn lại sau khi chứng kiến sự việc cũng rụt rè kể lại cho khá nhiều người.


Tin “sốc” này nhanh chóng lan trong địa phương. Câu chuyện con làm nhục mẹ già luôn là đề tài người ta hỏi thăm nhau, mỗi khi gặp mặt nói chuyện. Dư luận địa phương xì xèo câu chuyện, chẳng bao lâu đến tai công an xã.


Ông Lý Hoàng Vũ, Trưởng công an xã Hòa Mỹ cho biết, thấy dư luận xấu ở ấp Thị Tường, đích thân ông cùng hai công an viên đã xuống cơ sở xác minh thông tin. Ít phút xác minh, công an xã đã lần ra 3 nhân chứng. Nhận thấy đây là sự việc phức tạp, nghiêm trọng, nếu không xử lý nghiêm thì gây dư luận không tốt nên Trưởng công an xã báo cáo trực tiếp với lãnh đạo xã Hòa Mỹ.


Công an xã đến nhà Năm Lợi làm việc, lúc đầu gặp không ít khó khăn do nghi can khăng khăng chối tội. Đến ngày 19/7, công an xã tiếp tục mời Năm Lợi lên trụ sở công an đối chất với những nhân chứng. Nghi phạm sau một hồi vòng vo, đã thú nhận tội lỗi.


Năm Lợi khai nhận là thiếu vợ đã mười năm nay, khi ấy lại đang say rượu nên đã không kiềm chế được bản thân. Năm Lợi cũng cho rằng vi phạm vào tối 11/7 là lần duy nhất.


Công an xã lập tức trình báo sự việc với công an huyện Cái Nước. Trong ngày 19/7, công an huyện tức tốc tìm xuống địa phương. Ngày 22/7, Công an huyện Cái Nước ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam bốn tháng với Nguyễn Tấn Lợi để tiếp tục điều tra.


Trao đổi với Xa lộ pháp luật, ông Hà Công Định, Chủ tịch kiêm Bí thư xã Hòa Mỹ cho biết, vụ án khiến dư luận địa phương bức xúc, lên án và kinh tởm. Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo lý làm người, thuần phong mỹ tục nên lãnh đạo địa phương cương quyết chỉ đạo đưa sự việc ra ánh sáng.


“Đây là sự việc rất đau lòng, nhưng thực tế phũ phàng đã xảy ra, không nên che giấu mà cần công khai lên án sâu sắc để bài trừ, để qua đó mọi người rút ra bài học đau đớn về tác hại của tệ nạn rượu chè”, ông Định nhận xét.


Theo Xa lộ pháp luật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP