Thời gian qua dư luận “nóng ran” với nhiều luồng ý kiến trái chiều xoay quanh việc thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ khiến hàng ngàn hộ dân ở Hà Tĩnh, Quảng Bình ngập lụt. Mỗi lần kiểm tra nhà máy, các cơ quan chức năng lại ngã ngửa với vô số bất cập trong việc vận hành xã lũ. Đi sâu tìm hiểu cho thấy nhà máy thủy điện Hố Hô không chỉ là “nỗi sợ hãi” với người dân vùng hạ du mà còn khiến cuộc sống của người dân bấp bênh hơn…

Ngã ngửa vì xả lũ

Chưa đầy một tháng, từ 14.10 đến 8.11, người dân vùng hạ du thủy điện Hố Hô ở Hà Tĩnh, Quảng Bình đã phải ba lần di dời đồ đạc, tài sản chạy lũ. Chúng tôi ám ảnh với đôi mắt thâm quầng trên gương mặt hốc hác của chị Nguyễn Thị Hoa ở xóm 6, xã Phương Điền huyện Hương Khê, Hà Tĩnh sau nhiều đêm thức trắng chạy lũ. “Đợt mưa lũ lần thứ 3, từ chiều tối 7.11, cán bộ thôn, xã thông báo dọn đồ đạc lên chạn vì thủy điện Hố Hô tiếp tục xả lũ đề phòng mưa lớn, nhưng nhiều nhà đã chẳng còn gì mà mất nữa rồi”-chị Hoa nói.

Thuy dien Ho Ho - loi bat cap hai: Nguoi dan vung ha du khon kho - Anh 1

Nước lũ ngập nhà, người dân vùng hạ lưu thủy điện Hương Khê thoi thóp (Ảnh chụp tại xã Phương Điền ngày 16.10.2016). Ảnh: H.A

Ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Phương Điền cho biết: “Phải nói thật, dù đã quen với cảnh lũ lụt nhưng người dân Phương Điền chưa bao giờ chứng kiến cảnh nước lũ về nhanh như thế. Sau này chúng tôi mới biết mưa to một phần, còn phần lớn là do thủy điện Hố Hô xả lũ quá lớn”.

Theo ông Lê Hữu Độ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phú Phong, huyện Hương Khê, khoảng 5 năm lại nay, mùa mưa lũ đến là người dân vùng hạ du thủy điện Hố Hô lại thoi thóp vì ngập nhà. Mưa hai, ba ngày không ngập nhưng chỉ cần thủy điện Hố Hô xả lũ là nước băng đồng. Từ ngày có thủy điện đến giờ dân chúng rất lo lắng, cảnh chạy lũ trong đêm khi thủy điện xả nước là nỗi ám ảnh”.

Còn ông Nguyễn Hồng Quân – Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê cho hay: “Ba đợt lũ liên tiếp cùng với xả lũ lớn của thủy điện Hố Hô trong vòng chưa đầy một tháng khiến nhiều người dân không kịp trở tay, cuộc sống bị đảo lộn. Thiên tai và nhân tai đưa lại liên tục như vậy thì bảo vệ tính mạng của người dân đã khó nói gì đến chuyện phát triển kinh tế của địa phương”.

Thuy dien Ho Ho - loi bat cap hai: Nguoi dan vung ha du khon kho - Anh 2

Nước vượt tràn đập sự cố kỹ thuật, công trình thủy điện Hố Hô không mở được cửa thoát lũ vào tháng 10.2010 khiến hàng trăm hộ dân ở huyện Hương Khê sợ vỡ đập tháo chạy trong đêm (ảnh chụp tháng 10.2010). Ảnh: H.A

Kể từ khi nhà máy thủy điện Hố Hô đi vào hoạt động, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, nhân dân các huyện nằm ở hạ nguồn luôn ngồi trên đống lửa mỗi khi mùa mưa lũ về. Chẳng nói đâu xa trong đợt lũ vừa qua đích thân Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phải lên kiểm tra nhà máy này, mỗi lần kiểm tra là mỗi lần “ngã ngửa” vì công tác vận hành điều tiết xả lũ của Hố Hô.

Ngày 15.10, sau một đêm mưa lớn và thủy điện xã lũ khiến 18/22 xã, thị trấn của huyện Hương Khê ngập chìm, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã lên kiểm tra việc xã lũ của thủy điện, đồng thời xuống các xã của huyện Hương Khê thị sát và thăm hỏi người dân bị ngập. Rất nhiều hộ phản ánh, ngay trong tối 14.10, nước lên nhanh một cách bất thường khiến người dân không kịp trở tay, nước lũ đã cuốn trôi nhiều tài sản.

Ngay sau đó, một cuộc họp nhanh với lãnh đạo huyện Hương Khê và các sở, ban, ngành của tỉnh Hà Tĩnh dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh. Tại cuộc họp này, ông Khánh chỉ rõ: “Việc xả lũ thủy điện Hố Hô với lưu lượng từ 500 – 1.800 m3/s trong đêm 14.10 như vậy là xả lũ quá lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nước lũ ở Hương Khê lên nhanh”. Trong cuộc họp nhanh tại vùng lũ Hương Khê, ông Khánh đã chỉ đạo các sở, ngành cần giám sát chặt chẽ việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô, đồng thời yêu cầu thủy điện Hố Hô và huyện Hương Khê phải thông tin kịp thời cho người dân việc xã lũ.

Nhà máy Thủy điện Hố Hô khởi công xây dựng năm 2004 và đưa vào vận hành năm 2010, với mức đầu tư xây dựng trên 257 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện miền Bắc I làm chủ đầu tư theo hình thức BOO (nay nhà máy thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Hồ Bốn quản lý). Theo thiết kế, nhà máy này gồm 2 tổ máy có tổng công suất 13MW, dung tích toàn bộ: 38 triệu m3, diện tích lưu vực lòng hồ: 265,26ha. Hệ thống máy phát điện nằm trên địa phận xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình còn diện tích mặt nước thuộc địa phận huyện Hương Khê (Hà Tĩnh).

Chưa dừng lại ở đó, sáng 1.11, ông Lê Đình Sơn-Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lại phải lên kiểm tra việc xã lũ của nhà máy Hố Hô sau khi nhiều xã của huyện Hương Khê ngập chìm trong đợt lũ thứ 2. Quá trình kiểm tra ông Sơn “ngã ngửa” vì nhà máy này tự ý xả nước từ tối 31.10. “Tôi khẳng định là tỉnh chưa ban hành lệnh xả, tuy nhiên khi kiểm tra thủy điện Hố Hô đã xả và thay đổi lưu lượng xả từ đêm qua.

Việc này đã vi phạm chỉ đạo của tỉnh”-ông Sơn nói và phê bình lãnh đạo nhà máy. Theo ông Sơn: “Nhà máy thủy điện Hố Hô chấp hành không nghiêm túc, chưa kiểm soát, điều tiết lưu lượng nước xả của hồ, đồng thời không tính toán được việc xả lũ vùng hạ lưu ngập lụt như thế nào. Việc xả lũ hoàn toàn phải có tính toán, chứ không thể 2 giờ đêm mới xả. Xả lũ phải tính toán xả ban ngày, chứ không thể trong đêm tăng lượng xả, người dân sẽ không chủ động tránh được”.

Còn ông Nguyễn Văn Huyên- Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Tĩnh thẳng thắn nói tại cuộc họp nhanh về khắc phục ngập lũ hôm 15.10 tại huyện Hương Khê: “Cần phải xem lại thủy điện Hố Hô, nhà máy này công suất nhỏ trong khi mùa lũ nào người dân cũng phải chịu hậu quả ngập lụt nặng như thế này thì không thể chấp nhận được”.

Dân “khát” dưới chân đập thủy điện

Từ ngày xây dựng nhà máy thủy điện Hố Hô, hàng ngàn người dân huyện Hương Khê ăn không ngon, ngủ không yên. Cho đến bây giờ người dân huyện Hương Khê vẫn chưa hết bàng hoàng sau sự cố kỹ thuật, công trình thủy điện Hố Hô không mở được cửa thoát lũ vào tháng 10.2010. Năm đó, do sự cố vận hành của nhà máy không mở được cửa xả, nước lũ đã vượt qua thân đập cao gần 2m so với cao trình 72m khiến hàng ngàn hộ dân nằm ngay dưới chân đập như xã Hương Trạch, Phúc Trạch phải sơ tán khẩn cấp trong đêm.

Nhưng đối với người dân sống dưới chân đập thủy điện Hố Hô, đó chưa phải là thảm cảnh duy nhất. Ông Nguyễn Hoàng An (78 tuổi) ở thôn Phú Lệ, xã Hương Trạch cho biết: Thủy điện Hố Hô như quả bom nước trên đầu dân chúng tôi, mùa mưa thì ngập lũ, còn mùa hè thì khát cháy. Trước đây dòng sông Ngàn Sâu chảy từ thượng nguồn về điều hòa nguồn nước phù sa nuôi sống dân hai bên bờ sông. Còn nay người dân không hưởng gì từ con sông này. “Mùa hè thủy điện tích nước sông khô cạn, tôi đào giếng cũng không có nước, còn mùa mưa thủy điện xả nước đục ngầu đành lên khe suối xa hàng trăm mét, 3 – 4 gia đình góp tiền lại mua ống nhựa dẫn nước từ khe suối về dùng. Nhưng trận lũ vừa qua khiến hệ thống dẫn nước hỏng tan tành” – ông An cho biết.

Tuy nhiên theo Chủ tịch UBND xã Hương Trạch-Cao Viết Hòa: “Người dân Hương Trạch sau lũ vừa qua gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ thiệt hại về cây cối gãy đổ mà nước sạch sinh hoạt hàng ngày cũng thiếu trầm trọng. Vì đường ống dẫn nước từ suối về nhà dân bị lũ cuốn trôi hư hỏng hết”.

Hữu Anh