Chủ trang trại VAC ở khu vực Cồn Trông nói trên vào tận VPĐD Báo Nhà báo & Công luận Bắc miền Trung đưa đơn khiếu nại. Trong đơn, ông Năng trình bày: Tôi tên là Lê Viết Năng, 54 tuổi, quê quán xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Năm 1992, thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, gia đình tôi đã đến khai hoang đồi cát trắng gọi là Cồn Trông cùng các hộ dân khác. Nhà tôi bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê nhân công san lấp, khai phá được khoảng 5 sào (khoảng 2.500m2 đất) trồng cây lấy gỗ. Ngoài ra còn làm một căn nhà riêng cho con trai ở và bảo quản khu vườn.
Năm 1996, Nhà nước tiến hành cấp Quyền sử dụng đất cho số diện tích phía trên núi, chúng tôi có đề nghị, nhưng cán bộ xã và cán bộ địa chính huyện nói rằng, đất đồi trọc dưới này chưa cấp cho ai cả. Từ đó đến nay, tôi và 4 hộ khác sản xuất ổn định trên số diện tích này, không hề xẩy ra tranh chấp. Năm 2013, xã Xuân Liên có chủ trương cho lập dự án làm trang trại trên khu đất Cồn Trông. Xã thông báo, ai có nhu cầu thì làm đơn và xã sẽ ưu tiên cho các hộ đã có công lên khai hoang và trồng cây từ năm 1992. Con trai tôi là Lê Viết Thưởng đã làm đơn gửi UBND xã Xuân Liên xin lập dự án làm trang trại chăn nuôi tại khu đất 2.500m2 mà tôi khai phá nên, nhưng xã không trả lời.
Ông Năng cho biết thêm, lý do mà con tôi không được xã chấp nhận đơn là vì xã đã đồng ý cho hộ ông Trần Văn Hiền người cùng thôn làm dự án rồi. Vì thế mà ông Hoàng Văn Cát (lúc đó là Chủ tịch xã) và ông Quang là cán bộ địa chính xã đã đưa ra một yêu cầu rất vô lý: “Muốn làm dự án, ông phải có 2 tỷ đồng gửi trong ngân hàng lâu ngày rồi, mới được duyệt” (?). Một chi tiết rất đáng quan tâm của việc làm khuất tất này được ông Năng nói trong “Đơn yêu cầu làm rõ việc chạy dự án” ngày 21/8/2016, do ông gửi lên các Ban Phòng chống tham nhũng huyện Nghi Xuân; Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Nghi Xuân và Ban Phòng chống tham nhũng tỉnh Hà Tĩnh.
Trong đơn, ông tố cáo: vào tháng 3/2016, vợ chồng ông được UBND xã mời lên trụ sở để bàn bạc việc xã cho ông Trần Văn Hiền làm dự án chăn nuôi lợn. Tại đây, khi nghe tôi hỏi “Nghe nói ông chạy hết 75 triệu đồng à?”. Ông Hiền trả lời: “Hết 95 triệu đồng”. Việc này có cả ông Hoàng Ngọc Thám- Chủ tịch UBND xã, ông Quang cán bộ địa chính, ông Thọ cán bộ phụ trách hỗ trợ việc làm của xã cùng vợ tôi và bà Hảo vợ ông Hiền đều nghe rõ.
Mọi việc chưa đâu vào đâu, bỗng sáng ngày 18/8/2016, UBND xã huy động một lực lượng khá hùng hậu, gồm các ban, ngành, đoàn thể, công an, dân quân có đến gần 100 người, đem theo cả máy đào, cưa xăng, dao rựa định chặt phá, huỷ hoại khu vườn cây và nhà cửa gia đình ông Năng ở Cồn Trông.
Bà Trần Thị Phương – Phó Chủ tịch UBND xã đọc quyết định của xã cưỡng chế thu hồi đất khai hoang của ông Năng. Điều lạ lùng là, quyết định này không được thông báo hoặc gửi đến cho đương sự để thi hành; không được niêm yết công khai tại trụ ở UBND xã hay hội quán thôn. Xã cũng chưa hề công khai phương án bồi thường tài sản, giải phóng mặt bằng, tổ chức vận động, thuyết phục, đối thoại với gia đình ông Năng như luật định.
Sau khi nhận được đơn phản ánh của ông Năng, chúng tôi về xã gặp và trao đổi với ông Hoàng Ngọc Thám– Chủ tịch UBND xã về những việc làm trái khoáy nói trên. Ông Thám một mực khẳng định: “Tôi không ban hành quyết định cưỡng chế, văn bản không có chữ ký của tôi, không đóng dấu UBND xã. Hôm đó, đúng là xã có đưa người lên (vườn rừng của ông Đăng – PV) để giải phóng mặt bằng, nhưng thấy gia đình chưa thoả thuận, phải rút quân về”.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Nam- Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: huyện chưa hề ban hành quyết định cưỡng chế vườn rừng của ông Lê Viết Năng ở khu vực Cồn Trông. Chúng tôi đang chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra lại việc này. Theo ông Nam, việc cưỡng chế, thu hồi đất khai hoang của ông Năng không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND xã Xuân Liên. Sau khi kiểm tra, rà soát lại, huyện sẽ có hướng xử lý đúng quy định của pháp luật, hợp lý hợp tình cho người dân để họ an tâm làm ăn, sinh sống.
Việc làm của bà Phương- Phó Chủ tịch UBND xã rõ ràng là tự ý, vi phạm pháp luật về đất đai, để lại sự nghi ngờ về động cơ trong dư luận.
Đối chiếu với Luật Đất đai năm 2013 và liên hệ vào hoàn cảnh thực tế, đáng lý ra UBND xã Xuân Liên phải xác nhận cho ông Lê Viết Năng “là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp” để ông được cấp Quyền sử dụng đất.
Về tình mà nói, đây là mảnh đất do gia đình ông Năng bỏ bao công sức, tiền của ra khai hoang đã 24 năm nay, nếu xã có chuyển đổi sang làm dự án khác, nên ưu tiên cho gia đình ông cũng có nhu cầu mở trang trại chăn nuôi.
Đây cũng là quyền lợi và nguyện vọng chính đáng mà ông Lê Viết Năng muốn đề nghị lên chính quyền các cấp xem xét, giải quyết.
Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn (Văn phòng Luật sư Nguyễn Khắc Tuấn TP. Hà Tĩnh): Điểm 1- Điều 101 Luật Đất đai năm 2013 nêu rõ: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất”. Trường hợp của ông Lê Viết Năng địa phương có thể vận dụng để bảo đảm quyền lợi cho gia đình ông theo Luật định. |
Nhóm PV Bắc miền Trung