Trung Quốc

Tranh chấp Biển Đông: Sự ngạo mạn của Trung Quốc đã lên tột đỉnh

Ngày 24/1, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn thông tin từ tờ Học giả Ngoại giao của Nhật Bản đề cập tới nhận định của học giả Christopher Yung đến từ Đại học Quốc phòng Mỹ, theo đó mô hình “cơ sở hậu cần lưỡng dụng” sẽ là xu thế phát triển của Trung Quốc trong tương lai…

… Bởi việc chỉ dựa vào cảng thương mại để tiếp tế cho tàu chiến như hiện nay sẽ không đủ bảo vệ lợi ích ngày càng phát triển ở nước ngoài của Trung Quốc.

Liên tiếp tố cáo

Ngày 22/1, tờ Rappler dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Manila không những tìm kiếm lựa chọn để đối phó với hoạt động cải tạo bất hợp pháp của Bắc Kinh ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, mà còn tố cáo Bắc Kinh vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế cũng như thỏa thuận đã đạt được giữa Trung Quốc với ASEAN. Bởi hoạt động xây đảo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa đe dọa ASEAN chứ không riêng quốc gia nào, do đó Philippines sẽ đưa vấn đề này ra kỳ họp sắp tới của các Ngoại trưởng ASEAN được tổ chức tại Kota Kinabalu Sabah, Malaysia ngày 27 và 28/1. Manila cũng thúc giục các nước hữu quan sớm thiết lập Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để giảm nguy cơ gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell phát biểu với báo giới
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell phát biểu với báo giới

Trước đó (21/1), Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Evan Garcia đã chỉ trích các hoạt động cải tạo bất hợp pháp của Trung Quốc ở Trường Sa. Thứ trưởng Evan Garcia cho rằng, hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại Biển Đông không phải là những điều chỉnh nhỏ, mà nhằm thay đổi hiện trạng, vi phạm thỏa thuận giữa các bên liên quan năm 2002. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino còn dẫn tin tình báo quân đội cho biết, Trung Quốc vẫn đang tiếp tục lấn biển với quy mô lớn ở khu vực liên quan Biển Đông. Thượng tuần tháng 1/2015, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines Gregorio Catapang Jr cho biết, Bắc Kinh đã hoàn thành 50% dự án cải tạo bất hợp pháp một số bãi đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa.

Trong 2 ngày 20 và 21/1, tại Manila, đã diễn ra cuộc Đối thoại chiến lược song phương lần thứ 5 giữa Mỹ và Philippines, dưới sự chủ trì của Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russell và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear, cùng Thứ trưởng Ngoại giao Evan Garcia và Thứ trưởng Quốc phòng Pio Lorenzo Batino. Quan chức ngoại giao và quốc phòng Mỹ – Philippines đều khẳng định, hành động lấn biển xây đảo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là không phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời kêu gọi các nước hữu quan cùng nhìn thẳng vào “vấn đề hành vi” của Trung Quốc.

Theo ông Daniel Russell, Trung Quốc thực sự triển khai lấn biển ở “khu vực nhạy cảm có tranh chấp chủ quyền” Biển Đông. Và tình hình Biển Đông là vấn đề mà tất cả các nước ở Thái Bình Dương đều quan ngại, đặc biệt là Mỹ và các nước có nhu cầu tự do hàng hải và lệ thuộc vào lưu thông thương mại. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ ngoài việc mong Trung Quốc và các nước liên quan ký COC, còn kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ cam kết, hành động theo luật pháp quốc tế. Gần 1 năm trước (tháng 2/2014), tại Quốc hội Mỹ, ông Daniel Russell đã tuyên bố, “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông không phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, do đó Bắc Kinh cần điều chỉnh.

Trong khi đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng David Shear cho rằng, Mỹ tiếp tục ủng hộ kế hoạch hiện đại hóa quân sự của Philippines, ngoài cung cấp viện trợ quân sự từ năm 2001 đến nay, trong năm 2015 Washington sẽ cung cấp 40 triệu USD cho Manila. Ngày 22/1, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho biết, Washington đã dỡ bỏ giới hạn tài chính về viện trợ quân sự, vốn áp dụng 5 năm trước cho Manila (từ năm 2009, Mỹ đã cắt 3 triệu USD hỗ trợ Philippines).

Chớ giở mánh khóe

Phản ứng trước những tuyên bố của Philippines và cảnh báo của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương, ông Daniel Russel – các nước lớn không nên bắt nạt các nước nhỏ trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh (Oánh) ngạo mạn cho rằng: Các nước nhỏ không nên đưa ra những yêu cầu không hợp lý và không nên tạo thêm rắc rối từ những việc không có gì to tát! Bà Hoa Xuân Doanh còn cho rằng, bên phi đương sự chớ giở mánh khóe xúi bẩy “vấn đề Biển Đông” – ám chỉ Mỹ không nên can dự vào “chuyện của Trung Quốc”. Theo giới bình luận, Trung Quốc đang lo ngại về khả năng thụ lý của Tòa án trọng tài quốc tế và khả năng thắng kiện của Philippines về “đường lưỡi bò” bởi nếu bị tuyên “có tội”, Bắc Kinh sẽ bất lợi về pháp lý. Tuy bị mất mặt trên trường quốc tế, nhưng Trung Quốc vẫn quyết không từ bỏ tham vọng độc bá Biển Đông.

Trong 2 ngày 22 và 23/1, tại Yokohama (Nhật Bản) đã diễn ra các cuộc tham vấn mới liên quan tới vấn đề hàng hải giữa Trung Quốc với Nhật Bản, trong đó tập trung bàn thảo việc quản lý khủng hoảng và phát triển tài nguyên trên biển Hoa Đông. Đây là vòng đàm phán thứ 3 trong khuôn khổ các cuộc tham vấn cấp cao giữa 2 nước về vấn đề này. Trước đó (21-1), Bộ Ngoại giao Nga đã chỉ trích Tokyo không rút kinh nghiệm từ quá khứ sau khi Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida so sánh tình hình Ukraine với quần đảo tranh chấp giữa Moskva với Tokyo tại Nam Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc.

Cũng trong ngày 21/1, Hãng Yonhap cho biết, Seoul đã trao công hàm phản đối việc Tokyo phân phát phiên bản tiếng Triều Tiên của Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản với nội dụng khẳng định quần đảo Dokdo/Takeshima thuộc chủ quyền của Tokyo. 2 tháng trước (hạ tuần tháng 11/2014), Hàn Quốc từng tập trận quân sự quy mô lớn (với tàu khu trục, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tuần tra, tàu hải cảnh cùng các loại chiến đấu cơ, máy bay chống ngầm và máy bay trực thăng CH-60, CH-47…) tại khu vực Dokdo/Takeshima nhằm ứng phó với lực lượng đang nhăm nhe “xâm lược” quần đảo này. Tuy đây là cuộc tập trận thường niên, nhưng vẫn được giới chuyên môn quan tâm khi mục đích của cuộc tập trận mang tên “phòng thủ đảo” – sau khi quần đảo Dokdo/Takeshima bị lực lượng bên ngoài xâm lược, lực lượng lính thủy đánh bộ Hàn Quốc đã sử dụng máy bay, tàu chiến đổ bộ giành lại.

Thích bắt nạt

Nhiều chuyên gia cho rằng, sau khi mất 10 năm để cải tạo tàu sân bay Varyag của Ukraine thành tàu Liêu Ninh, Trung Quốc đã quyết định biến các đảo xa thành “tàu sân bay không chìm trên biển”. Từ tháng 7/2014, giới truyền thông đã loan tin, Trung Quốc đang xây dựng bất hợp pháp sân bay mới ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đến tháng 12/2014, Trung Quốc bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự ở quần đảo Nam Kỷ, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hơn 300km để “răn đe” Nhật Bản.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russell phát biểu với báo giới
Biên đội hộ tống tốp thứ 6 Hải quân Trung Quốc, biên đội này sử dụng tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 (chạy trước) của Hạm đội Nam Hải

Ngày 22/1, trang quân sự sohu.com của Trung Quốc đăng một số bức ảnh nói về quá trình cải tạo phi pháp tại bãi đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, bãi đá Chữ Thập là rạn san hô hình bầu dục thuôn dài, được chia làm 2 khu Tây nam và Đông bắc và kể từ tháng 6/2014, Trung Quốc bắt đầu cải tạo khu vực này. Tháng 10/2014, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho biết, bãi đá Chữ thập đã được cải tạo mở rộng khoảng 1km2, trở thành bãi đá lớn nhất Trường Sa và việc cải tạo vẫn tiếp diễn. Bởi Bắc Kinh muốn biến nơi đây thành đô thị lớn, với nhiều nhà cao tầng, sân bay, bến cảng. Được biết, Trung Quốc đã dựng 1 đài quan trắc trên bãi đá Chữ Thập, một bãi đáp trực thăng để phục vụ hơn 2.000 quân đồn trú tại đây.

Ngày 23/1, mạng quân sự sina.com của Trung Quốc dẫn lại thông tin trên mạng Quan sát quân sự Nga về khả năng liên minh Bắc Kinh – Moskva và khi đó quốc gia đông dân nhất thế giới có thể giải quyết “vấn đề Thái Bình Dương”. Một số chuyên gia cảnh báo, Trung Quốc sẽ phát động chiến tranh ở Biển Đông, chứ không phải ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Cũng trong ngày 23/1, Hải quân Đài Loan đã tiếp nhận tàu tiếp tế hậu cần lớn nhất từ trước đến nay (Bàn Thạch AOE-532 từ Nhà máy Đóng tàu Cao Hùng) với trị giá gần 128 triệu USD. Trước đó (18/1), tờ Want China Times đưa tin, Cơ quan Tuần duyên Đài Loan (CGA) sẽ mở một căn cứ mới vào năm tới và dự kiến sẽ khánh thành trong tháng 5/2016. Căn cứ này sẽ là nơi neo đậu của tàu tuần tra và cứu hộ với trọng tải 3.000 tấn của CGA.

Ngày 21/1, tờ Thời báo Hoàn Cầu tiết lộ, một nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đang lắp ráp 2 tàu đổ bộ đệm khí Zubr. Và nếu việc này được xác thực, Bắc Kinh sẽ có thêm tàu Zubr, giúp khả năng tác chiến đổ bộ cho hải quân Trung Quốc. Còn theo trang New Outlook, Trung Quốc đã nâng cấp khả năng cảnh báo tên lửa cho chiến đấu cơ J-11A. Nếu thông tin này chính xác, khả năng kỹ thuật điện tử của J-11A sẽ hiện đại hơn phiên bản J-11B mới.

Ngày 23/1, Hãng Kyodo dẫn nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, quan chức quân đội Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Australia đã nhóm họp tại Hawaii, Mỹ, để thảo luận về các vấn đề pháp lý liên quan đến việc triển khai lực lượng tại nước ngoài. Đây là lần đầu tiên 4 nước kể trên tổ chức một cuộc họp như vậy. Trước đó (26/12/2014), Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ cũng đã ký biên bản ghi nhớ về chia sẻ thông tin tình báo quân sự giữa 3 nước. Và theo thỏa thuận, Hàn Quốc và Nhật Bản không trao đổi thông tin trực tiếp, mà sẽ thông qua Mỹ bởi 2 nước đồng minh của Washington chưa ký thỏa thuận này. Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo được kỳ vọng sẽ khôi phục hợp tác an ninh giữa 3 nước vốn bị đình trệ do căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản liên quan tới vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.

Theo Hồng Thất Công
PetroTimes

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP