Du lịch

Cá nóc - món kịch độc vừa ăn vừa run

Độc của một con cá nóc có thể giết 30 người, và nếu không được sơ chế đúng cách, món đặc sản này có thể lấy mạng thực khách.

Lần đầu tiên Angela Hui, du khách từ London, Anh nghe đến cá nóc là trong một tập phim Gia đình Simpson. Nhân vật Homer đến một nhà hàng sushi mới và gọi món cá nóc. Đầu bếp bận nên học viên làm thay, anh chàng làm rất tệ. Homer ăn xong và được thông báo sẽ chỉ còn 22 giờ để sống.

Cá nóc chứa một lượng lớn chất độc gây chết người gọi là tetrodotoxin, được tìm thấy trong buồng trứng, mắt, da, máu và gan, phần ngon nhất - nhưng cũng độc nhất. Ảnh: Savor Japan.

Nhiều năm sau đó, cô đứng trước một nhà hàng chỉ có 24 chỗ ngồi, chuyên phục vụ cá nóc ở khu Abeno-ku, thành phố Osaka. Cô cũng đang theo bước của Homer, thưởng thức món ăn nổi tiếng của Nhật Bản - cá nóc - một trong những loài cá độc nhất thế giới.

"Cá nóc có độc tính gấp 1.200 lần so với chất xyanua và độc của một con cá nóc có thể giết tới 30 người", Kuniko Morioka, phiên dịch tiếng Nhật cho Hui giải thích khi cả hai đang ngồi xuống ghế.

Trong vòng 20 phút sau khi ăn nó, thực khách có thể gặp triệu chứng như buồn nôn, chóng mặt, đau dạ dày, sau đó là các vấn đề về hô hấp, cơ bắp tê liệt và tim ngừng đập. Hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc giải độc.

Yamaguchi không cần quảng cáo về nhà hàng của mình, nó tự được truyền miệng trong giới những người sành ăn ở Nhật Bản, những người đam mê cá nóc. Ảnh: Angela Hui.

Chủ nhà hàng kiêm đầu bếp là Noboru Yamaguchi. Anh đã nấu món cá nóc hơn 20 năm và được thừa hưởng nhà hàng này ở tuổi đôi mươi. Người bà quá cố của anh mở nhà hàng vào năm 1949 và là phụ nữ đầu tiên ở Nhật Bản có giấy phép làm cá nóc. Hầu hết đầu bếp phải thực hiện ít nhất hai năm đào tạo nghiêm ngặt, sau đó học nghề và vượt qua một bài kiểm tra khó khăn trước khi đủ điều kiện để được cấp giấy phép. Chính phủ cũng đưa ra một bộ luật nghiêm ngặt về việc xử lý và sơ chế cá nóc.

"Học làm cá nóc như học lái xe. Bạn sẽ trở nên tốt hơn bằng việc luyện tập, đó là một kỹ năng mà bạn sẽ không bao giờ quên", Yamaguchi nói. Cái chết do ngộ độc cá nóc hiếm khi xảy ra với các đầu bếp đã được cấp phép đặc biệt.

Món đầu tiên Hui thưởng thức là một đĩa sashimi Torafugu với những miếng cá mỏng như tờ giấy, một bát da cá cuộn tròn với rong biển và hành lá. Ở bên cạnh là món sốt ponzu bí truyền của bà ngoại Yamaguchi cùng củ cải nghiền cay để chấm.

Món cá nóc thường được các đầu bếp bày biện đẹp mắt. Trên ảnh là món lẩu cá nóc. Ảnh: TripAdvisor.

Tiếp theo, nữ du khách được thưởng thức món shirako (tinh hoàn cá), có vị giống pudding kem. Người Nhật tin rằng đây là món ăn giúp da dẻ phụ nữ láng mịn, và tăng cường sức khỏe đàn ông. Tinh hoàn cá rất hiếm, và chỉ có trong hai tháng một năm, vào mùa giao phối. Món chính là fugu nabe, cháo sử dụng nước dùng còn sót lại nấu cùng trứng.

"Cần phải ngâm trong nước ít nhất một giờ để rửa sạch lượng máu thừa, vì nó vẫn có thể chứa chất độc", Yamaguchi nói về việc chuẩn bị cá nóc. Sau đó, nó được xếp thành những lát mỏng và để trong tủ lạnh 8 giờ. Quá trình này cho phép cá lên đậm màu, tăng hương vị và làm mềm thịt.

Vào cuối bữa ăn, Yamaguchi tặng Hui món quà chia tay: Một hộp Manju - món tráng miệng Nhật Bản làm từ bột mì, bột gạo, bột arrowroot, lúa mạch đen, cùng bột đậu đỏ, được đóng dấu logo riêng của quán. "Đó là một món quà ngọt ngào để mang về nhà làm kỷ niệm, hoặc trong trường hợp của tôi, đó là bằng chứng mà tôi còn sống để kể lại câu chuyện này. Giống như Homer", Hui nói.

Có hơn 120 loài trong họ cá nóc, trong đó khoảng 50 loài đã được tìm thấy ở Nhật Bản và chỉ có 22 loài ăn được. Torafugu được coi là phổ biến nhất, ngon nhất, nhưng cũng đắt tiền nhất. Những người muốn thử cảm giác mạnh sẽ chi trả 5.000-35.000 yên (1-7 triệu đồng) cho mỗi trải nghiệm ẩm thực mạo hiểm này. Thực đơn gồm nhiều món như sashimi, lẩu chirinabe, sườn fugu karaage (cá nóc chiên giòn), cháo và shirako (tinh hoàn cá) uống cùng rượu sake.

Tác giả: Nam Trần

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP