Tiền chung không ai xót có lẽ đúng nhất trong cách chi xài của quỹ phụ huynh và các khoản tiền mang danh “tự nguyện” thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh (BĐD CMHS)
Chị Nguyễn Thanh Thúy, có hai con đang học trường công lập ở TPHCM cho biết chị đã nhiều lần lên ý kiến với BĐD CMHS về việc chi quỹ phụ huynh. Như lễ khai giảng, lớp nào cũng tặng từng lẵng hoa cả tiền triệu mà ngày đó, hoa chúc mừng nhà trường giăng từ trong ra cổng rất lãng phí.
Họp phụ huynh ở các trường phần lớn bàn chuyện... đóng tiền |
Chị cũng cho rằng nhiều khoản chi của quỹ phụ huynh còn mang tính hình hình, phô trương gây lãng phí. Như việc BĐD tặng lẵng hoa, chị đã có ý kiến nên tặng cây xanh để có giá trị lâu dài, tặng tủ sách để học sinh được thụ hưởng nhưng bị phớt lờ.
Quỹ phụ huynh đã “góp sức” cho sự xa hoa của nhiều trường học chứ không phải thật sự vì học sinh. Một trường tiểu học “điểm” ở TPHCM từng gây “chóng váng” với sự xa xỉ nhờ sự “góp sức” của BĐD CMHS chi bằng tiền quỹ hội.
Có năm trường chi gần 200 triệu đồng để làm kỷ yếu dày 254 trang, bìa cứng, hoành tráng lưu lại gần như toàn bộ hình ảnh Ban giám hiệu, BĐD CMHS, thầy cô giáo, hoạt động của trường, của từng lớp và chân dung từng học sinh. Cuốn kỷ yếu mà đến các doanh nghiệp lớn doanh thu hàng ngàn tỷ cũng chẳng dám “mơ” để thực hiện.
Chưa hết, lễ tổng kết năm học của ngôi trường này thường được tổ chức ở những nhà thi đấu có tiếng. Chi phí cho lễ tổng kết có năm lên đến gần 165 triệu đồng để thuê mặt bằng, tập dượt, quay clip, chụp ảnh; âm thanh, ánh sáng, màn hình led, sân khấu, trang trí… và luôn có sự “hợp tác” của BĐD CMHS.
Nhiều phụ huynh chỉ có trách nhiệm... đóng góp đã nghẹn ngào: Trường phải tìm mọi cách để mà chi tiền!
Nhìn chung, cơ sở vật chất trường học của ta đang thiếu thốn nhiều. Vậy nhưng, việc xa xỉ, xa hoa cũng không hề hiếm trong môi trường học đường, nhất là với những khoản “tiếp tay” từ quỹ phụ huynh.
Cũng ở TPHCM, có trường còn gây "choáng váng" khi đề xuất dự án xây dựng nhà vệ sinh 2 tỷ đồng. Mà lý do hàng đầu theo lãnh đạo trường khi đó là được trả bằng tiền phụ huynh.
Mới đây, BĐD CMHS Trường tiểu học Hoàng Diệu, Thủ Đức, TPHCM đưa ra dự thảo 46 khoản với tổng số tiền hơn 330 triệu đồng làm dư luận xôn xao. Tính ra, mỗi tháng một học sinh đóng 25.000 đồng, nhiều người cho rằng không nhiều nhưng đừng quên ngoài quỹ trường, các em còn đóng quỹ lớp. Ngoài tiền gọi là quỹ, nhiều trường còn không ít công trình xây dựng “tự nguyện” phụ huynh phải đóng góp.
Hơn nữa, nhìn vào danh mục cần chi của quỹ thầy rõ còn mang nặng tính hội hè, các hoạt động của nhà trường nhiều hơn là vì quỹ phụ huynh học sinh.
Phụ huynh rất nặng lòng, tâm tư với nhiều khoản "phí" trong trường học (Ảnh minh họa) |
Chị Việt Hà, có con học ở một trường tiểu học Tân Bình cho biết, con chị trải qua hai trường tiểu học thì đều chung cảnh họp phụ huynh đầu năm rất chóng vánh, BĐD CMHS chỉ đề cập đến nội dung duy nhất là thu tiền.
Phụ huynh cũng có nhiều ý kiến trái chiều nhưng phải nói cách tổ chức họp chưa tạo được điều kiện, môi trường để phụ huynh thoải mái nói lên quản điểm. Nhất là ai cũng nặng tâm lý sợ ảnh hưởng đến con.
Đầu năm học này, chị Hà thấy BĐD thu 450.000 đồng, chị không bằng lòng nhưng rồi cũng... nộp. Khi về đến nhà chị tự trách mình không dám lên tiếng.
“Sau đó, tôi nhớ cô giáo đang kêu gọi học sinh đóng góp sách vào thư viện lớp nhưng chưa thực hiện. Tôi nhắn tin cho cô giáo vầy: “Cô hãy đề xuất với BĐD trích 30% quỹ mua sách cho lớp". Tiếc rằng cô không phải hồi”, chị Hà tâm tư và cũng bộc bạch ngày gì cũng thấy liên hoan, chưng toàn bánh kẹo, nước ngọt lạ hoắc đỏ loe loét tôi phải dặn con không ăn.
Hầu hết phụ huynh đều hiểu, hiện nay ít nhiều phụ huynh vẫn cần một nhóm đại diện, có quỹ để cùng hỗ trợ lớp với trường trong một số hoạt động. Thế nhưng phải nói, nhiều BĐD CMHS phủ sóng quá rộng và “can thiệp” quá sâu vào các hoạt động của nhà trường. Cùng đó là chi tiêu đồng tiền của cả những phụ huynh khác không hợp lý, chưa đúng mục đích... nên dễ gặp phản ứng.
Chị Nguyễn Thanh Thúy kể, trong khi BĐD bỏ ra tiền triệu để mua lẵng hoa, quà cáp nhưng khi chị đề xuất mua một ít thùng rác để trước khu vực trường, tiền không hết bao nhiêu mà không ai làm. Trong khi, ngoài khuôn viên trường, nhà trường không trang bị, các em lại ăn uống ở khu vực nhiều nhưng không có chỗ bỏ rác.
Cũng như chị Thúy, điều quan tâm nhất của phụ huynh là quỹ phụ huynh thật ra là chi cho ai?
Tác giả: Hoài Nam
Nguồn tin: Báo Dân trí