Thể thao

Ai được, ai mất khi V.League đá tập trung ở phía Bắc?

Đề xuất V.League đá tập trung ở phía Bắc sẽ tác động trực tiếp cuộc đua vô địch V.League giữa HAGL và CLB Viettel, đội bóng có trụ sở tại Hà Nội.

Những nhà tổ chức đã tính xong phương án khép lại mùa giải V.League 2021. Cụ thể, vòng 13 vẫn tổ chức theo thể thức cũ. Bước vào giai đoạn hai, 6 đội nhóm A sẽ đá 5 vòng từ ngày 6/8 tới 21/8. 8 đội nhóm B đá 7 vòng từ ngày 4/8 tới 22/8.

Các trận đấu diễn ra tập trung, không khán giả ở khu vực phía Bắc. Những sân bóng được chọn là Hàng Đẫy, Cẩm Phả, Lạch Tray, Thiên Trường, Thanh Hóa, Việt Trì, Trung Tâm Đào tạo Bóng đá trẻ (VFF), PVF và Thanh Trì.

Với phương án dự kiến này, các đội phía Bắc chắc chắn được hưởng lợi trong phần còn lại của mùa giải.

HAGL mất lợi thế sân nhà do thay đổi thể thức V.League ở giai đoạn hai. Ảnh: Minh Chiến.


CLB Hà Nội, Viettel, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Thanh Hóa là 6 đội hưởng lợi lớn từ đề nghị đá tập trung của VPF. Họ đều giữ được quyền thi đấu trên sân nhà, đồng thời các trận sân khách cũng diễn ra ở những địa phương gần, tạo thuận lợi cho công tác di chuyển, sinh hoạt. Việc này vừa giúp họ tiết kiệm thời gian di chuyển, vừa tiết kiệm chi phí, điều rất quan trọng trong bối cảnh khó khăn tài chính do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Chiều ngược lại, 7 đội miền trong gồm HAGL, Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, TP.HCM và Sài Gòn chắc chắn chịu bất lợi khi tất cả trận còn lại của họ ở V.League 2021 đều diễn ra ở sân khách. SLNA là trường hợp đáng tiếc khác. Họ lẽ ra đã có cơ hội làm chủ nhà nếu sân Vinh không bước vào giai đoạn sửa chữa.

Trong tốp 6 đội đầu bảng hiện tại, có tới 4 CLB ngoài Bắc. Số lượng đội miền Bắc có thể tăng lên 5 nếu CLB Hà Nội chơi tốt ở vòng 13. Bình Dương và HAGL vì thế sẽ chịu bất lợi so với các đối thủ. CLB Viettel, đối thủ trực tiếp của HAGL, chắc chắn rất vui với lịch thi đấu mới. Họ sẽ có nhiều trận tại Hàng Đẫy trong khi đối thủ đã mất “thánh địa” Pleiku. Đây là cơ sở quan trọng để Bùi Tiến Dũng và đồng đội nuôi hy vọng bám đuổi Gia Lai.

Chiều ngược lại, chỉ Hải Phòng hưởng lợi trong nhóm 5 đội cuối bảng. Đa số đội nhóm hai đều tới từ miền Nam và miền Trung nên bất lợi về sân đấu sẽ là bất lợi chung. VPF vì thế vẫn duy trì được sự khách quan tương đối cho cả cuộc đua vô địch và đua trụ hạng.

Một vấn đề khác cũng cần xem xét là chuyện thời gian.

CLB Hải Phòng hưởng lợi trong cuộc đua trụ hạng khi được đá nhiều trận sân nhà trong khi các đối thủ phải hành quân từ phía Nam ra Bắc. Ảnh: Minh Chiến.


Do nhóm A chỉ có 6 đội còn nhóm B có 8 đội, các đội nhóm A sẽ đá 5 vòng từ ngày 6/8 tới 21/8. Nhóm B đá 7 vòng từ 4/8 tới 22/8. Sự sắp xếp này sẽ buộc các CLB nhóm B phải thi đấu nhiều hơn, qua đó dẫn tới nguy cơ quá tải và chấn thương lớn hơn.

Đây là tình huống bất khả kháng do ảnh hưởng của thể thức mới V.League. Năm ngoái, chuyện này cũng diễn ra nhưng theo chiều ngược lại khi các đội nhóm A phải thi đấu nhiều hơn nhóm B.

Với đội tuyển Việt Nam, sắp xếp của VPF có lẽ sẽ khiến thầy Park vui lòng. Khoảng 3/4 lực lượng tuyển Việt Nam tới từ bộ ba CLB Viettel, HAGL và Hà Nội. Hai đội đầu tiên đã chắc suất tốp hai. Nếu đội Hà Nội cũng vào nhóm A, các trụ cột tuyển Việt Nam sẽ được thi đấu với một cường độ vừa phải, được đảm bảo thể lực, tránh nguy cơ chấn thương.

Tác giả: Thanh Hà

Nguồn tin: zingnews.vn

  Từ khóa: đá tập trung , V.League

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP