Về việc này, mục Diễn đàn & Bạn đọc của Báo Lao Động đã có bài viết “Xin lỗi họ là giáo viên chứ không phải là “tiếp viên”. Sau khi bài viết đăng tải, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi từ bạn đọc.
Phòng GD-ĐT thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh: Đời sống & Pháp luật.
Lãnh đạo hãy đặt mình vào vị trí của giáo viên
Dường như những phát ngôn vô tâm của ông Trưởng phòng GDĐT thị xã Hồng Lĩnh đã làm dậy sóng dân tình trên cả nước, không ít người bày tỏ thái độ bực tức. Bạn đọc Tâm Đức viết: “Cần phải phê phán suy nghĩ “trọng khách” kiểu điều động cô giáo đi tiếp khách. Hiện tượng này không chỉ có ở thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), mà có ở nhiều nơi. Nó thực sự là suy nghĩ lệch lạc, phản cảm và rất phản giáo dục. Vì vậy, cần dư luận lên tiếng, thẳng thừng phê phán hiện tượng này, không thể lãnh đạo muốn gì cũng được”.
“Ngành giáo dục là một ngành cao quý, chính nơi này ươm mầm nhân tài, trụ cột cho đất nước tôi thấy thất vọng cho ông Lê Bá Thiềm có những suy nghĩ thiển cận như vậy”. Đó là ý kiến của Nguyễn Hoàng Anh Phi.
Hay bạn Lê Thương viết: “Tôi là người con của Hà Tĩnh, tôi cảm thấy chua xót cho suy nghĩ và việc làm của các ông “quan huyện” ở Hồng Lĩnh. Các ông đã dẫm đạp lên danh giá của người thầy, lên phẩm giá của người phụ nữ; đáng bị lên án trước công luận và xứng đáng nhận kỷ luật nghiêm khắc của tổ chức”. Bên cạnh đó, nhiều bạn đọc cũng đặt ra tình huống giả thiết, nếu những cô giáo đó là vợ, con gái hay cháu của ông Thiềm thì liệu ông có cư xử như vậy không?
Xin báo chí vào cuộc
Đó là chia sẻ của bạn Trọc Đời. Bạn viết: “Đọc cái title ban đầu tôi không tin. Nhưng thật bất ngờ, tôi tin tưởng vào Báo Lao động… Cần có sự lên tiếng của xã hội, của dư luận vào vấn đề này. Nó không đơn giản chỉ là một bài báo mà nó là hệ quả của cả một hệ thống suy đồi về đạo đức gây nên. Xin báo chí vào cuộc mạnh mẽ để trả lại nét đẹp cho ngành giáo dục – nơi đào tạo con người cho xã hội”.
Hay bạn Phi Hùng viết: “Đây cũng là hành động thoái hóa, tự diễn biến trong tư tưởng của một bộ phận cán bộ có chức quyền từ người điều động cho đến người được chiêu đãi”.
Không những thế, cách đối xử quá phân biệt dẫn đến xúc phạm cần có một cách giải quyết nghiêm minh để răn đe. Bạn Hoa Minh viết: “Xúc phạm giáo viên, xúc phạm ngành một cách quá tùy tiện, đề nghị Sở GDĐT Hà Tĩnh cho trưởng phòng này nghỉ việc luôn đi. Cách trả lời ấy không phải là của một người làm trong ngành giáo dục chứ đừng nói là quản lý giáo dục”.
Nhiều độc giả cũng đưa ra những chia sẻ, những sự việc tương tự không chỉ nằm trong ngành giáo dục mà còn tồn tại ở các ngành khác. Bạn Minh Nguyệt viết: “Chuyện này giờ mới biết, hay giờ mới kể? Bởi không chỉ các cô giáo mà tất cả các “em” có ngoại hình ưa nhìn (giáo viên, y tế,…) ở mọi cấp đã bị điều làm tiếp viên không lương. Cái gọi là hoạt động “ngoại giao, giao lưu, phong trào” từ lâu rồi, khác chăng là giờ đã chính thức hóa bằng văn bản thôi. Trước đây, không tham gia thì bị “nhắc nhở”. Giờ có văn bản, không tham gia sẽ bị kiểm điểm, cảnh cáo, thậm chí bị kỷ luật”.
Bạn Lão Bản cũng viết: “Chắc không phải chỉ riêng Hà Tĩnh và cũng không phải chỉ riêng ngành giáo dục, tôi được biết ở nhiều nơi, nhiều ngành đều có chuyện đưa một sổ cán bộ (chủ yểu là nữ) có hình thức một chút và biết hát hò đến các cuộc tiếp khách của lãnh đạo để làm cho buổi tiệc thêm phần vui vẻ. Đây cũng là một tệ nạn cần được chấn chỉnh ngay”.
NGÔ CHUYÊN (TỔNG HỢP)