Formosa xả thải

Hà Tĩnh: Nên để Formosa xả thải ra biển hay ra sông Quyền?

Vấn đề nên để Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển hay xả ra sông Quyền (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đã làm nóng cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Bộ TN&MT với UBND tỉnh Hà Tĩnh vào chiều 8.9.

hatinh24h
Toàn cảnh buổi làm việc

Formosa “bí” trong xử lý chất thải

Phát biểu trong buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, hiện nay Formosa đang rất “bí” trong việc xử lý chất thải công nghiệp, thông thương và cả chất thải nguy hại. Bí thư yêu cầu đại diện công ty TNHH Môi trường Phú Hà (công ty Phú Hà) cho biết với công suất của mình, công ty này có đáp ứng được vấn đề xử lý rác thải của Formosa hay không?

Trả lời câu hỏi của Bí thư, ông Hoàng Chí Thức, giám đốc công ty Phú Hà cho biết, hiện công ty này đã đầu tư xong hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 240 m3/ngày, một hầm lưu trữ nước thải nguy hại thể tích 10.000 m3, và khả năng sẽ làm thêm 15 kén với thể tích 15.000 m3 chứa nước thải nguy hại… Hiện công ty cũng đã có lò đốt chất thải  nguy hại xử lý được 24 tấn/ngày.

“Hiện nay chúng tôi có thể đảm bảo xử lý được chất thải của Formosa khi công ty này chưa vận hành. Về lâu dài nếu nghiên cứu đưa vào phương pháp đốt (để tách thành phần nguy hại), tôi nghĩ đảm bảo xử lý được”, ông Thức khẳng định.

Tổ giám sát của Hà Tĩnh hoạt động chưa hiệu quả

Ông Phan Lam Sơn, tổ trưởng tổ giám sát về xử lý môi trường, xả thải tại dự án Formosa của Hà Tĩnh cho biết, tổ đang có cái khó là sự trùng nhau trong nhiệm vụ với tổ giám sát của bộ TN&MT. Trong khi đó, việc tuân thủ sự điều hành của bộ, các kế hoạch, sinh hoạt của tổ chưa có mà đang làm dựa theo sự tự giác là chủ yếu.

Bộ trưởng TN&MT làm việc với tỉnh Hà Tĩnh

Và theo ông Sơn, hoạt động của tổ giám sát của Hà Tĩnh vẫn duy trì nhưng hiệu quả chưa cao, thậm chí rất khó khăn. Một trong những lý do là “Hiện có hai xe quan trắc vào lấy mẫu hằng ngày và báo cáo thẳng về bộ, tổ giám sát của Hà Tĩnh không nắm được số liệu này. Về kết quả phân tích lấy mẫu cũng không được chia sẻ”, ông Sơn cho biết.

ông Sơn đề nghị để tổ giám sát của tỉnh Hà Tĩnh hoạt động phải lấy những người có chuyên môn, kỹ thuật. Bộ phải đứng ra làm tổ trưởng vì đây là dự án rất lớn, tầm của tỉnh không thể làm được. Những việc cụ thể thì tỉnh làm được, còn sự quản lý điều hành phải tầm của bộ trưởng. Phải có hội đồng giám sát, và tổ này phải đặt dưới sự chỉ đạo của hội đồng này.

Ngoài ra, ông Sơn đề xuất phải xác định các thành viên trong tổ thì ai kiêm nhiệm, ai không thì phải cắt riêng để thực hiện công việc.

“Tổ này xuất phát từ nhiệm vụ giám sát đối với chất thải rắn, khí thải, nước thải, hoạt động có liên quan…tất cả là có 4 nhóm. Thành viên không cần đông. Có thể 1 nhóm 3 người. 4 nhóm là 12 người. Tóm lại khoảng 15 người cũng được kể cả bộ cả tỉnh. Phải quyết định điều động cán bộ luôn, khi cần điều động thêm các nhà khoa học. Tuy nhiện, nhiệm vụ của tổ phải rõ, lộ trình rõ, kế hoạch rõ, phải có chế độ rõ ràng”, ông Sơn đề xuất.

Nên để Formosa xả thải ra biển hay ra sông Quyền?

Trong cuộc làm việc này nóng lên chuyện nên để Formosa xả thải ra biển hay xả ra sông Quyền theo quy hoạch năm 2008.

Để trả lời khách quan hơn ý kiến của Bộ, bộ trưởng Trần Hồng Hà đã mời PGS.TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện công nghệ và môi trường, Viện hàn lâm và khoa học công nghệ đại diện các nhà khoa học phát biểu.

PGS. TS Tuyên cho biết, vấn đề quan trọng là kiểm soát nước thải ra như thế nào chứ không phải là xả thải ra biển hay ra sông. Tuy nhiên nếu xả ra biển, thì biển  có cơ chế tự làm sạch, biển cũng sẽ là nguồn tiếp nhận chất thải lớn hơn, nhiệt độ xả thải cao khi ra biển sẽ cân bằng hơn.

Ông Trần Nam Hồng – phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Hà Tĩnh

Và ông cho rằng, để Formosa xả thải ra biển sẽ tốt hơn, vì nước thải xả ra sau khi tất cả đã được xử lý và ra hồ sinh học, được giám sát chắc chắn rồi. Nhưng ông cũng cho rằng, nếu như xả thải ra sông thì mức độ phát tán các chất ô nhiễm kém hơn nếu có sự cố xảy ra. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng với quan điểm trên.

Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến phát biểu của các đại biểu tỉnh Hà Tĩnh đều chưa hoàn toàn đồng tình với ý kiến của PGS. TS Tuyên. Tất cả đều cho rằng phải cân nhắc, thận trọng trong vấn đề này.

Ông Trần Nam Hồng – phó Bí thư thường trực tỉnh ủy cho biết, trước năm 2008, theo quy hoạch Khu kinh tế Vũng Áng, các nhà máy trong khu kinh tế sẽ xả thải ra sông Quyền.

Theo ông Hồng, sông Quyền thực tế là một hồ rất lớn phải đến hàng trăm ha, trước khi có dự án Formosa thì toàn bộ hệ thống nước chảy từ phía tây đường 1A đều chảy xuống đó rồi vào sông Quyền sau đó mới ra cửa biển. Ông đề nghị nên cân nhắc kỹ để lựa chọn.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Huyên, trưởng Ban nội chính tỉnh ủy cho rằng phải nghiên cứu vấn đề nên xả biển hay xả sông, xả ra biển thì nên xả ngầm hay xả nổi để đảm bảo quyền lợi đánh bắt cá trong vùng cho bà con dân nghèo biển ngang.

“Xả ra sông Quyền như cái vịnh, mỗi khi có sự cố xảy ra dễ kiểm soát hơn. Trên đời không ai tránh được chữ ngờ, bao giờ cũng cần có phương án phòng tránh”, ông Huyên nêu ý kiến.

Trước các ý kiến của các đại biểu Hà Tĩnh, PGS. TS Tuyên ghi nhận và cho rằng vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ và cần có thêm thời gian để đưa ra câu trả lời.

Ông Lê Đình Sơn, bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng cho rằng theo như đánh giá TĐMT năm 2008 thì sẽ xả thải ra sông Quyền. Ông Sơn đề nghị bộ trưởng, các nhà quản lý cùng các nhà khoa học cần tổ chức đánh giá những cái ưu, nhược để quyết định vì “không ai nói trước được liệu Formosa có xảy ra sai phạm nữa hay không”, bí thư Hà Tĩnh trăn trở.

Ông cũng cho biết sông Quyền không có quy hoạch chứa nước ngọt.

Về vấn đề này, cuối buổi làm việc, bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng “Bài toán xả ra biển hay sông Quyền có thể làm được, chỉ cần mời thêm các nhà khoa học sẽ trả lời được câu hỏi ở đâu tốt hơn. Nếu địa phương khẳng định đây không phải trong quy hoạch nước ngọt  thì chúng ta sẽ xem lượng xả thải của Formosa và quyết định việc này”, bộ trưởng cho biết.

Mai Nguyễn – Hà Vy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP