Kinh tế

Hà Tĩnh cần giữ chân người lao động hồi hương không ly hương

Kể từ đầu năm đến nay, huyện miền núi Hương Sơn tiếp nhận hàng nghìn người lao động từ các tỉnh, thành có dịch bệnh trở về. Một mặt địa phương tổ chức cách ly, phòng, chống dịch bệnh, nhưng mặt khác cũng kết nối để người lao động có việc làm ổn định cuộc sống.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua có hàng chục nghìn lao động từ các tỉnh, thành phố trở về Hà Tĩnh. Chính vì vậy, triển khai các giải pháp tạo việc làm, ổn định đời sống cho bà con trở về địa phương là việc làm cần thiết lúc này, nhưng về lâu dài, Hà Tĩnh xem đây là cơ hội người lao động có cuộc sống ổn định ngay trên chính quê hương, thực hiện phương châm “ly nông không ly hương”.

Công ty Cổ phần may Five Star Hà Tĩnh.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến vợ chồng chị Lương Thị Hoa (ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) làm công nhân tại Bình Dương gặp khó khăn. Sau 3 tháng cầm cự, cuối cùng gia đình quyết định về quê tránh dịch, tìm công việc mới. Qua tìm hiểu, chị Hoa cho biết Công ty Cổ phần May Five Star đóng trên địa bàn huyện Hương Sơn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động đúng với chuyên môn và chị đã đến ứng tuyển.

Chị Lương Thị Hoa bày tỏ phấn khởi: “Ở trong đó (Bình Dương-PV) dịch bệnh bùng phát, nên gia đình tôi phải trở về. Một tháng ở đây, tôi làm đến 16h30, nếu không tăng ca cũng đã được 6 triệu. Trong kia thì phải thuê phòng trọ, còn ngoài này thì không có mất tiền thuê phòng trọ, ăn ở gần nhà”.

Kể từ đầu năm đến nay, huyện miền núi Hương Sơn tiếp nhận hàng nghìn người lao động từ các tỉnh, thành có dịch bệnh trở về. Một mặt địa phương tổ chức cách ly, phòng, chống dịch bệnh, nhưng mặt khác cũng kết nối để người lao động có việc làm ổn định cuộc sống. Bà Nguyễn Thị An, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn cho biết, tất cả lao động trở về đều được địa phương giới thiệu, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn để có công ăn việc làm ổn định cuộc sống cho bà con.

“Khu vực biên giới phức tạp, việc làm không có nên bà con đi làm xa quê rất nhiều. Nhưng tương lai ở đây phát triển thì số lượng người lao động ở các tỉnh về đây sẽ được tiếp nhận, đặc biệt, là người có tay nghề vì các công ty đang có nhiều ưu đãi cho người lao động có tay nghề. Đã hơn 10 năm chờ đợi khu công nghiệp này, đây là cơ hội cho người dân trên địa bàn có công ăn việc làm”, bà An nói.

Qua tìm hiểu tâm tư người lao động khi ly hương họ vẫn đau đáu về quê nhà, nơi có gia đình, người thân. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh họ phải dứt áo ra đi. Dịch bệnh COVID-19 đã cho thấy giá trị bền vững chỉ khi “an cư mới lạc nghiệp” và trở về địa phương vẫn là mong muốn của phần lớn người lao động.

Ông Trần Đức Lịch, Giám đốc Công ty Cổ phần may Five Star Hà Tĩnh cho biết, doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nhận lao động trở về quê tránh dịch có việc làm, ổn định: “Hương Sơn có đặc điểm là xã cách xã xa nên công ty bố trí xe đưa đón công nhân, trong khi lượng nhà máy ở đây ít nên việc thu hút 3.000 lao động là trong tầm tay. Hiện tại công ty đã đưa ra những chính sách đối với lao động có tay nghề hỗ trợ 4 triệu đồng và hỗ trợ nhiều chính sách khác để người lao động đảm bảo cuộc sống lâu dài”.

Hiện nay, số lao động từ các tỉnh phía Nam trở về ngày càng nhiều, sau thời gian hoàn thành cách ly thì vấn đề giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho số lao động hồi hương là việc hết sức cấp thiết. Thời gian qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm Online.

Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty may Haivina Hồng Lĩnh, Công ty Cổ phần May xuất khẩu MTV, Công ty Cổ phần Gang thép Vũng Áng… Cùng với đó, hàng tháng Trung tâm tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu việc làm trực tuyến nhằm giúp người lao động và doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu của cả 2 bên để tiến tới hợp tác làm ăn. Về lâu dài, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng xác định trong phát triển kinh tế quan điểm của tỉnh là “ly nông không ly hương”.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: “Hà Tĩnh có lợi thế là nguồn lao động dồi dào, người Hà Tĩnh thông minh, chịu khó, cần cù; tuy vậy hiện nay số con em đi xuất khẩu lao động và làm việc ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh phía Nam rất lớn. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu việc làm để thu hút, kêu gọi con em Hà Tĩnh về làm việc tại địa phương; đồng thời Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thu hút các dự án đầu tư, mời gọi các tập đoàn về đầu tư trên địa bàn để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ngay trên chính quê hương, thực hiện phương châm “ly nông không ly hương”, từ đó người lao động có điều kiện chăm sóc con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc do không phải đi làm ăn xa”.

Với phương châm “không để người hồi hương ở lại phía sau”, vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm cho người hồi hương đang được các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh hết sức quan tâm với việc triển khai nhiều giải pháp góp phần cùng Chính phủ thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128 thích ứng an toàn linh hoạt để thúc đẩy phát triển kinh tế và phòng chống dịch COVID 19 hiệu quả./.

Tác giả: Sỹ Đức

Nguồn tin: Báo VOV

  Từ khóa: Hà Tĩnh 24h , Hà Tĩnh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP