Là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống yêu nước, từ những năm 1930, Lộc Hà đã nổi tiếng với di tích cách mạng Đình Đỉnh Lự. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhân dân nơi vùng biển cửa này đã không ngại khó, ngại khổ đóng góp sức người, sức của nhân dân tỉnh nhà và cả nước đấu tranh giành lại độc lập, tự do. Ngày nay, cùng với thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương, người dân Lộc Hà vẫn luôn phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” với những gia đình có công với nước.
Đã 31 năm nay, bà Hoàng Thị Đường ở xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên không lúc nào vơi bớt nỗi nhớ chồng, người liệt sỹ Công an nhân dân Trần Đức Kháng (Cán bộ Công an thị xã Hà Tĩnh). Trong trái tim, khối óc của bà, các con, đồng đội và nhân dân vẫn nhớ như in cái năm tháng định mệnh ấy. Đó là vào ngày 15/3/1983, nhóm cướp do Hoàng Thế Phương cầm đầu, gây ra nhiều vụ án táo bạo liều lĩnh gây mất ổn định ANTT trên địa bàn, đã bắt bé Nguyễn Thị Mai mới lên 3 ở xã Thạch Phú, làm con tin. Các đồng chí: Trần Đức Kháng, Nguyễn Xuân Khang, Trần Hữu Võ, Nguyễn Thanh Nhàn và Sử Văn Nhật được giao nhiệm vụ khó khăn và phức tạp đó. Sau một thời gian dùng phương án thuyết phục không làm lay động lương tri của kẻ sát nhân đã buộc các anh vào tình huống phải thực hiện phương án tiếp cận đối tượng, tước lựu đạn, khống chế đối tượng để giải cứu em bé. Khi Trần Đức Kháng đã giật được cháu Mai, anh chỉ kịp xoay người để che chở cho cháu. Lựu đạn nổ, cháu Mai an toàn nhưng đồng chí Trần Đức Kháng hy sinh tại chỗ. Các đồng chí Nguyễn Xuân Khang, Sử Văn Nhật và Trần Hữu Võ bị thương. Đồng chí Nguyễn Xuân Khang vì vết thương quá nặng đã hy sinh lúc 16h cùng ngày… Thời gian cứ thế qua đi, nhưng tấm gương sáng của các anh để các thế hệ CAND học tập và noi theo. Kỷ niệm 67 năm ngày thương binh liệt sỹ, Công an Hà Tĩnh đã trao suất quà trị giá 70 triệu đồng để hỗ trợ vợ liệt sỹ Trần Đức Kháng xây dựng căn nhà tình nghĩa, vơi bớt những khăn trong cuộc sống.