Kinh tế

Ngân hàng Nhà nước muốn siết cho vay đặt cọc bất động sản

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến, bổ sung quy định "cấm TCTD cho vay để thanh toán tiền đặt cọc nhằm thực hiện các giao dịch trong tương lai với dự án chưa đủ điều kiện".

NHNN muốn siết cho vay đặt cọc bất động sản. Ảnh: Trọng Hiếu


Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng.

NHNN cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 39/2016, một số TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố đề nghị NHNN làm rõ một số nội dung tại Thông tư 39; đồng thời, để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động cho vay của các TCTD đối với khách hàng an toàn, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ, việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư 39 là cần thiết để tạo điều kiện cho các TCTD thống nhất thực hiện.

Đáng chú ý, cơ quan quản lý cho thấy sự kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực, phân khúc rủi ro, trong đó có bất động sản.

Cụ thể, Dự thảo nêu rõ, cấm tổ chức tín dụng cho vay để thanh toán tiền đặt cọc nhằm thực hiện các giao dịch trong tương lai mà tại thời điểm đặt cọc chưa đủ điều kiện theo quy định; cấm cho vay để bù đắp vốn tự có, hoàn tiền vay để mua bất động sản, hàng hóa…

Lý giải cho quy định mới này, NHNN cho rằng, về cho vay thanh toán tiền đặt cọc, các TCTD cho khách hàng vay thanh toán tiền đặt cọc để hướng đến các công ty này chuyển nhượng bất động sản hình thành trong tương lai. Tuy nhiên, hầu hết dự án bất động sản sẽ chuyển nhượng chưa đủ điều kiện theo quy định, như chưa có giấy phép xây dựng, chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Sau khi ngân hàng thương mại cấp tín dụng, có trường hợp khách hàng và chủ đầu tư hủy hợp đồng đặt cọc do không hoàn thiện được thủ tục pháp lý để ký hợp đồng chuyển nhượng. Điều này dẫn đến việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn khó khăn, tiềm ẩn rủi ro.

Với cho vay để bù đắp vốn tự có, hoàn tiền vay để mua bất động sản, hàng hóa, NHNN cũng nhận định hoạt động tín dụng này tiềm ẩn rủi ro về việc sử dụng vốn vay và tính xác thực của các giao dịch mà tổ chức tín dụng tài trợ trong thực tế. Tổ chức tín dụng sẽ không kiểm soát được việc khách hàng sử dụng số tiền được giải ngân.

Đây có thể coi là bước tiếp theo của cơ quan quản lý trong việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy vào bất động sản, sau khi liên tục yêu cầu kiểm soát vốn vào bất động sản mang tính đầu cơ, dự án phân khúc cao cấp có nhiều rủi ro. Với quy định này, những người có nhu cầu vay mua nhà đất để đầu cơ, lướt sóng sẽ gặp khó.

Tuy nhiên, có một số nhận định tích cực cho rằng, việc siết dòng vốn vào các dự án chưa đủ điều kiện là cơ hội tốt cho các dự án đủ điều kiện pháp lý, các doanh nghiệp phát triển bài bản, hoạt động tốt trên thị trường.

Bước đi này của NHNN sẽ giúp thị trường minh bạch và đi vào nề nếp hơn. Bản thân thị trường vốn cũng như chiếc bình thông nhau, tiền giảm bớt vào phân khúc rủi ro sẽ chảy vào phân khúc ít rủi ro hơn như sản xuất kinh doanh và nhà đầu tư cũng sẽ lựa chọn được những dự án tốt trên thị trường.

Tác giả: Đình Vũ

Nguồn tin: Báo Nhà Đầu Tư

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP