Kỳ Anh

Dự án tái định cư tại huyện Kỳ Anh: Vì sao nhiều người vẫn phải sống cảnh “màn trời…”?

Hơn 49 hộ dân thôn Minh Huệ, xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, mấy tháng nay phải sống cảnh “màn trời, chiếu đất”, khổ sở trăm bề sau khi ra khu tái định cư mới. Vì sao lợi ích của người dân bị “quên lãng”.


>> Kỳ Nam: Dân dựng lều ven quốc lộ chờ nhà tái định cư
Theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh, thực hiện Quyết định số 181/QĐ-KKT, ngày 19-5-2012 của Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, về việc di dời tái định cư thôn Minh Huệ để nhượng đất cho việc xây dựng Khu tái định cư thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi), 49 hộ dân thôn Minh Huệ (xã Kỳ Nam) đã chấp nhận khẩn cấp di dời ra khu tái định cư mới. Chuyển đến khu vực tái định cư mới gần 5 tháng nay nhưng người dân thôn Minh Huệ vẫn phải sống tạm bợ trong những căn lều căng bằng bạt dù. Tình trạng thiếu trầm trọng nước sinh hoạt, điện, đường… khiến người dân bức xúc. Ông Nguyễn Văn Út, người dân thôn Minh Huệ, bày tỏ: “Chúng tôi đang phải sống hết sức khó khăn. Nước sinh hoạt thiếu, điện thắp sáng chưa có… chúng tôi kêu lên các cấp chính quyền mãi rồi mà chưa thấy được giải quyết. Đồng thuận với chủ trương chung của tỉnh, đáng ra chúng tôi được quan tâm, giúp đỡ, ai ngờ lại bị bỏ bê tới mức này…”Theo chủ trương của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì để bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân thôn Minh Huệ sau khi ra nơi tái định cư, các đơn vị tham gia thực hiện phải tiến hành bàn giao mặt bằng, cơ sở hạ tầng trước ngày 30-12-2012, đồng thời bảo đảm đầy đủ điện, nước sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, chủ trương này lại không được tuân thủ, dẫn chứng là cho tới thời điểm hiện tại cơ sở hạ tầng tại khu tái định cư vẫn nhếch nhác. Cấp bách hơn, việc dịch bệnh bùng phát, sức khỏe người dân ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.Trong buổi làm việc mới đây với PV báo PL&XH, chính quyền địa phương cũng tỏ ra bức xúc bởi sự vô trách nhiệm, bỏ bê người dân của UBND huyện Kỳ Anh. Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, ông Nguyễn Đình Vin, phải thốt lên rằng “Rồi đây khu vực tái định cư sẽ trở thành một chảo lửa, người dân trách cứ là điều khó tránh khỏi”.Trước việc đó, UBND xã Kỳ Nam đã làm tờ trình xin UBND huyện Kỳ Anh và UBND tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ khẩn cấp cho mỗi hộ gia đình 10 triệu đồng để người dân tự tìm nước phục vụ sinh hoạt và xây dựng, song vẫn không được các “cấp trên” nhìn nhận, giúp đỡ và khắc phục. Về vấn đề cơ sở hạ tầng và mặt bằng khu tái định cư, UBND xã Kỳ Nam đã làm nhiều tờ trình liên quan bày tỏ những bất cập cụ thể, như: Mặt bằng thi công chậm, còn xảy ra việc lún lầy nên người dân chưa thể thi công, đường sá vào khu tái định cư chưa được làm nên việc vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng gặp khó khăn, hệ thống kênh mương bất cập, có nguy cơ về sau này khu tái định cư sẽ ô nhiễm… Hàng chục văn bản, tờ trình khẩn thiết từ UBND xã Kỳ Nam gửi UBND huyện Kỳ Anh và các cấp, ngành liên quan nhưng không nhận được phản hồi cụ thể.PV đã đến UBND huyện Kỳ Anh để liên hệ làm việc, tuy nhiên chỉ nhận được sự đùn đẩy và trốn tránh trách nhiệm. Ông Nguyễn Hoài Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, “Các anh cần thông tin thì tôi đã giao cho đồng chí Đức phụ trách, các anh cứ liên lạc mà làm việc”. Sau đó, PV trực tiếp liên lạc và làm việc với ông Nguyễn Việt Đức – Phó ban Giải phóng mặt bằng, thì ông Đức nói, “Việc đó các anh cứ xin ý kiến anh Sơn cụ thể, anh Sơn chỉ đạo thì tôi làm việc”. Tiếp tục, chúng tôi liên hệ với ông Sơn nhưng vị Phó Chủ tịch UBND huyện này “lặn mất tăm”.Với những gì mà người dân thôn Minh Huệ đã và đang phải trải qua sau khi ra nơi tái định cư, cuộc sống của họ đến khi nào mới ổn định? Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc chỉ đạo, giúp đỡ người dân, không thể để người dân sống trong cảnh như vậy mãi.
Hoàng Phạm

PL&XH

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP