Trước đó, mạng xã hội Facebook chia sẻ chóng mặt một video clip quay cảnh một miệng cống đang xả ra nước màu đỏ. Những người dùng facebook bị đánh lừa cho rằng đó là hình ảnh từ cống của Formosa. Sẵn ấn tượng xấu về sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung hồi năm 2016, dư luận lên đồng tập thể.
Nhưng các cơ quan ban ngành đi kiểm tra, PV Infonet tham gia chứng kiến, thì không có cửa xả thải nào của Formosa giống thế.
Thông tin bịa đặt mới đây trên mạng xã hội |
Trao đổi với PV Infonet chiều 20/2, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định: Đoạn clip đăng tải trên trang mạng xã hội là thông tin hoàn toàn bịa đặt.
Đồng thời, sáng nay (20/2) lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh cùng ban kinh tế Vũng Áng, UBND thị xã Kỳ Anh và tổ giám sát của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đi kiểm tra, rà soát toàn bộ khu vực xả thải của Formosa đã khẳng định thông tin đó hoàn toàn bịa đặt, không có hoạt động xả thải như vậy.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Hãng luật Giải Phóng (Đoàn Luật sư Tp HCM) |
Nhìn từ góc độ truyền thông và pháp lý, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Kiều Hưng về vấn đề này.
Thưa luật sư, vụ việc “clip bịa đặt thông tin Formosa tiếp tục xả thải” đã gây hoang mang dư luận, khiến các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra xác minh. Kết quả xác minh, thông tin đó là bịa đặt. Theo đánh giá của luật sư, cần phải rút ra bài học gì từ câu chuyện này?
Trong hoàn cảnh mạng xã hội, đặc biệt là Facebook phát triển mạnh như hiện nay, nếu người dùng Việt không tỉnh táo, kiểm soát cảm xúc thì rất dễ bị lợi dụng, đối tượng lợi dụng đó là ai thì chưa thể xác định, nhưng rõ ràng trên mạng thường xuyên xuất hiện những luồng thông tin sai sự thật có chủ đích, chúng “ăn theo” những sự kiện lớn được dư luận quan tâm.
Bài học rút ra chính là chúng ta phải là con người thật trong thế giới ảo.
Theo luật sư, sự việc bịa đặt thông tin này sẽ gậy hậu quả thế nào với xã hội?
Tuy khó nhìn thấy, nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó là rất lớn, khi người dân có bằng chứng cho rằng Formosa tiếp tục xả thải chất lạ ra biển, có nghĩa họ không còn tin vào công tác quản lý, kiểm soát môi trường của chính quyền địa phương nữa. Khả năng lớn sẽ xuất hiện các đợt phản ứng của người dân sẽ gia tăng ở mức độ cao hơn, điều đó là rất nguy hiểm. Nó không khác gì một ngọn lửa đang âm ỉ cháy, chờ cơ hội để bốc cháy nhanh hơn.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam có chế tài gì, quy định gì để ngăn ngừa thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội?
Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi để xử lý trách nhiệm hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Về hình sự, hành vi sử dụng trái phép thông tin trên mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 226 Bộ luật hình sự- Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính, hành vi này được cụ thể hóa rõ ràng hơn theo điều 288 Bộ luật hình sự 2015.
Về hành chính, hành vi này có thể bị xử phạt theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP năm 2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin…với mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng.
Từ góc nhìn luật pháp, luật sư có những cảnh báo gì để người dân khi tham gia mạng xã hội cần có “sự thông thái” không vội vàng chia sẻ những thông tin bịa đặt, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội?
Khi đứng trước một thông tin chưa xác thực, khi quyết định chia sẻ, bấm “like” hay bình luận nó, người dùng nên chậm lại một chút, kiểm chứng nguồn tin và tiếp tục theo dõi.
Chỉ nên quan tâm và có hành động với những nguồn tin trên báo chí chính thống hoặc từ những cây viết trên mạng đáng tin cậy.
Ở góc độ quản lý nhà nước và các cơ quan báo chí, khi phát hiện những thông tin lạ, cần tiến hành điều tra, xem xét và thông tin ngay lập tức cho bạn đọc để tránh những hậu quả xấu do nguồn tin ảo gây ra.
Xin cảm ơn luật sư!
Hồng Chuyên (thực hiện)