Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh vừa có công văn yêu cầu các cá nhân và 3 tập thể trực thuộc Sở tự kiểm điểm nghiêm túc vì để xảy ra sự cố môi trường liên quan việc xả thải và chôn lấp chất thải công nghiệp lẫn nguy hại của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh thời gian qua.
Theo đó, việc làm rõ trách nhiệm của từng tập thể, cá nhân sẽ được căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách công tác theo từng thời kỳ. Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cùng các cá nhân đã tổ chức tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật.
Formosa Hà Tĩnh đã thừa nhận là nguyên nhân trực tiếp gây ra thảm họa môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung |
Là đơn vị tham mưu, theo dõi việc kiểm điểm các đơn vị liên quan sự cố môi trường, ông Nguyễn Phi Quang, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh đánh giá Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh đang làm một cách nghiêm túc. Tuy nhiên việc này chưa xong, cần phải làm rõ hơn để trình lên tỉnh. Ông Quang cho hay đây là vấn đề căn cơ, cần phải đảm bảo chắc chắn chứ không thể làm sơ sài.
Theo ông Quang, về hình thức kỷ luật cụ thể các cá nhân, tập thể thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường thì chưa thể trình bày, bởi cần phải chờ một số đơn vị liên quan như Ban Quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh, UBND thị xã Kỳ Anh… tổ chức kiểm điểm.
“Để đưa ra hình thức kỷ luật cần phải có sự phân cấp. Trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thường vụ tỉnh ủy thì tỉnh ủy sẽ xem xét để Ủy ban kiểm tra vào cuộc. Những đơn vị, cá nhân thuộc ủy ban tỉnh, các sở, ủy ban huyện… thì tùy theo thẩm quyền sẽ tự xử lý”, VnExpress dẫn lời ông Quang nói.
Trước đó ngày 4/8, Chủ tịch UBND Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh yêu cầu Giám đốc các Sở Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Công an tỉnh, Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh, Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh theo chức năng, nhiệm vụ, xác định trách nhiệm của đơn vị, tổ chức tự kiểm điểm và chỉ đạo kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến việc Formosa xả thải gây sự cố môi trường và việc chôn lấp chất thải công nghiệp lẫn chất thải nguy hại không đúng quy định.
Trong khi đó, trả lời báo chí, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng, việc truy cứu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan sẽ được tiến hành chặt chẽ và cẩn trọng.
Như vậy, sau hơn 4 tháng xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở miền Trung do Formosa xả thải, đến nay, cơ quan chức năng có liên quan ở Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm điểm, truy trách nhiệm tổ chức, cá nhân dù có chút muộn màng. Như Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh từng tuyên bố khi tiếp xúc cử tri Đà Nẵng hồi đầu tháng 8 vừa qua, sẽ truy trách nhiệm cụ thể trong từng khâu cấp phép.
Khi ấy, đề cập đến việc xử lý trách nhiệm liên quan đến thảm họa môi trường do Formosa gây ra, ông Đinh Thế Huynh đã khẳng định, chủ trương lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án. Đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải. Ai vi phạm thì xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
“Không phải là lên báo ông cãi mấy câu, ông chống chế là xong việc đâu. Cứ để kiểm tra, làm rõ. Anh nói rằng tôi ký là vì có 12 bộ, ngành đã đồng ý vậy thì kiểm tra có đúng không? Luật quy định là 50 năm, trường hợp đặc biệt là 70 năm thì trường hợp này có phải là đặc biệt hay không, phải có căn cứ.
Cơ quan nào đánh giá tác động môi trường? Đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của khối lượng lớn chất thải ra môi trường không? Tiêu chuẩn môi trường đã đúng quy định pháp luật chưa?
Đặc biệt, hệ thống giám sát, quan trắc đề phòng người ta vi phạm, xả thẳng ra môi trường không qua hệ thống xử lý đã đúng chưa?”, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nêu hàng loạt câu hỏi và khẳng định “tất cả phải được làm rõ”.
Minh Thái (Tổng hợp)