Người đương thời

Hà Tĩnh: Cử nhân về quê “chớp lấy cơ hội” thu nhập bạc tỷ trên mảnh đất “cao cạn”

 

Câu chuyện của tôi với chàng cử nhân Nguyễn Văn Hiệu (sinh năm 1986, Thôn Yên Quý, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên; chủ trang trại chăn nuôi gia súc)  bắt đầu bằng triết lý “vụn” về “cơ hội”. “Đời người không có nhiều cơ hội. Khi cơ hội đến, phải biết chớp lấy và làm sao biến thành hiện thực”. Hiệu gật gù khoái chí khi nghe tôi  “nổ’’ câu này.

Cơ hội vàng

“Với em, bốn năm học tại Khoa nuôi trồng thủy sản Đại học Huế cũng là một cơ hội. Mặc dầu năm 2009 khi cầm mảnh bằng tốt nghiệp cử nhân nuôi trồng thủy sản ra trường không về quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh mà vào An Giang làm tiếp thị cho một Công ty cung cấp thức ăn nuôi thủy sản. “Em gắn bó với công việc này 3 năm. Ba năm xa nhà, lương chỉ đủ trang trải sinh sống tàm tạm, không có tích lũy. Nhưng 3 năm lăn lộn với thực tế cuộc sống, với em cũng là cơ hội trải nghiệm cuộc sống. Kiến thức học ở trường chẳng vận dụng được bao nhiêu, điều đó khiến em bắt đầu nhận thức được rằng cần phải tiếp tục học ở một ngôi trường mới là “trường đời”, đặc biệt là trong môi trường kinh doanh điều đó lại càng cần thiết. Và em cảm nhận cuộc sống mới là trường Đại học nghiệt ngã nhất”. Hiệu tâm sự

Rời An Giang, tiền bạc rỗng túi, nhưng Hiệu có lưng vốn bài học thực tiễn. Về quê, vẫn chưa tìm được hướng đi riêng cho bản thân, nên tiếp tục tiếp thị thức ăn gia súc cho Công ty DEHEUS. Chính trong thời gian chưa ổn định việc làm ở quê, một cơ hội mà theo Hiệu là “cơ hội vàng” đã đến với Hiệu.

Hiệu đang hướng dẫn tiếp thị thức ăn gia súc
Hiệu đang hướng dẫn tiếp thị thức ăn gia súc

Cuối năm 2012, tại xã Cẩm Yên Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bắt đầu triển khai thực hiện mạnh mẽ, qua tìm hiểu Hiệu biết cánh đồng Thổ Đôi, thôn Minh Lạc có 6 ha đất “cao cạn” không thể canh tác nên nhân dân trả lại và đã được UBND xã đưa vào quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung. “ Thế là trong em nẩy sinh ý tưởng thành lập trang trại chăn nuôi lợn. Em mạnh dạn trình bày với lãnh đạo UBND xã Cẩm Yên, không ngờ các bác, các chú vô cùng sốt sắng không những tư vấn chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà còn hướng dẫn viết đề án phát triển chăn nuôi, làm các thủ tục, hồ sơ cần thiết để xin cấp đất. Sau thời gian rất ngắn hoàn thành thủ tục, em được cấp 2ha đất để xây dựng trang trại. Sở dĩ cơ hội này trở thành thực tế nhanh chóng là vì hội tụ được 3 yếu tố: “Thiên thời, địa lợi nhân hòa”, nói cách khác là” ý Đảng hợp với lòng dân”. Hiệu chia sẻ.

Theo Hiệu cơ hội đến từ hai phía: khách quan và chủ quan: “Chủ quan vô cùng quan trọng. Tự bản thân mình phải nung nấu, nuôi nấng, khấp khởi một dự định, một ý tưởng nào đó, rồi gặp hoàn cảnh khách quan thích hợp mới nẩy sinh hành động. Mặt khác, có ý tưởng nhưng hoàn cảnh khách quan không cho phép, ý tưởng ấy cũng chỉ nằm trong đầu. Nên để gặp cơ hội còn là cơ duyên, nhân duyên”. Hiệu tâm đắc.  

Nhưng để biến cơ hội thành hiện thực không dễ. Phải bắt đầu vào hành động. Năm 2013, Hiệu bắt tay quy hoạch xây dựng hệ thống chuồng trại. Hàng loạt hạng mục công trình phải đầu tư như điện, đường, mặt bằng, nhà chăn nuôi, nhà làm việc, nhà ở, nhà kho và đặc biệt là hệ thống xử lý chất thải đảm bảo môi sinh, môi trường.

Bấy nhiêu hạng mục công trình không chỉ cần sự hiểu biết mà cần đến vốn cần đến nguồn nhân lực. Cánh đồng Thổ Đôi ở xa khu dân cư, ở giữa đồng không mông quạnh. Bước đầu cắm chân tại mảnh đất Thổ Đôi để lập nghiệp thiếu thốn đủ bề. “Nhưng phải cắm chân ngay trên mảnh đất lập nghiệp này. Không thể chạy lang bang trên đường. Phải từ mảnh đất “cắm dùi” này đi lên”. Hiệu xác định.

Và quá trình lập nghiệp là quá trình dấn thân, nhiều khi liều lĩnh “nuốt lưỡi búa”

“Nuốt lưỡi búa”

Đến bây giờ những người thân trong gia đình Hiệu vẫn không tin được Hiệu dám “cả gan nuốt lưỡi búa” vay ngân hàng vài tỷ đầu tư vào trang trại và dám một mình dựng nhà trụ chân giữa cánh đồng Thổ Đôi.

Lĩnh vực mà Hiệu đầu tư là chăn nuôi lợn thịt. “Tay này không giống ai. Thời điểm đó nuôi gia công đang phát triển mạnh, người ta nuôi cho Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam để được bao giống, thức ăn và không lo đầu ra sản phẩm, còn Hiệu một mình tự lo con giống, nguồn thức ăn và lo cả đầu ra. Nghĩa là lo trọn gói”.  Anh Phan Văn Quán (Công ty DE HEUS) nhận xét.

Năm 2013, xây xong hệ thống chuồng thịt, Hiệu chớp cơ hội nuôi lứa đầu tiên 500 con. “Bắt đầu thả 500 con lợn giống vào chuồng là lo ngày, lo đêm. Nhưng bất ngờ lợn chóng lớn và lứa đầu êm xuôi được 51 tấn. Cho đến nay em đã nuôi được 5 lứa, xuất ra  thị trường 200 tấn. Lợi nhuận khoảng 1 tỷ”. Hiệu  kể.

Ông Nguyễn Đình Trí- Bí thư Chi bộ thôn Yên Quý nhận xét: “ Một mình giữa “đồng không mông quạnh” Thổ Đôi nuôi hàng trăm con lợn thịt đã liều, còn dám đầu tư 320 m2 chuồng trại nuôi một lúc 50 con lợn nái thì tôi cho là dám cả gan “nuốt lưỡi búa”.

Hiệu chăm sóc đàn lợn thịt
Hiệu chăm sóc đàn lợn thịt

Thế mà rồi thắng lợi. Đến tháng 2/2016, Hiệu đã xuất ra thị trường 1.200 con giống, thu nhập khoảng 600 triệu.

Ngoài  chăn nuôi lợn, Hiệu còn chăn nuôi cá; 8000m2 hồ nuôi cá cũng cho thu nhập ngót nghét trăm triệu/năm. Mà cả một núi công việc ấy, một mình Hiệu gánh vác. “Bây giờ thì em hợp đồng với công nhân chăn nuôi, đặc biệt hợp đồng với kỹ thuật viên chăn nuôi lợn với mức lương 6 triệu đồng/tháng.”. Hiệu kể.

Từ ngày hợp đồng với đội ngũ lao động, Hiệu rảnh tay để phụ trách mạng lưới tiếp thị thức ăn gia súc cho Công ty DE HEUS. “Đây cũng là cơ hội, mình phải chớp lấy thời cơ. Là bởi vì, mình làm đại diện cho Công ty, mình không còn phải lo nguồn thức ăn chăn nuôi, hai là khi đi tiếp thị, mình có thể học hỏi được khối kinh nghiệm chăn nuôi từ các trang trại trên toàn tỉnh, đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin liên quan đến thị trường chăn nuôi”. Hiệu giải bày.

Năng động, sáng tạo, nhạy bén với thương trường, biết tận dụng thời gian và chắt chiu cơ hội, nên mới 3 năm mà Hiệu đã mua được ô tô. Có ô tô tiết kiệm được thời gian để vừa làm tốt công việc phụ trách mạng lưới phân phối thức ăn gia súc trên địa bàn toàn tỉnh cho Công ty DE HEUS vừa kết hợp chở thức ăn về trang trại.

Ông Nguyễn Quốc Sỹ- Chủ tịch UBND xã Cẩm Yên đánh giá rất cao ý chí nghị lực, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân trên con đường khởi nghiệp của Hiệu: “Mô hình trang trại chăn nuôi của Hiệu không chỉ có ý nghĩa đối với thanh niên mà còn đối với nhân dân trong xã. Hiện nay, xã nhà chúng tôi đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, trong đó vấn đề cốt lõi là thay đổi cơ cấu sản xuất, phát triển gia trại, trang trại nhằm nâng cao thu nhập một cách ổn định và bền vững cho người dân. Chúng tôi khuyến khích nhân rộng mô hình này và đề nghị với Hiệu mở rộng mô hình chăn nuôi lợn nái để có thể cung cấp giống cho bà con nông dân phát triển chăn nuôi”.

Vinh dự đến với Hiệu; năm 2013, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng anh Bằng khen về thành tích xây dựng nông thôn mới và năm 2015, Hiệu được tặng danh hiệu là điển hình tiến tiến sản xuất kinh doanh giỏi của huyện Cẩm Xuyên .

Bài và ảnh: LÊ VĂN VỴ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP