Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Sự kiện quan trọng, có ý nghĩa châu lục
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 2/2019. Đây là lần thứ hai, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Ông đánh giá như thế nào ý nghĩa của cuộc gặp gỡ lần này?
Mối quan hệ Mỹ - Triều là mối quan hệ phức tạp kéo dài trong nhiều thập kỷ qua. Quan hệ này có nhiều vấn đề gây căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến ngoại giao hai nước mà còn tác động đến cả khu vực Châu Á và thế giới.
Kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên, đây là lần thứ hai ông Donald Trump và ông Kim Jong Un gặp gỡ nhau để cùng đàm phán về các khác biệt còn tồn tại cũng như thiết lập lại các mối quan hệ giữa hai bên. Chính vì thế, đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa rất lớn mang tính châu lục. Bởi lẽ, nó không chỉ đơn thuần để giải quyết được các vấn đề căng thẳng, hóc búa của hai nước mà còn giải quyết được các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định của cả khu vực và trên thế giới.
PGS-TS Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ nhận định, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam tới đây có ý nghĩa quan trọng mang tính châu lục. |
Tất nhiên, tôi cho rằng một cuộc gặp không thể giải quyết được hết tồn tại mà có thể sẽ phải tiếp tục có thêm nhiều cuộc gặp gỡ giữa người đứng đầu hai nước trong thời gian tới. Tuy nhiên, sự kiện lần này là dấu hiệu cho thấy sự chuyển biến tích cực trong quan hệ Mỹ - Triều và có thể đem lại những xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển ổn định cho các nước trên thế giới trong thời gian tới.
Truyền thông thế giới cho rằng quan hệ Mỹ - Triều Tiên có thể đạt được "đột phá lớn" trong hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam, liệu đánh giá này có quá lạc quan không, thưa ông?
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này tại Hà Nội là kết quả tiếp nối của cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái. Đây là sự phát triển trong quan hệ song phương mà đến thời điểm hiện tại, hai bên thấy rằng cần phải giải quyết và có đủ điều kiện để giải quyết được vấn đề.
Hiện nay, chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đã phát triển đến giai đoạn có vũ khí hạt nhân và tên lửa đạo đạn. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với an ninh khu vực và có thể ảnh hưởng tới cả Mỹ. Phía Mỹ cũng sẽ rất tích cực giải quyết những vấn đề này.
Ngược lại phía Triều Tiên cũng thấy rằng, họ có đủ thế mạnh để ngồi vào bàn đàm phán. Đó là những lý do khiến hai bên thấy đây là thời điểm thích hợp để tiến tới, giải quyết toàn diện, có lợi trong quá trình hợp tác song phương.
Cũng phải nói thêm rằng, trong thời gian vừa qua Triều Tiên đã có những thay đổi tích cực dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong Un. Tuy là một nhà lãnh đạo trẻ nhưng ông Kim là người có tầm nhìn, mạnh mẽ, quyết đoán và tư duy bạo dạn. Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng được xem là “làn gió mới”, người quyết liệt trong việc giải quyết các vấn đề.
Với tất cả những nhân tố này, tôi cho rằng cuộc gặp tới đây giữa hai nhà lãnh đạo có thể sẽ tạo ra sự đột phá và bước ngoặt trong quan hệ hai nước.
Kỳ vọng về bước ngoặt mới trong quan hệ Mỹ - Triều
Theo ông, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam lần này có những khác biệt gì so với cuộc gặp diễn ra trước đó ở Singapore?
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần đầu tiên trong lịch sử ở Singapore vào tháng 6/2018 đã thổi luồng gió hòa dịu và hòa giải lên bán đảo Triều Tiên vốn bao phủ bởi băng giá thù địch, đối đầu và căng thẳng suốt hơn 70 năm qua. Đây là cuộc gặp gỡ có tính chất “phá băng” trong việc giải quyết quan hệ hai nước.
Sau cuộc gặp, ông Kim đã cam kết nỗ lực hướng tới mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa diễn ra sau đó vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể. Triều Tiên muốn được dỡ bỏ trừng phạt trong khi Mỹ quyết duy trì sức ép tối đa tới khi Bình Nhưỡng từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân.
Chính vì thế, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 2/2019 tại Việt Nam được kỳ vọng có thể khơi thông bế tắc cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, mang lại hòa bình và ổn định cho Triều Tiên.
Biểu tượng Việt Nam trong Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Theo ông, vì sao Việt Nam được chọn tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un?
Tôi cho rằng có nhiều lý do, trong đó Việt Nam có vị trí địa lý thuận tiện khá gần Triều Tiên, điều này giúp chủ tịch Kim Jong Un có thể di chuyển tới đây mà không cần nghỉ giữa đường hay mượn máy bay. Việt Nam cũng là nước trung lập, có quan hệ ngoại giao với cả Mỹ và Triều Tiên.
Điều quan trọng nhất là cả Mỹ và Triều Tiên đều thấy rằng Việt Nam phù hợp với lý tưởng của mình. Việt Nam được xem là hình mẫu khả thi cho sự phát triển kinh tế của Triều Tiên. Bên cạnh đó, chính quyền ông Trump cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Kim đi theo con đường thịnh vượng của Việt Nam.
Cả Việt Nam và Triều Tiên, đều từng trải qua chiến tranh với Mỹ. Hiện nay, chúng ta đã rất thành công trong việc đạt được những bước tiến mới trong quan hệ với Hoa Kỳ. Việt Nam còn là biểu tượng cho một tiến trình bước qua chiến tranh, khép lại quá khứ, mở cửa hội nhập và phát triển tiến lên. Tôi cho rằng, cái đó có thể là mô hình tham khảo để Triều Tiên và Mỹ cùng hướng tới.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây, chúng ta đã chứng tỏ và thể hiện đủ năng lực để tổ chức những sự kiện mang tầm vóc quốc tế. Chính vì thế, Việt Nam được xem là địa điểm phù hợp để tổ chức cuộc gặp gỡ lần này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un họp thượng đỉnh lần đầu tại Singapore. (Ảnh: Reuters) |
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được tổ chức tại Việt Nam, theo ông với tư cách là nước chủ nhà, chúng ta sẽ gặt hái được những gì?
Có thể nói rất nhiều nước muốn tổ chức sự kiện quan trọng, mang tính châu lục này nhưng cuối cùng thì Việt Nam được thống nhất lựa chọn. Điều này tiếp tục khẳng định vị thế ngày càng cao của đất nước, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với các vấn đề quốc tế.
Tôi cho rằng đây là một dịp tốt để Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh của đất nước, chứng minh mình là điểm đến an toàn, hòa bình, chính trị ổn định, có nền kinh tế hội nhập, phát triển với thế giới. Đặc biệt, việc cả Mỹ và Triều Tiên lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho Hội nghị thượng đỉnh lần 2 cũng cho thấy con đường đúng đắn mà Việt Nam đang lựa chọn. Trước đây có thể vẫn có những ý kiến hoài nghi về mô hình mà chúng ta theo đuổi nhưng qua sự kiện này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chúng ta đã phát triển, là quốc gia năng động, có lợi thế quan trọng trong quan hệ quốc tế.
Cụ thể, mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ cũng như Việt Nam và Triều Tiên thay đổi như thế nào sau sự kiện lần này, thưa ông?
Có thể nói trong hơn 20 năm qua, kể từ ngày bình thường hóa quan hệ, Việt Nam và Mỹ đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ. Hai nước từng bước thiết lập tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo tiền đề vững chắc để hai bên tiếp tục vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai và đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển. Tôi cho rằng, hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ một lần nữa ghi dấu ấn trong quan hệ hai bên. Từ đó, sẽ giúp hai nước thúc đẩy, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như: kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Đối với Triều Tiên, Việt Nam cũng có mối quan hệ hữu nghị, tốt đẹp trong nhiều năm qua. Năm 1950, chúng ta chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Triều Tiên mở ra chương mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước. Kể từ đó đến nay, Việt Nam – Triều Tiên thường xuyên duy trì quan hệ tốt đẹp. Sự kiện lần này một lần nữa giúp thắt chặt, củng cố thêm quan hệ hai nước.
Và nếu như sau cuộc gặp lần này, quan hệ Mỹ - Triều có những thỏa thuận mới thì rõ ràng Việt Nam cũng đã có đóng góp không nhỏ vào tiến trình này.
Tác giả: Hà Trang
Nguồn tin: Báo Dân trí