Những tiếng nổ vang núi rừng của mìn và âm thanh phát ra từ máy nghiền đá không chỉ gây nguy hiểm cho đập Khe Trúc mà còn gây lo lắng cho những thân nhân của 767 liệt sĩ huyện Can Lộc hiện đang nằm trong nghĩa trang gần đấy.
Sống chung với mỏ đá
Không phải bây giờ mà nỗi ân hận cứ dày vò chị Nguyễn Thị Minh Hóa xóm 15, xã Vượng Lộc suốt ba năm qua. “Đang sống yên lành tại xóm 14, tự nhiên “trời xui đất khiến” thế nào vợ chồng tôi lại tự “rước họa vào thân” khi chuyển đến đây. Bụi mù mịt và tiếng gầm rú từ những máy nghiền đã khổ nhưng “ngán” nhất vẫn là tiếng mìn nổ. Trời rung đất chuyển khi mìn nổ rồi tiếng đá bay vèo vèo.
Năm 2012 nhà ông Ái đá bay vào tận vườn. May mà không có ai ở nhà, nếu không thì sứt đầu mẻ trán như chơi”, chị Hóa búc xúc kể.
Dù không “sát vách” mỏ đá như ngôi nhà của chị Hóa, nỗi khổ của vợ chồng anh Nguyễn Viết Hóa cũng chẳng kém. Hóa hướng ánh mắt tức tối chỉ tay về phía mỏ đá Ngọc Hải rồi khẳng định: “Tôi dám chắc không ai có thể khổ hơn những người sống ngay cạnh các mỏ đá”. Đang nói bất chợt anh dừng lại và chỉ tay ra ngõ: “Các anh nhìn kìa! Thằng con tôi lớn tôi đấy!” Theo tay chỉ của Hóa chúng tôi nhìn thấy một bé trai chừng năm tuổi vừa đi học về trên miệng vẫn còn đeo khẩu trang. “Suốt ngày cháu cứ luôn đeo khẩu trang như thể khu vực này đang bùng phát dịch bệnh về đường hô hấp”. Nguyên do các xe chở đá đi ngang qua, kéo theo những vệt bụi mù trời. Mà theo phản ánh của các hộ thì “việc tưới nước (các mỏ đá) họ chỉ làm khi có các đoàn…về kiểm tra”.
Anh Hóa còn cho biết thêm: “Lo nhất là đứa nhỏ mới bảy tháng tuổi. Mỗi lần nghe thông báo nổ mìn, mẹ nó lại hốt hoảng chạy về ôm con đi thật xa lánh nạn. Nếu không sau này mắc chứng bệnh động kinh thì khổ” Hóa ca thán.
Không chỉ có gia đình anh Hóa, chị Hóa nói trên mà các gia đình khác ở đây đều chịu cảnh sống chung với ô nhiễm môi trường bởi bụi bột đá, bởi tiếng động do mìn và luôn bị đe dọa tính mạng bởi miếng đá bay, mỗi khi nổ mìn.
Khu vực 46 hộ dân sinh sống thuộc xóm 15 xã Vượng Lộc có ba mỏ đá cận kề: Hoàng Long Phát, Khe Cạn và Ngọc Hải. Mỏ Hoàng Long Phát và mỏ Khe Cạn đang trong thời kỳ san lấp mặt bằng và bóc đất phong hóa; mỏ Ngọc Hải đã đi vào hoạt động từ năm 2011 đến nay. Điều đáng nói là mỏ Hoàng Long Phát đã hết thời hạn hiệu lực được cấp phép nhưng vẫn tiếp tục bóc đất phong hóa và rất gần với đập Khe Trúc; mỏ Ngọc Hải chỉ cách nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc khoảng 300 m.
…Người chết cũng chẳng yên
“Mỏ đá nằm ở xã Vượng Lộc nhưng nghĩa trang liệt sĩ lại thuộc địa bàn xã Thiên Lộc. Việc đá bay vào nhà dân là chuyện xảy ra thường tình và doanh nghiệp đã phải đền “no”. Nhưng lo nhất là “động tới” linh hồn của các liệt sĩ bởi tiếng mìn gầm rú hệt tiếng máy bay phản lực tăng tốc thời chiến”, Phó Chủ tịch UBND xã Thiên Lộc Võ Huy Thảo bức xúc nói. Theo quan sát của chúng tôi, đế và thân tượng đài nghĩa trang liệt sĩ đã lộ ra rất nhiều vết nứt. “Không biết những vết nứt này là do tiếng động lớn của mìn, miếng đá bay hay vì thời gian?”, bà quản trang Bùi Thị Mai băn khoăn.
Không chỉ vậy, nhiều người dân chúng tôi tiếp xúc đều bày tỏ lo ngại về độ an toàn của đập Khe Trúc khi mỏ Hoàng Long Phát đi vào hoạt động. Đập Khe Trúc có trữ lượng hai triệu m3 nước đảm nhận việc cung cấp nước sạch cho hàng trăm hộ dân và tưới cho hàng chục ha nông nghiệp trong vùng. Đập có chiều dài 400 m được khởi công vào năm 2009, hoàn thành vào năm 2011 với tổng số vốn đầu tư 43 tỷ đồng. Theo Trưởng Ban A huyện Can Lộc Bùi Huy Cường khẳng định: “Đập được xây dựng trước thời điểm xuất hiện các mỏ đá nhưng với việc bóc đất phong hóa khu vực rừng đầu nguồn bị “cạo trọc” sẽ ảnh hưởng đến hồ nước sinh hoạt”.
Trong khi đó Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Trần Phong phân trần: “Phải khẳng định là công tác đánh giá tác động môi trường của các mỏ đá chưa tính toán kỹ lưỡng. Tính toán quy trình nổ mìn là thẩm quyền của các ngành chức năng, nhưng lượng thuốc nổ nhiều hay ít thì chẳng ai biết. Huyện cũng có lỗi trong việc này. Việc các hoạt động của mỏ đá ngay cạnh Nghĩa trang liệt sĩ được xây dựng từ năm 1976 với 767 liệt sĩ có hài cốt là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, để thay đổi mọi việc chúng tôi không thể đơn phương làm được”, ông Phong kết luận.
Con trai lớn của anh Hóa luôn phải đeo khẩu trang do các xe chở đá đi ngang qua, kéo theo những vệt bụi mù trời.
Đế và thân tượng đài Nghĩa trang liệt sĩ huyện Can Lộc đã lộ ra nhiều vết nứt.
HOÀI NAM – VŨ VIỄN
Nhân Dân