Liên quan đến tàu vỏ thép được đóng theo Nghị định 67 của ông Trần Văn Liên (SN 1966, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam), Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao (VKS cấp cao) tại Đà Nẵng vừa có quyết định kháng nghị đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 12/2018/KDTM-PT ngày 30/1/2018 của TAND tỉnh Quảng Nam; đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án nêu trên và bản án sơ thẩm số 77/2017/DS-ST ngày 30.8.2017 của TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) xung quanh việc khởi kiện của ngư dân Trần Văn Liên (chủ tàu vỏ thép QNa 94679 TS được đóng theo NĐ 67), giao hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại.
Chiếc tàu vỏ thép của ông Liên nằm bờ 2 năm nay. Đến nay vụ việc vẫn chưa có hồi kết |
Đây là vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán hệ thống máy đẩy thủy và hợp đồng dịch vụ đóng tàu” giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Liên với bị đơn là Công ty CP Tập đoàn Liên Á (Cty Liên Á, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Công ty CP đóng tàu Bảo Duy (Cty Bảo Duy, quận Sơn Trà, Đà Nẵng).
Theo đơn kiện của ông Liên, ngày 30/8/2017, Tòa án nhân dân TP Tam Kỳ mở phiên sơ thẩm và tuyên buộc Cty CP đóng tàu Bảo Duy có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tài sản cho ông Liên số tiền 2,8 tỉ đồng.
Sau đó, Cty CP đóng tàu Bảo Duy đã kháng cáo. Ngày 30/1/2018, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tuyên buộc Cty CP Tập đoàn Liên Á hoàn trả cho ông Liên 1,57 tỉ đồng. Sau khi xét xử phúc thẩm, Cty CP Tập đoàn Liên Á có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án.
Ông Liên (giữa) cho hay đã quá mệt mỏi vì vụ việc |
Trong hợp đồng mua bán giữa ông Trần Văn Liên và Cty Liên Á có ghi: “Sau khi hoàn thiện việc chạy thử, vận hành và bàn giao thiết bị cho chủ tàu, bên A và bên B cùng ký vào biên bản nghiệm thu với sự làm chứng của nhà máy đóng tàu”.
Như vậy, việc ông Liên và Cty Bảo Duy điều tàu từ nhà máy đến cầu Mân Quang để chạy thử đường dài mà không có cán bộ kỹ thuật của Cty Liên Á tham gia hỗ trợ kỹ thuật, để kịp thời khắc phục sự cố dẫn đến hậu quả trên có một phần lỗi của chủ tàu và Cty Bảo Duy.
“Trong trường hợp này cho dù có cơ sở khẳng định là máy hỏng do lỗi chế tạo thì Cty Bảo Duy (nếu tự vận hành) và ông Liên (nếu đồng ý cho Cty Bảo Duy vận hành) cũng có một phần lỗi để xảy ra thiệt hại. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng toàn bộ lỗi của Cty Liên Á là chưa đánh giá khách quan, toàn diện vụ án”, văn bản của VKS cấp cao phân tích.
Theo VKS cấp cao, đối với bản án sơ thẩm buộc Cty Bảo Duy chịu toàn bộ thiệt hại cũng không có cơ sở vì “chưa làm rõ nguyên nhân hỏng máy, chưa làm rõ được việc Cty Bảo Duy cho tàu chạy vào ngày 29/3/2017 có được sự đồng ý của chủ tàu (ông Liên) hay không.
Ngoài ra, Công ty đóng tàu khai là đã được ông Liên đồng ý. Tuy nhiên, ông Liên thì nhiều lần khai rằng ông yêu cầu phải có nhân viên kỹ thuật của Cty Liên Á mới được chạy tàu nhưng Công ty đóng tàu vẫn cho tàu chạy khi không có nhân viên của Cty Liên Á.
Vì các lý lẽ trên, VKS cấp cao quyết định kháng nghị đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 12/2018/KDTM-PT ngày 30/1/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam. Đề nghị Ủy ban thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án nêu trên và bản án dân sự sơ thẩm số 77/2017/DS-ST ngày 30/8/2017 của Tòa án nhân dân TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại.
Trước quyết định kháng nghị đối với hai bản án trên của VKS cấp cao, ông Trần Văn Liên bức xúc vì 2 cấp tòa mỗi nơi xử mỗi kiểu dẫn đến sự việc kéo dài, phức tạp. Đến thời điểm này, ông Liên còn bị cả ngân hàng và công ty đóng tàu khởi kiện ngược trở lại. Ông cho biết, hiện ông đã quá mệt mỏi với vụ việc nên ông mong muốn các cấp chức năng giải quyết càng sớm càng tốt cho ông, để ông yên tâm làm ăn, có tiền trả nợ.
Tác giả: Công Bính
Nguồn tin: Báo Dân trí