Đền ơn - Đáp nghĩa

Hiệu quả trong công tác đền ơn, đáp nghĩa ở huyện Lộc Hà

Là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước, từ những năm 1930, Lộc Hà đã nổi tiếng với di tích cách mạng Đình Đỉnh Lự. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhân dân nơi vùng biển cửa này đã không ngại khó, ngại khổ đóng góp sức người, sức của nhân dân tỉnh nhà và cả nước đấu tranh giành lại độc lập, tự do. Ngày nay, cùng với thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, người dân Lộc Hà vẫn luôn phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với những gia đình có công với nước.

Đ/c Trần Thị Kim Hoa, Trưởng ban Dân vận tỉnh cùng đại diện lãnh đạo huyện tặng quà mẹ VNAH

Với dân số gần 6000 khẩu, tập trung ở 7 thôn, theo ước tính của lãnh đạo xã Tân Lộc, cứ 10 người thì có 1 người thuộc diện đối tượng hưởng chế độ chính sách của nhà nước. Trong đó tỉ lệ thân nhân, đối tượng người có công với cách mạng và nạn nhân chất độc da cam chiếm gần 2/3. Để chia sẻ những mất mát, đau thương đối với những gia đình chính sách, người có công với cách mạng, trong những năm qua, đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Tân Lộc luôn chú trọng các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước, nhớ nguồn”. Việc chi trả trợ cấp 1 lần và hàng tháng được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước. Công tác chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà cho thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong dịp lễ tết cũng được địa phương tổ chức kịp thời, sát đúng. Bằng nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, cùng với sự nỗ lực vươn lên của đối tượng và sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nên hiện nay mức sống của các gia đình chính sách nói chung đều đạt khá so với mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Toàn xã không còn hộ chính sách nào phải sống trong những căn nhà tranh tre nứa lá, không còn gia đình nào thuộc diện nghèo. Tiêu biểu như trường hợp của Bà Phan Thị Bút – vợ liệt sỹ ở thôn Tân Trung, xã Tân Lộc. Lập gia đình được hơn năm thì chồng bị hy sinh, đến nay bà đã ở 1 mình gần 50 năm. Nhưng may nhờ có sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và bà con lối xóm mà đến nay cuộc sống vốn đầy khó khăn và thiệt thòi của Bà cũng đã được cải thiện. Ốm đau đã có chế độ bảo hiểm lo. Từ nguồn hỗ trợ của hội đồng đội, sự tài trợ của một số doanh nghiệp và giúp đỡ của bà con, hiện Bà Bút đã có nhà ở khang trang, có ti vi cùng các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày…

Trong dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ năm nay, xã Tân Lộc đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; Huy động các tổ chức, cá nhân tham gia công tác “Đền ơn, đáp nghĩa”. Theo ông Phan Bá Đoàn, PCT UBND xã Tân lộc cho biết: Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, quà của UBND tỉnh theo quy định, địa phương cũng đã lên kế hoạch để tổ chức đi thăm hỏi, động viên và tặng quà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn. Nhiệt tình đi đầu trong phong trào này, phải nói đến sự đóng góp của các tổ chức đoàn thanh niên, hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh với nhiều họat động sôi nổi, phần quà có ý nghĩa cho các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.        

Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, đời đời ghi nhớ công ơn trời biển của các anh hùng liệt sỹ, các thương bệnh binh đã không tiếc máu xương vì độc lập tự do của dân tộc…. những hoạt động ý nghĩa hướng về cội nguồn ở huyện Lộc Hà không chỉ thể hiện sự quan tâm, tri ân của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân đối với các đối tượng chính sách và người có công với nước, mà còn góp phần giáo dục đến thế hệ trẻ, nhắc nhở mọi người sống noi gương lớp cha anh đi trước,không ngừng phát huy truyền thống quê hương, thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế – xã hội của địa phương. Theo thống kê của ngành LĐTB&XH, tính đến nay toàn huyện Lộc Hà hiện có gần 2240 đối tượng thuộc diện người có công đang được hưởng trợ cấp hàng tháng. Trong đó có 1 người hoạt động cách mạng trước năm 1945, 1 mẹ VNAH, 6 người hoạt động cách mạng năm 1945 đến tiền khởi nghĩa; gần 960 người là thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh 371 người, gần 280 đối tượng nhiễm chất độc da cam dioxin… Thực hiện cuộc vận động ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, hàng năm Ban chỉ đạo Đền ơn đáp nghĩa huyện Lộc Hà đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, trường học, lực lượng vũ trang cùng với nhân dân tích cực ủng hộ, tạo nguồn kinh phí để sử dụng vào các việc làm tình nghĩa như: tặng sổ tiết kiệm, xây dựng nhà tình nghĩa, xây dựng tu sửa nghĩa trang, đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, nuôi dưỡng đỡ đầu con liệt sĩ, con thương binh gặp khó khăn…. Nhờ làm tốt công tác chăm sóc thương bệnh binh – gia đình liệt sĩ và người có công, đời sống của các gia đình đối tượng chính sách ngày càng được nâng lên, số hộ khá và giàu tăng, số hộ nghèo giảm đáng kể. Nhiều tấm gương thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ đã vươn lên khắc phục mọi khó khăn, phát triển sản xuất để thoát nghèo và từng bước khá giả bằng ý chí tự lực, tự cường, có sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đối với người có công cũng ngày càng phát triển sâu rộng và đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mọi tầng lớp nhân dân. Sau hơn 7 năm xây dựng và trưởng thành đến nay toàn huyện Lộc Hà đã có 13/13 xã được công nhận là đơn vị xã làm tốt công tác Thương binh – gia đình Liệt sĩ và Người có công. Và trong những ngày này, bằng trách nhiệm và đạo lý thiêng liêng, cùng với cả nước, cả tỉnh đang dành mọi sự quan tâm hướng về ngày 27/7, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân toàn huyện Lộc Hà cũng đang tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng về cội nguồn. Theo đó ngoài nguồn kinh phí trên 22.5 triệu đồng do UBND huyện Lộc Hà trực tiếp chi để tổ chức thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công có hoàn cảnh khó khăn trên 13 xã, thực hiện lời kêu gọi vận động của thường trực huyện ủy, trong dịp này mỗi cơ quan đơn vị cấp huyện sẽ trích 1 phần qùa tối đa trị giá 500 ngàn đồng để trao tặng cho các đối tượng chính sách. Những hoạt động thấm đượm tình nghĩa này không những đem lại sự giúp đỡ thiết thực về vật chất, cải thiện điều kiện sống, mà còn làm ấm lòng các gia đình chính sách và người có công, trở thành nét đẹp mới của văn hoá dân tộc Việt Nam. Nét đẹp thể hiện đạo lý quý báu của dân tộc có từ ngàn xưa, đạo lý ”Uống nước nhớ nguồn”.

Trâm Anh 

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP