Việt Nam

Thêm bằng chứng khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa

Partie de la Cochinchine là bản đồ nằm ở trang 116, tập 2 (châu Á), thuộc bộ Atlas Thế giới rất nổi tiếng của Viện Địa lý hoàng gia Bỉ, xuất bản năm 1827. Bộ Atlas này có 6 tập (gồm châu Âu, châu Á, bắc châu Mỹ, nam châu Mỹ, châu Phi và châu Úc), do Phillipe Vandermaelen (1795 – 1869), nhà địa lý học, người sáng lập Viện Địa lý hoàng gia Bỉ, thực hiện.

Ngày 10.1, ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa Giáo dục Việt Nam tại Mỹ, đã trao tặng UBND H.Hoàng Sa (Đà Nẵng) tấm bản đồ giá trị, tiếp tục khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
 
Tấm bản đồ Partie de la Cochinchine in khổ lớn 1,2x0,85m được ông Trần Thắng sưu tầm, trao tặng cho UBND H,Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) /// ẢNH: AN DY
Tấm bản đồ Partie de la Cochinchine in khổ lớn 1,2×0,85m được ông Trần Thắng sưu tầm, trao tặng cho UBND H,Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng)

Bản đồ thể hiện một phần đường bờ biển miền Trung (Việt Nam) từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16, kèm địa danh Champella (Cù Lao Chàm). Phía ngoài khơi, Paracels (Hoàng Sa) được thể hiện khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng từ vĩ độ 14 -17 và kinh độ từ 109 -113.

Quần đảo Paracels trong bản đồ có các đảo I. Pattles, I. Duncan ở phía tây; Tree. I và I. Lincoln, Bocher au dessas de l’eau ở phía đông và Triton ở phía tây nam, ngay dưới vĩ tuyến 16; Investigateur ở sâu xuống phía nam khoảng vĩ tuyến 14,5 và đường đánh dấu phạm vi biển nông hay dải cát nằm ở độ sâu từ 5 đến 10 m, kéo dài đến vĩ tuyến 14 ngang với Quinhone (Quy Nhơn) ở phía trong bờ biển.

Bên phải của bản đồ có ghi rõ những phần lãnh thổ thuộc Đế chế An Nam. Vì vậy, Partie de la Cochinchine thuộc số rất ít bản đồ, tính cho đến những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, đã vẽ một cách tuyệt đối chính xác vị trí, đặc điểm địa lý, tên gọi phương Tây của các đảo lớn nhất và quan trọng nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND H.Hoàng Sa, bản đồ đặt trong khu vực Cochinchine (Đàng Trong, mà người phương Tây lúc đó dùng để chỉ khu vực miền Trung Việt Nam) là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời của “Đế chế An Nam”, đã minh chứng một cách đầy đủ, rõ ràng và chuẩn xác chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

‘‘Bản đồ Partie de la Cochinchine khi đặt trong mối quan hệ với bản đồ của các quốc gia được thể hiện trong tập châu Á, so sánh đối chiếu với các nguồn tư liệu bản đồ, thư tịch cổ của Việt Nam, Trung Quốc và phương Tây khác xuất hiện trong khoảng những thập kỷ đầu thế kỷ XIX, thì chắc chắn nó có giá trị kiểm chứng, xác định giá trị chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa’’, ông Thắng khẳng định.

Ông Trần Thắng là người có công rất lớn trong việc sưu tầm, quyên tặng gần 200 tư liệu bản đồ có giá trị địa lý, lịch sử và khoa học cho Nhà Trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng), góp phần chứng minh chủ quyền biển đảo Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

Những tư liệu quý giá này sẽ được giới thiệu đến đông đảo nhân dân và du khách vào khoảng tháng 7.2017, khi Nhà trưng bày Hoàng Sa khánh thành và đi vào hoạt động.

An Dy

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP