Formosa xả thải

GĐ Sở Hà Tĩnh chối trách nhiệm Formosa: Có vô cảm không?

Các ĐBQH cho rằng việc đùn đẩy trách nhiệm sự cố Formosa qua đơn vị cấp phép của lãnh đạo Sở TN-MT là vô cảm, không trung thực.

Giám đốc Sở vô cảm

Kỳ họp thứ 3 – HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra từ ngày 13-15/12 được các đại biểu quan tâm đặc biệt. Vấn đề ô nhiễm môi trường của Formosa, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể trong việc quản lý yếu kém, để xảy ra nhiều sai phạm đã được đặt ra cho ông Võ Tá Đinh, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh.

Nhiều tờ báo đưa tin, trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, dù thừa nhận những tồn tại một thời gian dài do việc quản lý không hiệu quả nhưng thay vì thẳng thắn nhận trách nhiệm để tìm ra hướng khắc phục, ông Võ Tá Đinh lại đá trách nhiệm sang cho các đơn vị khác.

Đặc biệt, về sự cố Formosa gây ra ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung thời gian qua, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh cho rằng, đây là dự án mang tầm quốc gia nên ai cấp phép người đó phải trực tiếp giám sát.

Phần trả lời của ông Võ Tá Đinh khiến nhiều đại biểu cũng như lãnh đạo địa phương đều bày tỏ thái độ không hài lòng.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, bà Mai Thị Ánh Tuyết (ĐBQH tỉnh An Giang) thừa nhận thời gian qua, vấn đề phối hợp xử lý và giám sát trong các lĩnh vực tài nguyên, môi trường giữa cơ quan cấp phép và địa phương còn lỏng lẻo, bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu sót.

Lãnh đạo Formosa Việt Nam cúi đầu xin lỗi vì để xảy ra sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng cho các tỉnh miền Trung.

“Vấn đề Formosa chúng ta thấy rõ rồi. Cơ quan Trung ương phê duyệt nhưng địa phương không có phối hợp chặt chẽ để phát huy vai trò và tiếng nói của mình trong việc thực hiện giám sát. Từ đó gây ra nhiều vấn đề khó khăn.

Việc HĐND tỉnh Hà Tĩnh và các cử tri đặt ra các vấn đề đó tôi nghĩ là đúng. Formosa đã gây ra nhiều hậu quả ô nhiễm môi trường nghiêm trong nhưng vai trò của địa phương trong việc tham gia ý kiến, giám sát về mặt pháp lý thì không rõ, gây bức xúc người dân”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Đánh giá về phát biểu của vị tư lệnh ngành TN-MT Hà Tĩnh trước lãnh đạo tỉnh và cư tri, nữ ĐBQH An Giang cho rằng đây là tuyên bố vô cảm, không nhìn nhận thẳng thắn các vấn đề để rút kinh nghiệm, tìm ra phương án xử lý.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Xuyền – ĐBQH tỉnh Thái Bình khẳng định không hài lòng với những giải thích của vị tư lệnh ngành TN-MT tỉnh Hà Tĩnh về trách nhiệm giám sát sự cố môi trường do Formosa gây ra.

Theo ông Xuyền, dự án Formosa được xây dựng tại Hà Tĩnh, vì vậy trách nhiệm của địa phương, mà cụ thể hơn là Sở TN-MT tỉnh phải đứng ra giám sát, quản lý và báo cáo Trung ương.

“Dự án to nhỏ thế nào thì Hà Tĩnh cũng không thể nói trách nhiệm thuộc đơn vị cấp phép. Tôi cho rằng trách nhiệm của Sở TN-MT rất quan trọng. Họ phải có trách nhiệm chính, là một trong những cơ quan nặng nhất. Khi dự án ở trên đưa về thì Sở TN-MT có nhiệm vụ tham ưu cho UBND tỉnh về tất cả các khía cạnh”, ông Xuyền chia sẻ.

Xử lý trách nhiệm nhanh hơn

Bà Mai Thị Ánh Tuyết thừa nhận, Formosa là một vấn đề nóng được Chính phủ, Quốc hội, ĐB và các cử tri hết sức quan tâm thời gian qua. Thủ tướng cũng có chỉ đạo Bộ TN-MT làm rõ trách nhiệm việc Formosa làm ô nhiễm môi trường 4 tỉnh miền Trung thời gian qua.

“Chính phủ và các Bộ, ngành rất quyết tâm xử lý việc này. Chúng tôi cũng nhận được báo cáo về các vấn đề liên quan. Nhưng riêng về địa phương Hà Tĩnh thì chưa thấy thông báo việc kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan.

Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề các ĐBQH và cử tri rất quan tâm. Vì vậy Hà Tĩnh cũng cần làm nhanh chóng và báo cáo lại kết quả cho ĐBQH biết. Từ đó ĐBQH báo cáo lại cho cử tri. Và bản thân địa bàn người dân cũng yên tâm hơn khi qua sự vụ đó, các vấn đề được xử lý đúng người, đúng việc”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Cùng đưa ý kiến, ĐB Bùi Văn Xuyền đề cập đến việc vị lãnh đạo Sở TN-MT tỉnh Hà Tĩnh xin rút kinh nghiệm khi để xảy ra sự cố môi trường và chôn lấp chất thải của Formosa.

Ông Xuyền cho rằng, những phản ứng từ dư luận và chính quyền địa phương đều cho thấy, hình thức kỷ luật trên là quá nhẹ đối với những sai phạm nghiêm trọng trong vấn đề quản lý, giám sát Formosa.

“Cái đó rõ ràng rút kinh nghiệm thì không ai có thể chấp nhận được. Kể cả cảnh cáo coi như cũng nhẹ. Nếu văn hóa từ chức có thì những người đứng đầu phải nên xin từ chức trước. Việc quy trách nhiệm đến đâu, sai phạm thế nào các cơ quan chức năng chức năng phải xem xét các khía cạnh, trả lời sớm cho cử tri”, ông Xuyền nói.

ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng việc xử lý, xem xét trách nhiệm các cá nhân, tập thể liên quan cần phải thực hiện theo đúng các quy định để người dân tâm phục, khẩu phục.

“Khi xử lý kỷ luật một cán bộ phải tổng hợp nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đánh giá đầy đủ để xử lý cho tâm phục khẩu phục. Để xảy ra hậu quả lớn thì phải chịu trách nhiệm chính, không thể trốn tránh trách nhiệm. Nếu làm hết trách nhiệm mà vẫn xảy ra các hậu quả thì có thể xem xét giảm nhẹ kỷ luật”, ông Xuyền nhấn mạnh.

Từ trường hợp của Formosa Hà Tĩnh, ông Xuyền khẳng định, cần phải rà soát lại công tác quản lý về môi trường, phân công, phân cấp cho chính quyền địa phương một cách cụ thể hơn để tránh những lúng túng như thời gian qua.

“Hiện nay phân quyền cho địa phương trong Luật đã có rồi nhưng chưa đầy đủ nên để xảy ra tình trạng đổ chỗ nọ, chỗ kia, cấp trên, cấp dưới. Giờ chúng ta phải quy định cụ thể và rõ ràng thì sau này cán bộ làm việc mới dễ và nhận trách nhiệm cũng rõ hơn”, ông Xuyền nhấn mạnh.

Hoàng Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP