Tin Liên Quan

Vụ 4 thuyền viên nhảy xuống biển ở Pháp: Bị hành hạ như nô lệ

4 thuyền viên Việt Nam nhảy khỏi tàu Hsieh Ta (Đài Loan – TQ) và được cứu tại cảng Tahiti ở quần đảo Nam Thái Bình Dương (Pháp) lúc hơn 11 giờ ngày 9.8 đã trở về tới quê nhà ở tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng 15.8.


Cùng trong ngày 15.8, PV Báo Lao Động đã có mặt tại xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) và xã Châu Hạnh (huyện Quỳ Châu) gặp các thuyền viên Trần Văn Dũng và Hoàng Văn Hậu (hai trong số 4 người nhảy tàu ngày 9.8) để tìm hiểu sự việc. Cả hai thuyền viên này cho biết họ bị máy trưởng tàu Hsieh Ta đánh đập, đối xử như nô lệ. Máy trưởng tàn độcCả Dũng và Hậu khi gặp chúng tôi đều khẳng định rằng, 10 thuyền viên người Việt làm việc trên tàu Hsieh Ta đều bị máy trưởng Ta Sơ (khoảng 60 tuổi) đánh đập dã man. Ông này dùng cả cờlê, búa đập vào phần mềm thân thể của NLĐ đến mức tóe máu mồm, máu mũi. Ngoài những hành động trên, máy trưởng còn có những hành vi sỉ nhục NLĐ như kiểu ngược đãi với các nô lệ thời trung cổ.Tại thôn 5, xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu), thuyền viên Trần Văn Dũng khẳng định, trong suốt thời gian làm việc trên tàu Hsieh Ta, em và 9 thuyền viên người Việt Nam khác cũng như các thuyền viên người Indonesia, Myanmar đều bị thuyền trưởng, máy trưởng đánh đập nhiều lần. Riêng máy trưởng có nhiều lần hành hạ Dũng dã man cho đến khi em ngất đi, người này mới dừng tay. Chiều 15.8, thuyền viên Hoàng Văn Hậu cho biết: Hậu đảm nhiệm việc chấm nhớt, lau dầu, bơm dầu cho máy móc trên tàu Hsieh Ta cùng máy trưởng Ta Sơ trong suốt quãng thời gian từ khi xuống tàu tới giữa tháng 5.2013. Tại đây, Hậu bị máy trưởng đánh đập 15 lần. Lần khiến Hậu không thể chịu đựng được nữa là vào khoảng giữa tháng 5.2013. Hậu kể: “Hôm đó, máy trưởng giao em trực máy để ông ấy ngủ. Khi ông tỉnh dậy vào khoảng 12 giờ đêm, em đang ngồi liền đứng lên chào, song ông ấy vẫn hỏi: Mày ngủ à? Em nói không ngủ, ngay lập tức ông ấy túm tóc em rồi dùng tay đấm liên tục vào đầu, tát vào mặt. Ngày hôm sau, ông ấy đổ một đống phụ tùng máy móc ra yêu cầu em thu xếp vào cho gọn. Xong việc, em đề nghị ông ấy cho lên boong làm câu thì bị máy trưởng đánh tiếp cho tới khi em bất tỉnh”. Thoát chết khi gặp cảnh sátTrước việc bị hành hạ tàn nhẫn của máy trưởng và trưởng tàu, 8 trong số 10 thuyền viên Việt Nam bàn nhau tìm cách lên bờ trở về nước, chứ cứ làm việc trên tàu 18-19 giờ/ngày và bị đánh đập như kiểu nô lệ thì không thể chịu nổi.

Công việc của các thuyền viên rất cực nhọc, họ phải làm việc 19 tiếng đồng hồ/ngày… (ảnh do thuyền viên Dũng cung cấp).Đến 11 giờ ngày 9.8, tàu Hsieh Ta kéo một tàu bạn bị hỏng vào cảng Tahiti thuộc Pháp. Nhận thấy đây là cơ hội thuận lợi nên cả 8 thuyền viên quyết định sẽ nhảy xuống biển bơi vào đất liền khi con tàu quay ra ngư trường; song, chỉ có 4 LĐ nháy mắt nhau nhảy gồm: Hoàng Văn Hậu trú huyện Quỳ Châu; Trần Văn Dũng, Lê Đình Anh – trú huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) và Nguyễn Văn Hùng – trú huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh).Lúc này, 21 người trên tàu Hsieh Ta đứng trên boong nhìn. Trưởng tàu còn cho tàu chạy giữa, tách 4 thuyền viên ra xa nhau rồi chạy quay đi, quay lại cho tăng thêm sóng để LĐ không thể bơi được. Các thuyền viên nổi trên mặt biển khoảng 30 phút thì Lê Đình Anh đuối dần nên được một thuyền viên người Myanmar đứng ở đuôi tàu ném cho một chiếc phao. Bốn thuyền viên bơi thêm hơn 1 giờ thì Nguyễn Văn Hùng uống no nước. Lúc này, Hoàng Văn Hậu nhường bao bóng cho Hùng bám và rút chiếc bao bóng khác thủ trong người ra quạt lên không lấy khí rồi bịt kín miệng để bám vào. Bốn thuyền viên may mắn được cảnh sát biển Pháp ứng cứu và đưa lên đất liền, mua vé máy bay đưa về nước.Nói về việc có thông tin cho rằng các thuyền viên nhảy xuống biển để trốn lên đất liền làm, Hậu tỏ ra rất bức xúc nói: “Nếu như chúng em trốn thì không thể nhảy để tất cả mọi người trên tàu nhìn thấy và không thể nhảy lúc ban ngày như vậy được. Chúng em chỉ nghĩ, ở trên tàu bị hành hạ như vậy sẽ chết dần, chết mòn trong nhục nhã. Nhảy xuống biển chúng em cũng xác định sẽ chết, nhưng chết như thế thì không phải hổ thẹn”. Trao đổi qua điện thoại với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Đức Hoàn – PGĐ Cty Servico (đơn vị đưa anh Dũng đi làm trên tàu Hsieh Ta) – cho biết: Hiện Cty đang chờ xác nhận của Cục QLLĐ nước ngoài kèm theo văn bản của các thuyền viên đang làm việc trên tàu Hsieh Ta nói về sự thật của 4 thuyền viên nhảy xuống biển khi đó rồi mới đưa ra hướng giải quyết. Nếu sự việc đúng như các thuyền viên phản ánh thì phía Cty Servico sẽ làm việc với đối tác nước ngoài để lấy lại quyền lợi cho NLĐ. Nếu các LĐ làm sai thì căn cứ trên hợp đồng để xử lý và NLĐ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP