Thương cảnh cụ già 85 tuổi nuôi đàn cháu nhỏKhi chúng tôi đến nhà thì cụ Khương vừa đi kiếm củi ở trên đồi về, mồ hôi nhễ nhãi. Thấy có khách lạ đến hỏi về gia cảnh, cụ đã không cầm nổi nước mắt, giọng nói nghẹn lại: “Chúng nó tội lắm, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tui thì già rồi không biết rồi tương lại chúng sẽ đi về đâu”.
Bà Khương có 9 người con, nhà lại thuộc diện nghèo nên cuộc sống hết sức khó khăn. 9 người con cũng đã lớn và có cuộc sống gia đình riêng nhưng đều nghèo nên không giúp đỡ được cụ là bao, cụ suốt ngày sống lủi thủi một mình trong căn nhà gỗ ọp ẹp, xiêu vẹo.Không có tiền mua đất nên sau khi lấy vợ, anh Trần Văn Thường (người con trai thứ 3) và vợ là chị Nguyễn Thị Thu đã kéo nhau ra sông Ngàn Trươi đóng một con thuyền làm nơi cư trú. Cuộc sống 2 vợ chồng suốt ngày lênh đênh trên con thuyền xuôi ngược sông Ngàn Trươi để kiếm sống qua ngày.
Rồi lần lượt 3 đứa con là Trần Thị Nga (1993), Trần Văn Thông (1995) và Trần Thị Mai Sương (1998) được sinh ra khỏe mạnh. Cuộc sống gia đình vốn khó khăn, chật vật nay lại càng khó khăn hơn, khi những đứa con ngày một lớn nhưng chỉ có 1 con thuyền nhỏ, vừa là “nhà” vừa là phương tiện để cả gia đình mưu sinh. Dù khó khăn là thế nhưng trên con thuyền nhỏ bé ấy luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc. Nhưng những phút giây hạnh phúc ấy quá ngắn ngủi, khi Sương vừa sinh được 3 tháng tuổi thì chị Thu đột ngột qua đời vì một cơn xuất huyết não. “Ngôi nhà” bé nhỏ của anh Thường như chao đảo. Vợ mất, các con lại còn quá nhỏ nên anh Thường quyết định chuyển vào sống với bà nội (cụ Khương). Ba đứa con của anh Thường ngày một lớn và đang đến tuổi ăn học, anh Thường đã đi làm hết nghề này đến nghề khác, bất kể đêm ngày hễ có việc là làm miễn sao có tiền lo cho bốn bà cháu chính vì vậy sức khỏe anh Thường ngày một yếu đi. Thương bố, thương bà và 2 đứa em nên đang học dở lớp 9 Nga xin thôi học để ở nhà phụ bố kiếm thêm chút tiền lo cho gia đình và hai đứa em ăn học. Thời gian cứ thế trôi qua, những tưởng cuộc sống thế là bình yên, nỗi đau mất mẹ được xoa dịu thì một lần nữa nỗi sợ, nỗi lo mất người thân lại ùa về với cụ Khương và 3 người con. Cuối năm 2011 anh Thường được phát hiện là bị bệnh ung thư tuyến nước bọt. Dù khó khăn, thiếu thốn, 4 bà cháu quyết định bán hết trâu bò, vây Ngân hàng và anh em hàng xóm được hơn 50 triệu đồng để đưa anh Thường đi điều trị nhưng bệnh tình không những không thuyên giảm mà ngày một xấu đi. Đến đầu tháng 6, anh Thường đã trút hơi thở cuối cùng để lại cho 4 bà cháu một nỗi đau đớn tột cùng và một món nợ chồng chất.Giờ đây tài sản quý giá nhất của 4 bà cháu là căn nhà 2 gian xiêu vẹo, dột nát chỉ chờ đổ xuống. Cụ Khương thì ngày một yếu đi, tất cả gánh nặng đè trĩu trên đôi vai của Nga.Hiện 2 em của Nga là Thông đang học lớp 11 Trường THPT Vũ Quang, và Sương đang học lớp 9, Trường THCS Hương Thọ. Dù khó khăn và chịu nhiều nỗi mất mát nhưng hai em luôn cố gắng, và trong nhiều năm liền 2 em đều đạt học sinh tiên tiến. “Bà là chỗ dựa duy nhất của em lúc này nhưng giờ bà em yếu lắm rồi, không biết em sẽ bấu víu vào ai nữa. Các em của em còn quá nhỏ, em không muốn 2 em của em phải nghỉ học giữa chừng đâu” Nga nức nở.Thu hồi đất của cụ bà 85 tuổiKhi về xóm 1 xã Hương Thọ chúng tôi không chỉ được nghe kể về hoàn cảnh hết sức éo le của cụ Khương mà còn được nghe rất nhiều ý kiến bức xúc của người dân nơi đây về việc chính quyền nhân dân xã Hương Thọ tiến hành thu hồi đất của cụ Khương để thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa nhưng lại không cấp cho bà một diện tích khác khiến cuộc sống của 4 bà cháu càng khốn khó vì không có đất để sản xuất.
Thông báo thu hồi đất của cụ Khương của UBND xã Hương Thọ
Cuộc sống của 4 bà cháu dựa vào chỉ vẻn vẹn có 1 sào đất (đây là phần đất của anh Thường trước đây để lại) và khoản tiền trợ cấp cho người cao tuổi của cụ Khương. Ngoài ra trước đây cụ Khương còn có hơn 8 thước đất 5% để sản xuất nhưng hiện nay đã bị UBND xã Hương Thọ thu hồi.Thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của Chính phủ và Kế hoạch thực hiện công tác chuyển đổi sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn II của tỉnh Hà Tĩnh, ngày 14/11/2011 UBND xã Hương Thọ đã ra thông báo thu hồi 264m2 đất của bà Khương để giao cho xóm 4, xã Hương Thọ thực hiện việc chuyển đổi. Nhưng lại không giao cho cụ Khương diện tích khác khiến gia đình cụ hết sức bức xúc.
Đơn thư anh Trấn Quốc Tuấn gửi Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang
Anh Trần Quốc Tuấn (con trai thứ 4) bức xúc: “Bà thì đã già, giờ lại phải nuôi 3 đứa cháu côi cút nhưng không có đất để sản xuất không biết 4 bà cháu sẽ sống như thế nào”. Kêu xã, xã không nghe, anh Tuấn đã viết đơn gửi Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang để kiến nghị. Sau đó UBND huyện Vũ Quang cũng đã có phiếu chuyển thư và yêu cầu UBND xã Hương Thọ và các ngành chức năng kiểm tra, xem xét và giải quyết cho cụ Khương nhưng đến này cụ Khương vẫn chưa được giải quyết.
Đây là diện tích đất sản xuất của cụ Khương nay đã bị UBND xã Hương Thọ thu hồi
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hoàn _ Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: “ Vì chế độ và quyền lợi của cụ Khương là ở xóm 1, mà diện tích đất này trước tới giờ là của xóm 4 nên chúng tôi tiến hành thu hồi để giao lại cho xóm 4 để thực hiện việc chuyển đổi. Còn về việc chúng tôi thu mà không giao đất cho cụ Khương là vì diện tích đất này năm ngoài Nghị Định 64 của Chính phủ!?”Xuân Sinh – Duy Tuấn
VietNamNet.vn