Kinh tế

Phí đường tránh TP Hà Tĩnh: Không lưu thông vẫn phải nộp tiền!

Không tham gia tuyến giao thông đường tránh Thành Phố Hà Tĩnh, đoạn đường được thu phí theo hợp đồng dự án BOT tại trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhưng nhiều phương tiện vẫn phải nộp tiền, nhất là khi Trạm này sắp tới sẽ tiếp tục tăng phí vào đầu năm 2016.

Không lưu thông vẫn phải nộp tiền.

Phản ánh với PV, một tài xế ô tô lưu thông qua trên tuyến Quốc lộ 1A qua Trạm thu phí Cầu Rác (Cẩm Trung, Cẩm Xuyên) kể lại rằng: Khi dừng để mua vé nộp tiền qua trạm thu phí này, tài xế đã hỏi nhân viên bán vé: “Trạm thu phí này này dùng để thu cho đoạn đường nào?” Nhân viên bán vé cho biết “trạm thu phí này dành cho đường tránh thành phố Hà Tĩnh”, “Vì sao phí đường tránh mà lại thu tận ở Trạm thu phí Cầu Rác?” “Cái này nhân viên bọn em không biết, anh muốn biết phải hỏi lãnh đạo”.

hatinh24h
Trạm thu phí Cầu Rác

Đó là một trong nhiều thắc mắc của người dân, không chỉ ở hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, nơi người dân thường xuyên qua lại ở hai địa bàn mà còn là thắc mắc của nhiều người ở các địa phương khác.

“Tôi thường lưu thông trên Quốc lộ 1, qua trạm thu phí Cầu Rác để tới Thành phố Hà Tĩnh và Vinh để làm việc. Điều thắc mắc là tôi rất ít, hầu như không đi qua đoạn đường tránh TP Hà Tĩnh, nhưng mỗi lần đi qua Trạm thu phí này, tôi vẫn phải nộp tiền phí. Với xe dưới 12 chỗ ngỗi như của tôi, năm 2013 đã tăng từ 12.000/lượt đồng lên 20.000 đồng/lượt, nay được biết sắp tới sẽ tăng lên 35.000 đồng/lượt. không lưu thông nhưng vẫn nộp phí là rất vô lí”, Anh N.X.H, một tài xế tại thị xã Kỳ Anh có xe ô tô 4 chỗ ngồi cho biết.

Chưa nói tới các địa phương khác, riêng người dân ở khu vực có trạm thu phí Cầu Rác, chỉ với đoạn đường ngắn, cách xa đường tránh TP Hà Tĩnh mấy chục km, nhưng mỗi lần lưu thông qua đây cũng phải mua vé khiến người dân băn khoăn.

Tiền phí tăng, nỗi lo tăng

Mức phí qua Trạm thu phí Cầu Rác ngày một tăng cao. Năm 2013, Bộ Tài Chính ban hành thông tư 53/2013/TT-BTC quy định mức thu phí sử dụng đường bộ mới trạm thu phí Cầu Rác, có hiệu lực từ ngày 20/6/2013. Và vừa mới đây, Bộ Tài chính lại vừa ban hành Thông tư số 154/2015/TT-BTC quy định mức thu phí sử dụng đường bộ mới qua trạm Cầu Rác, thông tư mới này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2016.

Mức phí qua Trạm thu phí Cầu Rác ngày một tăng cao

Ví dụ cụ thể, năm 2013 đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng, mức phí theo lượt tăng từ 12.000 lên 20.000đồng/vé/lượt, đến năm 2016 tăng lên 35.000/lượt; mức phí theo tháng tăng từ 360.000 đồng lên 600.000 đồng/vé/tháng, đến 2016 tăng lên 1050.000/vé/tháng và mức phí theo quý tăng từ 950.000 lên 1.600.000 đồng/vé/quý đến 2016 là 2.830.000/vé/quý.

Đối với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn, mức phí trước đó là 20.000 đồng/vé/lượt; 600.000 đồng/vé/tháng và 1.600.000 đồng/vé/quý thì đến 2013  được điều chỉnh tăng lên gấp 1,5 lần, cụ thể là 30.000 đồng/vé/lượt; 900.000 đồng/vé/tháng và 2.400.000 đồng/vé/quý, và đến 2016 sẽ tăng lên 50.000/lượt, 1.500.000 đồng/vé/tháng và 4.050.000 đồng/vé/quý.

Đặc biệt, trong các thông tư này được ghi rất cụ thể: “Phí sử dụng đường bộ trạm thu phí Cầu Rác, quốc lộ 1, tỉnh Hà Tĩnh được thu, nộp, quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Tổng số tiền thu phí hàng năm sau khi trừ các khoản thuế theo quy định được xác định là khoản tiền hoàn vốn theo phương án tài chính của Hợp đồng BOT Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1, đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh và các Phụ lục Hợp đồng BOT.”.

Như vậy, trạm thu phí Cầu Rác dùng để thu cho đoạn đường tránh TP Hà Tĩnh theo Hợp đồng BOT và phụ lục hợp đồng này. Tuy nhiên, người dân cho rằng, thu cho đoạn đường tránh nhưng vị trí thu tiền lại ở tận xã Cẩm Trung, cách xa mấy chục km, khiến một lượng lớn phương tiện không lưu thông qua đường tránh nhưng vẫn phải nộp phí. Nhất là khi sắp tới đây, phí lại tăng cao khiến nỗi lo của nhiều người dân mỗi khi qua đây lại tăng.

Lo lắng vế chất lượng

Được  biết, Tuyến đường tránh thành phố Hà Tĩnh có chiều dài khoảng 16km, bắt đầu tại  xã Thạch Long, huyện Thạch Hà đến địa phận xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên. Công trình do Cty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà (trực thuộc Tập đoàn Sông Đà) chủ đầu tư.

Công trình được đưa vào sử dụng khai thác từ tháng 1/2009.

Mặc dù, mới được đưa vào sử dụng hơn 4 năm, nhưng tới đầu năm 2015 đã trải qua nhiều lần sửa chữa, nhưng tuyến đường đã xuất hiện ngày càng dày đặc các vết rạn nứt, sụt lún không những gây khó khăn mà còn rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đoạn đường này.

Điều đáng nói là bên cạnh mặt đường xuống cấp thì các ngã tư giao nhau với tuyến đường tránh hầu hết không có đèn tín hiệu, nguy hiểm nhất là tại ngã tư giao với tỉnh lộ 17, tầm nhìn bị che khuất, không có đèn hiệu và biển cảnh báo…Chính những điều đó đã gây ra nỗi khiếp sợ đối với các tài xế khi lưu thông trên tuyến đường này, vì thế đã gây ra không ít gây các vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Trước tình trạng đó, Tổng Công ty Sông Đà đã tiến hành đầu tư khắc phục bằng cách tăng cường kết cấu mặt đường nhằm nâng cấp tuyến đường, việc nâng cấp vừa hoàn thành trong thangd 9 vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn đang lo ngại  sự khắc phục đó liệu có đảm bảo được chất lượng lâu dài hay không?

Mặc dù, mới được đưa vào sử dụng hơn 4 năm, nhưng tới đầu năm 2015 đã trải qua nhiều lần sửa chữa, nhưng tuyến đường đã xuất hiện ngày càng dày đặc các vết rạn nứt, sụt lún không những gây khó khăn mà còn rất nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đoạn đường này. (ảnh chụp trước khi sửa chữa, nâng cấp)
 Tổng Công ty Sông Đà đã tiến hành đầu tư khắc phục bằng cách tăng cường kết cấu mặt đường nhằm nâng cấp tuyến đường, việc nâng cấp vừa hoàn thành trong thangd 9 vừa qua. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn đang lo ngại  sự khắc phục đó liệu có đảm bảo được chất lượng lâu dài hay không? (ảnh chụp sau khi hoàn thành nâng cấp, sửa chữa vào 9/2015)

Mai Nguyễn – Hà Vy

(theo Tầm Nhìn)

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP