Lao Động - Việc Làm

Xử lý nghiêm việc đưa người sang làm việc trái phép tại Angola

Trong tháng 4-2013, đã có ít nhất 6 lao động quê Nghệ An và Hà Tĩnh chết trong lúc làm việc tại Angola. Trước thực trạng này, Bộ LĐ,TB&XH liên tiếp đưa ra nhiều cảnh báo về môi trường làm việc tại nước này.

Tuy nhiên, “cơn khát”đi xuất khẩu lao động chui sang Angola của người lao động (NLĐ) vẫn không ngừng tăng. Tại sao một thị trường “hấp dẫn” như vậy mà cơ quan chức năng lại đứng ngoài cuộc, không khai thác, không cấp phép để NLĐ phải đi theo con đường bất hợp pháp? Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Lao động ngoài nước (Bộ LĐ,TB&XH) xung quanh vấn đề này. – Thời gian gần đây, có không ít NLĐ bỏ mạng tại Angola. Bộ có nắm được tình hình và đã có giải pháp gì thưa ông?- Đây là vấn đề khiến các cơ quan chức năng đau đầu vì chưa tìm ra hướng giải quyết. Theo thống kê chưa đầy đủ của Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, hiện có hơn 40.000 lao động Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại đất nước này và con số này ngày càng đông. Mới đây, Bộ LĐ,TB&XH có công văn cảnh báo NLĐ có ý định sang Angola làm việc song rất khó kiểm soát tình hình bởi họ có quyền ra nước ngoài làm việc theo hình thức hợp đồng cá nhân. Quyền lợi của NLĐ đi theo hình thức hợp đồng cá nhân chỉ được pháp luật bảo vệ khi tuân thủ các quy định: Có hợp đồng cá nhân ký trực tiếp giữa NLĐ và người sử dụng lao động phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của Angola; phải đăng ký hợp đồng cá nhân với Sở LĐ,TB&XH địa phương nơi NLĐ thường trú; có giấy xác nhận việc đăng ký hợp đồng cá nhân của Sở LĐ,TB&XH; khi đến Angola, phải đăng ký công dân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Angola để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật Angola. Song đáng tiếc, phần lớn lao động Việt Nam làm việc tại Angola đều thuộc diện bất hợp pháp. – Thị trường Angola hấp dẫn như thế nào mà NLĐ bất chấp rủi ro, thậm chí đánh đổi cả tính mạng để sang đó làm việc? – Angola là quốc gia có thu nhập đầu người khá cao. Đối với những lao động đi làm thuê, thu nhập trung bình hằng tháng đạt khoảng 700-800 USD; những người sang được 2-3 năm, thu nhập có thể đạt 1.000-1.200 USD/tháng. Thường, chủ sử dụng lao động sẽ cung cấp chỗ ở (lán, trại ngay tại các công trình xây dựng) và nuôi ăn hằng ngày (với chi phí khoảng 200 USD/tháng). – Tại sao Bộ không khai thác và cấp phép cho các DN đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Angola? – Thông tin chúng tôi không khai thác và không cấp phép là không đúng. Trên thực tế, quan điểm của Bộ là không chỉ chấp thuận cho DN thực hiện hợp đồng mà sẽ hết sức hỗ trợ DN đưa lao động đi. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, không có DN nào có hợp đồng như vậy nên vừa qua, chưa có hợp đồng được đăng ký và được chấp thuận cho phép thực hiện. Hiện, một số trang mạng thông báo ký kết được với các DN Angola hợp đồng tuyển lao động Việt Nam là lừa đảo nhằm kiếm tiền môi giới. Tháng 12-2012, chúng tôi đã có chuyến thị sát sang Angola. Thực chất, có một số DN tại Angola xin giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền của Angola được nhận lao động nước ngoài và đã liên kết với các cá nhân Việt Nam đưa lao động sang nước này theo giấy phép đó. NLĐ được cấp visa lao động hợp pháp để sang làm việc tại Angola. Tuy nhiên, những DN đó lại không trực tiếp sử dụng số lao động Việt Nam nên NLĐ phải làm việc cho các tổ chức, DN khác.Theo luật pháp Angola, những NLĐ như vậy bị coi là bất hợp pháp, khi bị phát hiện sẽ bị phạt 1.000 USD và bị trục xuất về nước. Ngoài ra, NLĐ không có hợp đồng lao động nên không được bảo đảm việc làm, thu nhập không ổn định. Đặc biệt, NLĐ không được hưởng chế độ bảo hiểm nên sẽ gặp khó khăn khi bị ốm đau, tai nạn. Chi phí điều trị tại Angola mỗi lần thấp nhất từ 1.000 USD trở lên. Nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ cũng như hợp pháp hóa “cánh cửa” xuất khẩu lao động sang Angola, tới đây Bộ LĐ,TB&XH sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận động, ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Angola. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các địa phương và các cơ quan luật pháp phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch và đưa NLĐ sang Angola làm việc bất hợp pháp.- Xin cảm ơn ông!
Bảo Bảo thực hiện

HNM

  Từ khóa: lao động , trái phép

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP