Thế giới

Những vòng xoáy khủng hoảng đẩy quan hệ Mỹ - Trung xuống đáy

Đại dịch Covid-19 khiến quan hệ Mỹ - Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng và tụt giảm xuống mức thấp chưa từng thấy. Song, đây thực tế là hậu quả của sự tích tụ căng thẳng giữa hai cường quốc suốt nhiều năm qua.

Tổng thống Donald Trump hôm 13/5 một lần nữa đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát đại dịch Covid-19 toàn cầu, "cuộc tấn công tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng phải đối mặt" như cách gọi của ông. Trước đó cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Mỹ nên tập trung giải quyết các vấn đề của chính họ ở trong nước và "ngưng truyền bá thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế".

Giới quan sát chỉ ra rằng, sự đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington đã tồn tại từ rất lâu, ở nhiều khía cạnh trước khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra bùng phát ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Bế tắc về vấn đề Biển Đông

Rất khó để xác định thời điểm quan hệ Mỹ - Trung bắt đầu chuyển hướng từ sự "thân thiện thận trọng" sang "thù địch gia tăng" ở cả hai phía. Nhưng một cột mốc được nhiều người chú ý là sự khởi đầu những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thâu tóm Biển Đông, một tuyến đường biển có ý nghĩa chiến lược quan trọng của thế giới.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, thiết lập "đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” phi pháp, bao trùm hầu hết khu vực. Theo CNN, từ khoảng năm 2015, Bắc Kinh bắt đầu xây dựng trái phép các đảo nhân tạo và đưa lên đó những cấu trúc phòng thủ, điều quân đồn trú và cho lắp đặt các hệ thống radar.

Động thái của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng giận dữ từ các nước láng giềng và cả Mỹ. Các chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và Tổng thống đương nhiệm Trump đều lên tiếng cảnh báo Trung Quốc phải ngưng nỗ lực thâu tóm quyền kiểm soát khu vực.

Đáp trả hành động của Trung Quốc, Mỹ thường xuyên thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải tại vùng biển này, cho các tàu hải quân áp sát các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc. Ngược lại, Bắc Kinh cáo buộc Washington đang cố tình "khiêu khích" ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc vũ trang cho các đảo nhân tạo.

Tháng trước, Hải quân Mỹ đã thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải nối tiếp nhau, điều mà các nhà phân tích mô tả là một phần của chiến lược mới nhằm tạo ra sự khó đoán định về hoạt động. Các chiến dịch kiểu này trước đây của Mỹ thường cách nhau tới vài tuần hoặc lâu hơn.

"Mỹ cực lực phản đối Trung Quốc bắt nạt và chúng tôi hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ bắt họ phải chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 23/4.

Vấn đề Đài Loan cũng là một trong những yếu tố gây chia rẽ quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới suốt hơn 70 năm qua. Tháng 5/2019, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã gặp một trong các quan chức quân sự hàng đầu của vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc, tại cuộc tiếp xúc đầu tiên kiểu này trong 40 năm qua. Ba tháng sau, ông Trump phê chuẩn một thỏa thuận bán vũ khí lớn cho Đài Loan, bao gồm hàng chục tiêm kích F-16 mới.

Chiến tranh thương mại

Một trong những điểm đụng độ dữ dội nhất giữa Washington và Bắc Kinh là cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump châm ngòi nổ. Từ trước khi lên nắm quyền, ông Trump đã công khai bày tỏ niềm tin của bản thân rằng, Trung Quốc đang lợi dụng Mỹ về mặt kinh tế. Ông cũng than phiền về sự thâm hụt thương mại quá lớn của Mỹ so với Trung Quốc.

Ông Trump bắt đầu tung các đòn thuế đánh vào hàng tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào giữa năm 2018, nhằm gây sức ép buộc Bắc Kinh phải cải cách thương mại với Mỹ. Trong số các đòi hỏi của chính quyền ông Trump có cả yêu cầu Trung Quốc phải tăng mua hàng hóa Mỹ, chấm dứt việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ và mở cửa hơn nữa các hệ thống tài chính của đại lục để các doanh nghiệp ngoại quốc có thể tiếp cận nhiều hơn.

Chính phủ Trung Quốc đã đáp trả tương ứng, bắt đầu bằng việc áp thuế "ăn miếng, trả miếng" đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Sau gần 18 tháng căng thẳng thương mại và "lời qua, tiếng lại", Washington và Bắc Kinh cuối cùng nhất trí ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tháng Một năm nay. Hồi tháng Tư, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc nói rằng, thỏa thuận này đang được triển khai bất chấp các tổn hại kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, bất kỳ thỏa thuận thương mại "giai đoạn 2" nào cũng phải giải quyết những tranh chấp dữ dội hơn giữa hai nước. Điều này khiến một số chuyên gia hoài nghi về khả năng đạt được một thỏa thuận như vậy.

Tranh cãi về Huawei

Một trong những cách Mỹ đang sử dụng để thúc đẩy sự phản đối quốc tế đối với Bắc Kinh là đẩy lui sự lan rộng của công nghệ 5G do Trung Quốc phát triển, trên khắp thế giới. Trung Quốc, đặc biệt là tập đoàn Huawei, đang đi đầu về công nghệ 5G, các hệ thống mạng không dây siêu nhanh thế hệ mới, cho phép kết nối và hiệu suất cao hơn.

Tính tới giữa năm 2019, Huawei đã ký hợp đồng với 42 quốc gia để giúp xây dựng cơ sở hạ tầng 5G, bao gồm cả 25 nước ở châu Âu. Tuy nhiên, năm ngoái, Mỹ đã công khai bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về việc sử dụng công nghệ Huawei trong các hệ thống thông tin liên lạc của những quốc gia đồng minh, đặc biệt là các thành viên nhóm chia sẻ thông tin tình báo Five Eyes (bao gồm Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và Anh).

Washington quả quyết, việc lắp đặt các thiết bị phần cứng do Huawei sản xuất sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc do thám thông tin liên lạc của nước ngoài hoặc dễ dàng xâm nhập vào các hệ thống của những nước này, khiến chúng trở nên mất an toàn.

Hồi tháng 2/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí khuyến cáo, nước nào lắp đặt công nghệ 5G của Huawei đều có thể tự hủy hoại quan hệ với Mỹ.

Cả Bắc Kinh và Huawei đều phủ nhận các cáo buộc của Washington, đồng thời tố cáo ngược Washington đang âm mưu "gieo rắc bất đồng" giữa Trung Quốc và các quốc gia khác.

Cho đến thời điểm hiện tại, ngoài Mỹ chỉ có thêm Australia trong nhóm Five Eyes ra lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng công nghệ của tập đoàn Trung Quốc cho các hệ thống 5G trong nước. Hồi tháng 1, Anh, một đồng minh thân cận Mỹ, tuyên bố sẽ cho phép Huawei giúp xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc tại nước này, nhưng với vai trò hạn chế và không được tham gia vào các lĩnh vực cốt lõi "thiết yếu".

Các vấn đề tồn tại dai dẳng nói trên cùng những tranh cãi liên quan đến nguồn gốc của virus corona chủng mới và cách ứng phó với đại dịch Covid-19 đang kéo căng quan hệ Mỹ - Trung Quốc.

Theo Orville Schell, Giám đốc Trung tâm quan hệ Mỹ - Trung tại tổ chức phi lợi nhuận Hiệp hội châu Á, căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới nhiều khả năng chưa thể chấm dứt vào thời điểm các chính phủ toàn cầu đang cố gắng kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt vào năm ông Trump đang chạy đua tái cử, muốn "ghi điểm" trước đông đảo cử tri Mỹ vốn đang mất dần cái nhìn thiện cảm với Trung Quốc.

Tác giả: Tuấn Anh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP