“Lâm tặc trong dân”. Khi thực địa tại xã Hương Lâm, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Gỗ tập kết trong từng nhà dân, gỗ vận chuyển trên xe công nông tuồn về xuôi một cách công khai.
Gỗ lậu chui lọt ra khỏi rừng, lâm tặc sẽ sử dụng phương tiện xe công nông vận chuyển về xuôi (Ảnh Trương Hoa)

Trong chuyến lên xã Hương Lâm, huyện Hương Khê vào cuối tháng 8, khi hỏi cô bạn L, bố bạn làm nghề gì, cô nói: “Lâm tặc”. Tôi bật cười, cô lý giải, cả xã tớ ở ai chả là “lâm tặc” dù ít hay nhiều. Người sống ven rừng mà không khai thác rừng thì làm gì, trong khi đất nông nghiệp không có để sản xuất. Thực tế, hiện tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép từ rừng về xuôi tại xã Hương Lâm công khai ngay giữa ban ngày.

Khi thực tế, những cánh rừng tại Hương Khê đang “chảy máu” khi lâm tặc ngày đêm “xẻ thịt” rừng. Rừng bị chặt phá, gỗ được các đối tượng xẻ thành bè lớn, nhỏ tập kết tại khe suối, sau đó vận chuyển bằng xe công nông, xe kéo đi về xuôi.

Nắm rõ loại hình công nông thuận lợi cho quá trình vận chuyển gỗ lậu. Người dân xã miền núi không ngần ngại chi ra hàng chục triệu để sắm nó. Thực địa tại xã miền núi Hương Lâm, Hương Khê có tới gần 100 chiếc xe công nông, do dân tự sắm, tự chế ra để vận chuyển lâm sản, trong đó họ lợi dụng sức kéo này để khai thác, vận chuyển gỗ lậu. Phương tiện này hoạt động công khai, rầm rộ 2 năm gần đây, nhưng có vẻ cơ quan chức năng vẫn bỏ qua.

Tại đây, trong vườn nhà của mỗi hộ dân đều dựng “ga ra” để xe công nông. Dựng lán ngay trong vườn nhà để chất đống gỗ chưa qua kiểm duyệt. Những thớ gỗ đã qua cưa xẻ được đắp chiếu chờ ngày xuất quân hoặc để dựng thành nhà. Tinh vi hơn, nhiều hộ dân đã hợp thức hóa gỗ lậu thành nhà kinh doanh, rồi bán những căn nhà này cho các “đại gia” dưới xuôi với giá hàng trăm triệu, có khi lên tiền tỷ.

Trưa nắng, chúng tôi chạy theo chiếc xe công nông không biển số, chất cứng gỗ đã xẻ từng khúc, người lái xe đang cố luồn qua các con đường làng để về xuôi. Tiếng nổ bình bịch của xe công nông oang cả một góc đường, gỗ chất cứng trên thành xe không bưng bạt, người lại xe hồn nhiên chở cả hàng chục m3 gỗ vượt qua hàng chục km nhưng chính quyền địa phương không hề hay biết?

Khi gỗ lậu chui lọt ra khỏi rừng, được dân dùng xe công nông, xe kéo vận chuyển qua hàng trăm km, vượt mặt các trạm biên phòng, trạm kiểm soát rồi tuồn về xuôi. Còn trong mỗi nhà dân, dễ thấy những khúc gỗ to, đẹp còn nguyên mùi gỗ tươi, được bưng bít kín đáo, chất đống trong vườn? Câu hỏi đặt ra, số gỗ trên từ đâu mà có?

Sau đây là một số hình ảnh PV Infonet ghi lại lâm tặc sử dụng xe công nông vận chuyển gỗ lậu từ rừng về xuôi:

Gỗ sẽ được các lâm tặc thả trôi nước, theo các khe suối để chuyển ra khỏi rừng (Ảnh Trương Hoa)
Gỗ được vận chuyển công khai trên xe công nông như ban ngày qua mặt nhiều cơ quan chức năng địa phương (Ảnh Trương Hoa)
Từng m3 gỗ được chất cứng trên xe công nông, đang tuồn về xuôi (Ảnh Trương Hoa)
Gỗ được cắt xẻ từng khúc chất đống trong vườn nhà dân (Ảnh Trương Hoa)
Thậm chí gỗ được tập kết một cách công khai nơi những khu đất công cộng (Ảnh Trương Hoa)

Trương Hoa