Một đơn vị xe tăng Triều Tiên trong chiến tranh liên Triều. (Ảnh: Getty) |
Sự hậu thuẫn của Liên Xô
Trong bất kỳ cuộc xung đột nào có khả năng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với một đối thủ “quen mặt”: Sư đoàn thiết giáp 105 của Quân Giải phóng Nhân dân Triều Tiên (KPA). Được trang bị những xe tăng và phương tiện bọc thép hiện đại nhất của Triều Tiên, Sư đoàn thiết giáp 105 có thể nhanh chóng chọc thủng phòng tuyến và tiến sâu vào trung tâm của lãnh thổ Hàn Quốc.
Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, bán đảo Triều Tiên bị chia cắt tại vĩ tuyến 38 với lực lượng Liên Xô hậu thuẫn cho Triều Tiên ở phía bắc trong khi lực lượng Mỹ và các đồng minh phương Tây hỗ trợ cho Hàn Quốc ở phía nam. Liên Xô khi đó bắt đầu huấn luyện và cung cấp trang thiết bị quân sự cho quân đội Triều Tiên, đưa lực lượng này nhanh chóng phát triển thành 10 sư đoàn và một lữ đoàn thiết giáp là lữ đoàn 105.
Lữ đoàn Thiết giáp 105 có tiền thân là Trung đoàn Xe tăng 15 - một đơn vị xe tăng do Hồng Quân thành lập vào năm 1948 dưới sự chỉ huy của Đại tá Yu Kyong Su - cựu Trung úy Hồng quân và là anh rể của phu nhân cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Nhiều binh sĩ thuộc Trung đoàn Xe tăng 15 là các cựu binh từng chiến đấu cho quân đội Liên Xô và Trung Quốc. Từ một nhóm nhỏ chỉ với vài quân nhân Triều Tiên và Liên Xô cùng 2 xe tăng T-34, Trung đoàn Xe tăng 15 đã trở thành Lữ đoàn Thiết giáp 105 với 120 xe tăng T-34.
Lữ đoàn thiết giáp 105 được xem là lực lượng mũi nhọn của quân đội Triều Tiên trong kế hoạch thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng xe tăng T-34/85. Là phiên bản cuối cùng của dòng xe tăng T-34 nổi tiếng, T-34/85 được trang bị pháo chống tăng và phòng không ZIS-S-53 cỡ nòng 85mm và là vũ khí chủ lực của Hồng quân khi tiến vào Berlin. Mặc dù được thiết kế với lớp giáp mỏng hơn mẫu xe tăng M26 Pershing của Mỹ, nhưng T-34/85 được trang bị hỏa lực đủ mạnh để xuyên giáp M26 Pershing ở khoảng cách gần 1.000m.
Lữ đoàn thiết giáp 105 được chia thành 3 tiểu đoàn xe tăng, lần lượt mang số hiệu 107, 109 và 203, mỗi tiểu đoàn có 40 xe tăng. Một tiểu đoàn khác mang số hiệu 308 được trang bị 16 pháo tự hành SU-76 và được Trung đoàn Bộ binh Cơ giới 206 hỗ trợ tác chiến.
Chiến tranh liên Triều
Các binh sĩ Hàn Quốc đi qua xe tăng của Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên. (Ảnh: Getty) |
Vào tháng 6/1950, các lực lượng của quân đội Triều Tiên đã tràn xuống phía nam, tấn công lực lượng quân đội Hàn Quốc vốn chỉ được vũ trang yếu ớt. Quân đội Hàn Quốc khi đó chủ yếu là lực lượng bộ binh và không có một đơn vị thiết giáp nào để có thể đối phó với Lữ đoàn thiết giáp 105 của Triều Tiên. Hàn Quốc và Mỹ chỉ có 37 xe thiết giáp M8 Greyhound lỗi thời và 140 súng chống tăng cỡ 57mm cũ kỹ. Các lực lượng bộ binh Hàn Quốc được trang bị 1.900 khẩu bazooka nhưng các vũ khí này đều bị coi là lỗi thời từ năm 1944, chứ chưa nói đến thời điểm năm 1950. Rõ ràng, uy lực của vũ khí Hàn Quốc không thể so sánh với sức mạnh của tăng T-34/85.
Vào thời điểm đó, Lữ đoàn thiết giáp 105 không chiến đấu theo đội hình tập trung mà chia nhỏ thành các trung đoàn để hỗ trợ cho thiết giáp cho các sư đoàn bộ binh của quân đội Triều Tiên. 3 sư đoàn đã tham gia các cuộc tấn công nghiền nát Sư đoàn Bộ binh số 1 và số 7 của Hàn Quốc. Mặc dù các xe tăng của Triều Tiên cũng bị hư hại do trúng đạn chống tăng của đối phương, song không có chiếc nào bị hỏng hoàn toàn.
Các xe tăng Triều Tiên sau đó tiếp tục tiến vào thủ đô Seoul và chiếm đóng thành phố này trong ngày thứ 4 của cuộc chiến. Tuy nhiên do thiếu sự hỗ trợ về kỹ thuật, các xe tăng này buộc phải rút về khu vực phía bắc của sông Hàn vào ngày 3/7. Sau trận chiến này, Lữ đoàn thiết giáp 105 được nâng cấp thành Sư đoàn thiết giáp 105.
Sư đoàn thiết giáp 105 sau đó tiếp tục đối mặt với lực lượng tác chiến đầu tiên của Mỹ. Được đưa bằng máy bay từ Nhật Bản sang, đặc nhiệm tác chiến Smith của Mỹ được chia thành Tiểu đoàn số 1, Trung đoàn Bộ binh số 21 và Sư đoàn Bộ binh số 24, song uy lực của lực lượng này đều yếu ớt. Sư đoàn Bộ binh số 24 chỉ được trang bị những vũ khí nghèo nàn, trong khi các vũ khí chống tăng của đặc nhiệm Smith cũng rất ít.
Lực lượng đặc nhiệm Smith đã phải đối mặt với đội hình gồm 33 xe tăng T-34 của Trung đoàn thiết giáp số 107 cùng trung đoàn số 16 và số 18 thuộc Sư đoàn Bộ binh số 4 của quân đội Triều Tiên. Đặc nhiệm Mỹ nhanh chóng bị đánh bại hoàn toàn, chỉ vô hiệu hóa 4 xe tăng Triều Tiên, trong khi tổn thất của Mỹ lên tới 150 người chết và bị thương.
Tổn thất nặng nề
Xe tăng Triều Tiên diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters) |
Sư đoàn thiết giáp 105 tiếp tục đà tiến tại Hàn Quốc, song cũng phải đối mặt với không lực của lực lượng Liên Hợp Quốc. Các lực lượng Liên Hợp Quốc với sự tham gia của Mỹ và các đồng minh ngày càng đưa đến cuộc chiến nhiều loại vũ khí hạng nặng hơn, bao gồm các xe tăng M26 Pershing và súng bazooka khiến Triều Tiên hứng chịu nhiều tổn thất lớn hơn.
Tại khu vực Obong-Ni, 4 chiếc M-26 đã phá hủy 3 chiếc T-35/85. Trong trận Tabu-dong, bộ binh Mỹ và xe tăng Pershing đã nghiền nát 13 chiếc T-34 và 5 pháo tự hành SU-76 của Trung đoàn Thiết giáp số 107 của Triều Tiên trong hai ngày chiến đấu.
Trong đợt tấn công cuối cùng ở Pusan với sự tham gia của 100 xe tăng, Triều Tiên đã thất bại nặng nề. Liên Hợp Quốc ước tính quân đội Triều Tiên đã mất 239 xe tăng trong khi Mỹ và các đồng minh chỉ mất 60 xe tăng. Lực lượng thiết giáp Triều Tiên đã bị đánh bại hoàn toàn dù chiếm thế thượng phong trong giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Sau quá trình tái cơ cấu, Sư đoàn thiết giáp 105 ngày nay được xem là lực lượng tác chiến mạnh nhất và hiện đại nhất của Triều Tiên. Sư đoàn này được chia thành hai lữ đoàn xe tăng, một lữ đoàn bộ binh cơ giới hóa và là một bộ phận của Quân đoàn thiết giáp thứ 820. Xe tăng chiến đấu chủ lực của sư đoàn là “Cơn bão” Pokpung-ho.
Tác giả: Thành Đạt
Nguồn tin: Báo Dân trí