Kinh tế

“Tỷ phú đôla” Việt: Người làm điện thoại, người sắm máy bay

Trong khi thanh khoản thị trường “tụt áp”, các chỉ số đang giằng co quanh ngưỡng tham chiếu thì FLC và VIC đều tăng giá sáng 13/6 sau khi lãnh đạo các công ty này công bố kế hoạch tham vọng cho thời gian tới.

Thị trường chứng khoán sáng nay (13/6) vẫn tiếp tục rung lắc mạnh và hai chỉ số đều tạm nghỉ trưa dưới mốc tham chiếu.

VN-Index mất 1,63 điểm tương ứng 0,16% còn 1.019,13 điểm. Trên sàn HSX có 126 mã giảm, 6 mã giảm sàn so với 113 mã tăng. HNX-Index giảm 0,39 điểm tương ứng 0,33% còn 116,1 điểm mặc dù vẫn có tới 65 mã tăng so với 52 mã giảm.

Diễn biến này mặc dù chưa khẳng định được xu hướng phục hồi của thị trường liệu có được khởi động lại hay chưa, sóng đã phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã ổn định hơn. Hôm qua, VN-Index giảm mạnh hơn 18 điểm (thậm chí có khi mất hơn 34 điểm) đã khiến vốn hoá thị trường của sàn HSX giảm hơn 57.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc hơn 2,5 tỷ USD bị “đánh bay” khỏi thị trường chứng khoán.

Kế hoạch sản xuất smartphone của tỷ Phạm Nhật Vượng và đưa Bamboo Airways đi vào hoạt động năm 2018 của tỷ phú Trịnh Văn Quyết gây chú ý với giới đầu tư cổ phiếu

Sáng nay, một số mã lớn vẫn đang diễn biến không mấy tích cực. VNM mất 800 đồng, NVL mất 1.300 đồng, SAB mất 4.900 đồng… BID, BVH, CTG, MBB, PNJ, VPB… đỏ giá cũng góp phần kìm hãm chỉ số hồi phục trở lại.

Trái ngược với diễn biến giảm giá hôm qua, sáng nay, cổ phiếu FLC phục hồi nhẹ. Trong khi đó, VIC nối tiếp chuỗi tăng và đã tăng thêm 800 đồng.

Trong ngày hôm qua, ông Trịnh Văn Quyết đã tuyên bố trước Đại hội đồng cổ đông sẽ có 20 máy bay trong năm 2018, 24 chiếc máy bay A321NEO mà FLC mua từ Airbus sẽ bắt đầu bàn giao cho từ năm 2019-2023. Vị tỷ phú còn khẳng định, “trong năm 2018 chắc chắn Bamboo Airways sẽ được cơ quan quản lý cấp phép hoạt động và sẽ có chuyến bay đầu tiên”.

Cùng ngày hôm qua, Tập đoàn Vingroup cũng chính thức công bố triển khai kế hoạch sản xuất các thiết bị điện tử, khởi điểm là điện thoại thông minh thương hiệu Vsmart. Tập đoàn này đã thành lập Công ty VinSmart, với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng.

Công ty VinSmart sẽ hoạt động trong 2 lĩnh vực chính. Thứ nhất, sản xuất các thiết bị điện tử thông minh, mở đầu là sản xuất điện thoại thông minh với thương hiệu Vsmart. Thứ hai, nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và nguyên liệu thế hệ mới.

Trong khi các chỉ số giảm nhẹ thì thanh khoản thị trường lại sụt giảm mạnh. Khối lượng giao dịch trên HSX lẹt đẹt ở mức hơn 62,4 triệu cổ phiếu tương ứng 2.077,9 tỷ đồng, còn tại HNX là 17,5 triệu cổ phiếu tương ứng 221 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán HSC, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 6 phiên trong 7 phiên vừa qua, trong đó hầu hết các phiên khối ngoại chỉ bán ròng nhẹ nhưng điều này đã dần ảnh hưởng đến tâm lý chung trên thị trường. Đây có thể là do một số nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về các thị trường sơ khai trước dự kiến Fed nâng lãi suất thêm 0,25% trong vài ngày tới.

Xét về phương diện phân tích kỹ thuật, chuyên viên phân tích của HSC chỉ ra rằng, hiện đường MA 20 ngày đang ở dưới đường MA 50 ngày, từ đó mốc 1.050 trở thành ngưỡng kháng cự mạnh mà thị trường cho đến nay vẫn không thể vượt qua. Điều này có nghĩa là về mặt phân tích kỹ thuật xu hướng trước mắt nghiêng về giảm. Nếu VN-Index phá vỡ mốc 1.020 thì ngưỡng hỗ trợ mạnh tiếp theo là 985.

Và cho đến khi nhà đầu tư ngoại còn bán ròng thì thị trường sẽ khó mà cầm cự lâu hơn vài phiên. Hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh sôi động trong những tháng gần đây cũng có ảnh hưởng đến thị trường.

Theo nhận định của HSC, phiên hôm nay sẽ là một phiên đáng chú ý. “VN-Index sẽ cần nhanh chóng bật trở lại và tạo ra một khoảng cách với mốc 1020 nhằm lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư. Bằng không, thì chắc chắn VN-Index sẽ chọc thủng hỗ trợ và thị trường nhiều khả năng sẽ kiểm định lại mốc 985, và có lẽ sẽ còn kiểm định các mốc thấp hơn” – HSC lo ngại.

Tác giả: Mai Chi

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP