Bởi lẽ, sau khi Báo NNVN đăng loạt phóng sự điều tra “Gánh nặng quê nghèo” và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh giao UBND tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, xử lý, báo cáo trước ngày 1/8/2015.
Vẫn thu tiền hộ nghèo để làm GTNT
Tại cuộc họp đột xuất ở thôn Đông Nam do Văn phòng BCĐ xây dựng NTM Hà Tĩnh chủ trì ngày 21/7/2015, ông Nguyễn Sỹ Nhân – một nông dân trong thôn đứng lên hỏi: Theo tôi được biết, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các địa phương không được thu tiền hộ nghèo để làm đường bê tông nông thôn. Thế nhưng ở đây, hộ nghèo nào cũng phải đóng mỗi khẩu 200.000 đồng như các gia đình khác. Có trường hợp nghèo đặc biệt như chị Trần Thị Thành thôn vẫn cứ thu.
Thông tin ấy khiến rất nhiều lãnh đạo Văn phòng BCĐ NTM của tỉnh, huyện và cánh nhà báo chúng tôi thực sự bất ngờ. Ông Đường Hồng Lam – Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thường Nga vội cắt ngang: Chị Thành có đồng ý cho thu không? Ông Nhân trả lời: Có được biết mô mà đồng ý với không.
Sau cuộc họp, chúng tôi lập tức tìm đến gia đình mà ông Nhân gọi bằng cụm từ “nghèo đặc biệt” để tìm hiểu thực hư chuyện đóng góp và quy chế dân chủ. Căn nhà gia đình chị Trần Thị Thành (43 tuổi) quả xứng đáng với từ ngữ mà ông Nhân miêu tả. Nó toang hoác, trống trơ và gần như không có bất cứ vật dụng gì có thể xem là giá trị. Sau cuộc họp đột xuất ở hội quán, chị Thành luôn lo sợ không biết thông tin ra như thế có bị thù hằn gì không.
Trong phương án thu sản vụ ĐX năm 2015, mặc dù chị Thành có sổ hộ nghèo nhưng trong phần thu của thôn ghi rõ: Tiền làm đường bê tông 1.000.000 đồng, nợ vụ hè thu 600.000 đồng. Phải nộp ở xã 1.618.000 đồng. Tổng cộng hộ nghèo này phải nộp hơn 3.000.000 đồng trong chiến dịch vừa rồi.
Nhà chị Thành có hơn sào ruộng, vụ tốt được tầm 3 tạ thóc, vụ xấu chỉ chừng 1,5 tạ, nhưng có đến 5 khẩu nằm trong diện phải thu. Chỉ mỗi mình chị trong độ tuổi lao động. Chồng chị là Nguyễn Công Sinh mất từ hai năm trước, để lại một mình chị với 4 đứa con. Đứa lớn 14 tuổi. Ham học lắm. Nhưng vì hoàn cảnh quá đỗi bi đát nên đành bỏ dở, phiêu bạt tận miền Nam kiếm miếng ăn. Một căn nhà dường như chỉ toàn nước mắt!
Sự thật là người đàn bà khốn khổ này không hề biết qui định hộ nghèo thì được miễn khoản đóng xây dựng đường bê tông nông thôn… Chị kể: Khi họp dân, nghe ông trưởng thôn nói hộ nghèo vẫn phải nộp thì tui nghĩ đó là qui định rồi. Hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình tui thôn này ai mà không biết. Nhà bây giờ chỉ còn 4 mẹ con. Tui đau ốm luôn, con cái còn 3 đứa đó, đứa 12 tuổi, đứa 8 tuổi, đứa 3 tuổi. Theo phương án thì đứa mô cũng phải đóng cả, biết lấy mô ra chú?
Khó ai trả lời được câu hỏi của chị Thành. Nhưng có thể chị ta phải nộp khoản tiền làm đường GTNT mà Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các địa phương không được thu của hộ nghèo. Bởi như lời chị kể, lần trước, không có tiền đóng nộp đầy đủ, chị bị xã biên giấy triệu tập lên trụ sở làm việc.
Ở Thường Nga, có cảm giác như việc triệu tập dân lên trụ sở làm việc rất dễ dãi. Chúng tôi quay lại căn nhà bà Lê Thị Hương ở thôn Văn Minh, người đàn bà khóc trong bài viết “Những giọt nước mắt trong chiến dịch thu ngân sách”, cùng chuyên đề này. Trong lần quay lại này, chúng tôi lại phải chứng kiến cảnh người đàn bà khắc khổ, ốm yếu thường xuyên tiếp tục phải rơi nước mắt.
Những tờ giấy nộp sản từ hàng chục năm vẫn được người dân Thường Nga cất giữ cẩn thận
Theo điều tra của PV, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau khi NNVN đăng tải bài viết đầu tiên, chồng bà Hương là ông Phan Văn Ngụ được mời lên trụ sở UBND xã Thường Nga để lập biên bản sự việc. Lúc 16h30 ngày 06/07/2015. Người lập biên bản là ông Nguyễn Sỹ Khoa, Phó trưởng công an xã, người chứng kiến biên bản là ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng ban Tài chính xã Thường Nga. Biên bản này có đoạn: “Sau khi nhận thông tin phản ánh sự việc của bài báo, chúng tôi trực tiếp thu thập thông tin và lập biên bản sự việc này để làm cơ sở giải quyết sự việc tiếp theo”.
Cuối biên bản là chữ ký nghệch ngoạc của ông Phan Văn Ngụ, người chồng mà bà Hương thừa nhận là đầu óc chậm chạp và không biết tính toán. “Các chú là đoàn thứ 6, thứ 7 về gặp gia đình tôi rồi”, giọng cực kỳ mệt mỏi, và bà lại khóc.
Nỗi đau của cả cuộc đời
Chúng tôi tự hỏi, những người như chị Thành, bà Hương có tội gì mà họ phải chịu đựng nhiều khổ sở đến vậy? Có lẽ là tội của cái nghèo. Nhưng họ, có lẽ chưa đến mức đau đớn như trường hợp ông Nguyễn Công Khoa (64 tuổi), một lão nông ở thôn Đông Nam.
Vẫn lưu giữ những tờ phương án thu sản từ hàng chục năm nay một cách cẩn thận. Ông Khoa nói rằng: Nó như một nỗi đau của cả cuộc đời ông. Ông Khoa từng là bộ đội. Phục viên tham gia công tác ở địa phương, từng làm công an viên ở xã. Hơn 10 năm tuổi Đảng, cũng có cống hiến cho địa phương, vậy mà cuối cùng ông bị khai trừ khỏi Đảng vì gia đình nợ 29 kg thóc sản, “đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Nguyễn Công Khoa – xóm Đông Nam vẫn nhớ như in năm tháng thăng trầm khi bị khai trừ Đảng
“Bị khai trừ khỏi Đảng, tôi không hề bất mãn vì dưới ngọn cờ Đảng tôi đã thề sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ. Nhưng cũng vì đói nghèo, khó khăn nên không hoàn thành được nghĩa vụ đóng nộp sản phẩm cho địa phương. Năm đó, gia đình không còn một hạt thóc, chạy lên rừng chặt củi về đổi từng lon gạo.
Khi bị khai trừ Đảng vì thiếu 29 kg thóc, tôi rất buồn, chỉ có một nguyện vọng được nghỉ sinh hoạt để con cái phải “gánh” tiếng xấu cha bị khai trừ Đảng, nhưng không được chấp thuận. Ông Bình Duệ, ông Tiến Sắc cũng thế… Bây giờ về làm quần chúng, cuộc họp nào tôi cũng tham gia, cũng đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân nhưng mà khó quá. Đề nghị cấp trên nghiên cứu xem có cách gì giúp dân chứ tiền nộp sản cao quá. Ví dụ như ruộng sâu trũng thì giảm cho dân một vụ, dân phản ánh nhiều mà không được tiếp thu.
Đứng từ QL 15A nhìn vào, xã Thường Nga hệt như một đại công trường đang xây dựng. Đường sá, những công trình ngổn ngang. Trong lòng nhân dân Thường Nga, họ kỳ vọng NTM sẽ thành công. Họ không tiếc công, tiếc của để đồng lòng xây dựng. Và họ cũng kỳ vọng, những khoản thu sai trái ở địa phương sẽ sớm được xử lý, trả lại công bằng cho người dân như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. |
Không chỉ “răn đe” để “thủ tiêu” đấu tranh, thủ tiêu tinh thần dân chủ, việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước tại xã Thường Nga còn nhiều điều không đúng với quy định. Trong các số báo trước chúng tôi đã đề cập khá kỹ. Nhân bàn đến việc vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở và sự “hách dịch” của cán bộ địa phương, chúng tôi muốn đưa ra câu chuyện sau đây để góp thêm lời bàn.
Trung tuần tháng 7/2012, trước khi lên đường vào miền Nam cưới vợ cho con trai, vợ chồng ông Nguyễn Công Bân – xóm 4 (nay là thôn Tây Bắc) đã đến gặp Bí thư Chi bộ và ông thôn trưởng xin được nộp chậm các khoản đóng góp vụ hè thu cho địa phương.
Tiếc thay, thẩm quyền quyết định lại không phải mấy ông lãnh đạo thôn mà do Chủ tịch UBND xã. Không thể chờ hồi âm, ông Bân đành mua vé tàu lên đường cho kịp đám cưới của con trai.
Đám cưới xong, vợ chồng ông không có thời gian ở lại chơi cùng các con ít ngày mà tức tốc về quê để lo tiền đóng nộp cho xã.
Ở nhà lúc này, loa thôn, loa xã đọc tên ông liên hồi và “đính kèm” câu, nếu nộp chậm sẽ bị phạt 5%.
Vừa xuống xe, vợ chồng ông lận túi quần ra còn được mấy đồng lẻ, lại phải chạy đôn chạy đáo vay mượn hàng xóm đủ số tiền 750.000 đồng mang lên xã nộp.
“So với quy định của xã thì lúc ấy tôi đến nộp đã chậm 6 tiếng đồng hồ và anh Kiên – kế toán trưởng ghi phiếu phạt 5%. Tôi bảo, gia đình có công chuyện, mong anh thông cảm.
Biên lai thu tiền của UBND xã Thường Nga trong đó có khoản phạt 5% đối với hộ Nguyễn Công Bân
Anh Kiên bảo tôi lên phòng gặp Chủ tịch xã để được giải quyết. Nghĩ bụng, vừa đi đám cưới con trai về, ông Chủ tịch sẽ miễn cho phần phạt nộp chậm ấy. Ai ngờ vừa trình bày xong, ông Chủ tịch phán dứt khoát đây là quy định chung nên không miễn cho bất kỳ trường hợp nào cả. Nghe vậy, tôi nói lại với ông Chủ tịch mấy câu rồi qua phòng kế toán nộp cho xong. Ra về ấm ức lắm. Mình tuổi cha chú, có lý do chính đáng, trình bày như vậy mà không được câu nói cho mát lòng” – ông Bân nhớ lại.