Trao đổi với VnExpress, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cho biết cơ quan này vừa phát công văn đề nghị thanh tra của 2 Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội và TP HCM kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo của Công ty Uber Việt Nam, cụ thể là cụm từ “Sài Gòn thất thủ” của Uber được sử dụng sau trận mưa lớn tại TP HCM hôm 26/9 vừa qua. Vào thời điểm đó, Uber cũng áp dụng biểu giá linh động do điều kiện thời tiết xấu, giao thông tắc nghẽn, nhiều hành khách cùng yêu cầu xe… khiến giá cước tăng mức kỷ lục, gấp 3-5 lần, lên hơn 70.000 đồng một km. Cùng thời điểm đó, trên fanpage Facebook tại Việt Nam, Uber quảng cáo “Sài Gòn thất thủ nhưng Uber không thất thủ”.
Theo đó, Cục Văn hóa Cơ sở cho rằng cụm từ “Sài Gòn thất thủ” là cách gọi của báo chí phương Tây gắn với sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, khi chính quyền Việt Nam cộng hòa sụp đổ. Còn hiện nay, TP HCM là trung tâm kinh tế của Việt Nam, đang phát triển vững mạnh. Do vậy, việc sử dụng cụm từ này để quảng cáo cho dịch vụ của Uber khiến người tiếp nhận liên tưởng đến chiến tranh và gắn với sự suy thoái, sụp đổ của chính quyền trước đây là “không phù hợp”. Bà Thủy cũng cho biết việc sử dụng cụm từ này của Uber vi phạm Luật Quảng cáo.
Uber Việt Nam cho biết đã ngừng sử dụng cụm từ “Sài Gòn thất thủ” để quảng cáo. |
Đại diện Uber Việt Nam cho biết chưa nhận được văn bản nói trên của cơ quan quản lý nên chưa thể đưa ra quan điểm. Tuy nhiên, vị này cũng cho biết Uber hiện đã ngừng việc sử dụng cụm từ trên trong các quảng cáo.
Ra đời năm 2009 tại Mỹ và chính thức hoạt động năm 2010, ứng dụng Uber được xây dựng dành cho người dùng thiết bị di động thông minh có thể tìm kiếm một phương tiện chuyên chở thích hợp cho mình, cũng như tài xế có thể tìm thấy khách hàng nhanh nhất, giảm thiểu chi phí. Khi sử dụng phương tiện qua dịch vụ Uber, người dùng sẽ không trả phí trực tiếp bằng tiền mặt mà thanh toán thông qua thẻ tín dụng cá nhân.
Mô hình kinh doanh của Uber có mặt tại TP HCM từ giữa 2014. Từ đó đến nay, việc thu thuế đối với mô hình này cũng gây ra rất nhiều tranh cãi. Phải đến tháng 8 vừa qua, sau hơn 2 năm hoạt động, lần đầu tiên Uber nộp thuế tại Việt Nam.