Kinh tế

Còn nhiều 'nút thắt' trong phát triển các khu kinh tế ở miền Trung

Nhiều khu kinh tế (KKT) ở miền Trung vẫn còn nhiều bất cập về giải phóng mặt bằng, thủ tục đất đai, dự án treo, chậm tiến độ, nhà đầu tư thiếu năng lực… khiến các khu kinh tế chưa thể phát triển đúng với tiềm năng, đặc biệt là kêu gọi nhà đầu tư.

Tình trạng dự án treo tràn lan

KKT Dung Quất với diện tích khoảng 45.332ha. Hiện quỹ đất dành cho đầu tư dự án phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ ở KKT gần như lấp đầy. Tuy nhiên, khi ghi nhận thực tế, nơi này có nhiều bãi đất trống, các dự án xây dựng dở dang suốt nhiều năm.

Tính đến tháng 7/2022, KKT Dung Quất có 243 dự án đã đi vào hoạt động, 105 dự án chậm triển khai. Sau khi rà soát, tỉnh Quảng Ngãi xác định có 53/105 dự án thuộc nhóm thương mại, dịch vụ và khu dân cư. Nhiều dự án sẽ phải thu hồi và đấu thầu chọn nhà đầu tư. Các dự án còn lại sẽ áp dụng điểm dừng kỹ thuật để xem xét gia hạn tiến độ hoặc thu hồi đất, nhất là các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất.

Có thể thấy, việc các dự án treo, chậm triển khai đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân tại khu kinh tế này và ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của địa phương.

Tại buổi làm việc với Ban Quản lý KKT Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi vào tháng 5/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã chỉ ra một số tồn tại trong công tác quản lý của Ban Quản lý như thiếu quyết liệt trong việc thực hiện kết luận của UBND tỉnh; chậm triển khai thực hiện các kết luận thanh tra; chậm giải quyết các tồn tại, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư, các dự án về đất và công tác quản lý đất đai…

"Những hạn chế này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo nếu không được giải quyết triệt để trong thời gian sớm nhất", ông Minh nói.

Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên Đàng (tỉnh Quảng Ngãi) được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2005, tuy nhiên đến nay vẫn dang dở, bỏ hoang. Ảnh: Thành Vân


Tương tự, tại KKT mở Chu Lai, thời gian qua, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã phải khai tử nhiều dự án chậm tiến độ như: Dự án Khu phức hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Bình Dương có tổng diện tích gần 184ha tại xã Bình Dương (huyện Thăng Bình); dự án nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Thăng Bình…

Đồng thời, tỉnh cũng đang cũng đang xem xét chấm dứt đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC của Công ty cổ phần Quốc tế Nam Hội An, diện tích gần 200 ha tại xã Bình Minh (huyện Thăng Bình). Hay dự án Khu liên hợp giáo dục - đào tạo Nam Hội An có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, trên diện tích 41ha "đứng bánh" gần 5 năm nay.

Theo thống kê của Ban Quản lý các KKT và khu công nghiệp Quảng Nam, năm 2021 đã chấm dứt hoạt động 7 dự án đầu tư (5 dự án du lịch nghỉ dưỡng), hủy bỏ 5 đồ án quy hoạch chi tiết của các khu vui chơi giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp do doanh nghiệp lập không phù hợp với tiến trình quy hoạch và phát triển vùng Đông. Nguyên nhân đã được chỉ rõ, đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực, những khó khăn trong thủ tục đất đai…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh đang rà soát lại những nhà đầu tư đã đăng ký đầu tư mà không thực hiện thì phải thu hồi để kêu gọi những nhà đầu tư mới cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư phải bám chặt vào quy hoạch, không để thu hút đầu tư trở nên manh mún, theo cảm tính.

Hay dự án Khu liên hợp giáo dục - đào tạo Nam Hội An có vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, trên diện tích 41ha "đứng bánh" gần 5 năm nay. Ảnh: Thành Vân


Vướng thủ tục, giải phóng mặt bằng

Theo KKT Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc khi các doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất. Trong đó, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khó khăn, kéo dài dẫn đến nhà đầu tư khó tiếp cận đất đai, làm chậm tiến độ thực hiện dự án.

Cạnh đó, đối với các dự án thương mại dịch vụ và khu dân cư, khu đô thị, dù tỉnh đã rà soát, phân loại dự án và làm việc với các nhà đầu tư; đồng thời hướng dẫn động viên nhà đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định để có cơ sở triển khai các bước thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư theo quy định. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa tự chấm dứt hoạt động dự án; có một số chủ đầu tư dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ vẫn còn trông chờ vào việc điều chỉnh Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với các dự án theo Kết luận thanh tra, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với các dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất thì phải thực hiện thủ tục thu hồi đất trước khi thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động dự án. Tuy nhiên, hiện nay đối với các dự án đã có kết luận thanh tra chưa thực hiện việc thu hồi đất nên Phòng chưa thể tham mưu chấm dứt hoạt động của các dự án.

Trong khi đó, ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Bình Định cho hay, thời gian gần đây, thu hút đầu tư vào khu kinh tế của tỉnh còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là, theo chỉ đạo của Trung ương, phải tiến hành đấu thầu, đấu giá đất, nhưng dịch bệnh, chiến sự Nga - Ukraine khiến doanh nghiệp nước ngoài khó đến Việt Nam để làm thủ tục. "Trước đây, khu kinh tế được giao đất cho thuê đất, chọn lựa nhà đầu tư có năng lực thì giao đất, nên các nhà đầu tư nước ngoài đến nhiều", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các chủ đầu tư hạ tầng, chủ đầu tư khu chức năng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và làm việc với các phòng thương mại của các nước để tổ chức các đợt giao lưu, xúc tiến giữa các doanh nghiệp.

Tác giả: Thành Vân

Nguồn tin: nhadautu.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP