Địa Chí Hà Tĩnh

Làng nghề truyền thống Cổ Đạm trước nguy cơ thất truyền

Làng nghề truyền thống nồi đất Cổ Đạm (xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) đã có từ cách đây 200 năm. Trong những năm 60-70 của thế kỷ trước, hoạt động sản xuất và buôn bán ở đây rất sầm uất. Thế nhưng, gần đây làng nghề truyền thống này đang bị mai một và đứng trước nguy cơ thất truyền.

Còn nhớ, vào những năm 60-70 của thế kỷ 20, làng nghề nồi đất Cổ Đạm (làng gốm đất nung Cổ Đạm) phát triển khá mạnh, hầu hết các hộ dân ở thôn 3 và thôn 7 đều tham gia vắt nồi và tạo ra những sản phẩm đẹp, đa dạng về mẫu mã. Những sản phẩm đất nung Cổ Đạm chủ yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp lúc đó cho nên  rất nhiều tiểu thương ở các nơi về đây thu mua.

Bà Nguyễn Thị Sinh, một trong hai người vẫn còn theo nghề làm gốm ở làng nghề Cổ Đạm.
Bà Nguyễn Thị Sinh, một trong hai người vẫn còn theo nghề làm gốm ở làng nghề Cổ Đạm.

Được biết, từ năm 2000 trở về trước, người dân xã Cổ Đạm ngoài làm nông nghiệp còn có nghề gốm đất nung truyền thống. Ngày ấy, mỗi khi thu hoạch mùa vụ xong, người dân làng gốm lại bắt tay vào sản xuất. Nhà nào không trực tiếp sản xuất thì đi thu mua lại sản phẩm rồi mang lên chợ bán kiếm lãi. Giai đoạn cao điểm, cả xã có tới hơn 500 hộ dân trực tiếp làm nghề gốm đất nung và buôn bán sản phẩm này. Thế nhưng, hiện nay nghề gốm đất nung ở địa phương đang đối mặt với thực tế là thanh niên ở làng, ở xã lớn lên đều đi học hay đi làm ăn xa, không còn mấy người gắn bó với nghề truyền thống của quê hương. Hiện tại, cả xã chỉ còn hai gia đình làm nghề này (đó là nhà bà Sinh và nhà bà Thiện).

Bà Nguyễn Thị Sinh (người có gần 60 năm gắn bó với nghề) ở thôn 7, tâm sự: “Để tạo ra những sản phẩm bằng gốm đất nung, phải qua nhiều công đoạn khác nhau như: Lấy đất sét ở ruộng tại địa phương, sau đó đưa về nhà tưới nước cho đất mềm và nhào nặn thủ công bằng tay. Dưới bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đã tạo ra nhiều sản phẩm đủ mẫu mã, có kích thước và độ dày vừa phải… Điểm khác biệt giữa gốm đất nung Cổ Đạm với các loại gốm khác là gốm đất nung Cổ Đạm sẽ được nhúng qua “nước men” (nước bột đất sét lọc kỹ cho loãng), sau đó mới mang phơi khô và nung chín. Chính nhờ nghề này mà sản phẩm do người dân quê tôi làm ra đã có mặt ở hầu khắp các gia đình trong cả nước và giúp chúng tôi có “của ăn của để”. Thế nhưng, với những gì đang diễn ra thì chẳng bao lâu nữa nghề truyền thống của quê tôi sẽ bị thất truyền”.

Ông Phan Đình Ca, Phó chủ tịch UBND xã Cổ Đạm, cho biết: “Trước nguy cơ nghề đất nung bị thất truyền, UBND xã đã vận động và khuyến khích lớp trẻ trong toàn xã tham gia học hỏi và tiếp nối nghề truyền thống của cha ông để lại. Hiện nay, UBND xã đang có chủ trương xây dựng mô hình Hợp tác xã làng nghề nồi đất Cổ Đạm và phục dựng lại làng nghề đang dần bị mai một. Làng nghề nồi đất Cổ Đạm không chỉ là một nghề mưu sinh, mà còn là nét văn hóa ở khu vực Bắc Trung Bộ, vì thế ngoài việc tuyên truyền những nét văn hóa trong nghề truyền thống quê hương, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần phải khơi dậy lòng tự hào cho thế hệ trẻ để họ biết nhiều hơn về những giá trị của cha ông để lại và gắn bó với nghề. Có như vậy, nghề nồi đất Cổ Đạm mới được bảo tồn và phát triển”.

Bài và ảnh: HOÀNG HIẾU

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP