|
“Đây là những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông”, ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chiều nay cho biết phản ứng về việc Trung Quốc bố trí tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa.
Theo ông Bình, đại diện Bộ Ngoại giao hôm nay đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, trao công hàm phản đối các hoạt động của Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa. Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc cũng có công hàm gửi Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đề nghị lưu hành chính thức công hàm nói trên.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động sai trái đó”, ông Bình nói.
Truyền thông Mỹ hôm 17/2 dẫn ảnh chụp từ vệ tinh dân sự cho biết quân đội Trung Quốc đã điều hai khẩu đội tên lửa phòng không HQ-9, gồm 8 bệ phóng cùng một hệ thống radar ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tuần trước. Hệ thống này có tầm bắn 200 km, tạo ra mối đe dọa cho mọi loại phi cơ, dù là dân sự hay quân sự, bay gần khu vực.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các thiết bị phòng vệ đã được lập ra ở “những đảo và đá liên quan” trong nhiều năm và cho rằng thông tin của một số phương tiện truyền thông phương Tây là “phóng đại”. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi không xác nhận cũng không phủ nhận thông tin về các tên lửa trên nhưng lặp lại rằng Bắc Kinh đã có các hệ thống phòng thủ trên các đảo trong nhiều thập kỷ.
Hai khẩu đội tên lửa HQ-9 bố trí trên bờ biển đảo Phú Lâm. Ảnh: Fox News |
Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định sự hiện diện của các tên lửa trên Phú Lâm và lên án Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông, hành động trái với cam kết trước đây. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ trích Trung Quốc tăng cường quân sự hóa ở vùng biển liên quan đến lợi ích của nhiều nước.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ xung đột ở Biển Đông, cho rằng các bên liên quan cần kiềm chế, không quân sự hóa ở khu vực này. Đại diện Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về diễn biến mới, cho rằng các hành động xây dựng ở Biển Đông vì mục đích quân sự là “không thể chấp nhận được”.
Việt Anh