Giáo dục

Từ vụ bạo hành Mầm Xanh, càng thêm trăn trở về giáo dục mầm non

Việc một số cơ sở giáo dục từng bị phát hiện hoạt động không phép sau khi gây ra vụ việc bạo hành trẻ cũng như câu chuyện buồn ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh hôm nay cho thấy công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn nhiều lỗ hổng cần thay đổi.

Tôi vẫn nhớ cảm giác tức giận đến tột cùng của mình khi nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non bị trưng ra ánh sáng cách đây một vài năm trước. Những ác mẫu thời đó đã cho trẻ ăn cơm hòa nước mắt và đòn roi. Họ bế thốc trẻ cho vào các thùng phuy xanh đựng nước và luôn miệng mắng, nhiếc, đay, nghiến…

Hình phạt thích đáng cho những con người vô cảm ấy đã thực thi. Nhưng dường như những bản án nghiêm khắc của pháp luật cùng sự chỉ trích gay gắt từ dư luận chưa đủ sức đánh động, thức tỉnh lương tri, hành động của bao người…

Để rồi bạo hành trẻ mầm non trở thành từ khóa quá quen thuộc. Quen đến nỗi nhiều người nghe đến các vụ bạo hành trẻ đều phán “chuyện thường ngày ở huyện”. Vậy mà xem các clip trên báo Tuổi Trẻ về cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở quận 12 (TPHCM), cơn phẫn nộ trong tôi lại cuộn về như thác lũ.

“Vả vào mặt”, “đấm vào lưng”, “đạp vào người”, “đập chân xuống ghế đá”, “vụt dép”… Một loạt động từ mạnh cùng những hình ảnh xuất hiện trong clip như trêu ngươi, thách thức sức chịu đựng của con người. Đáng thương thay, người chịu đòn là những đứa trẻ tầm 2 tuổi đến 5 tuổi! Đáng giận thay, người ra đòn là ba giáo viên, bảo mẫu của một cơ sở mầm non tư thục!

Những đứa trẻ ngây thơ, vô tội ngày ngày hứng chịu những trận đòn bằng roi vọt và cả những ngôn từ đay nghiến, quát mắng, đe nẹt như thế ư? Các con ăn, chơi, tắm, ngủ, vệ sinh đều dàn dụa nước mắt như thế ư? Các con đã nếm vị đau đớn từ dép, cây lau nhà, vá múc canh, ống nhôm, lược, chổi và thậm chí là đã hứng cái “đét” vào đầu từ con dao bản rộng 10cm như thế ư?...

Ba mẹ các con là những công nhân vất vả suốt ngày ở các xí nghiệp, nhà máy nào đâu hay, nào đâu biết núm ruột của mình gửi nhầm cho “ác quỹ”. Ba mẹ các con bị đánh lừa bởi nụ cười đón cháu mỗi sáng của những con người dường như mất hết lương tri.

Lương công nhân ba cọc ba đồng, nào dám mơ tưởng đến trường tư thục chất lượng cao? Đa số công nhân ngoại tỉnh, nào chen chân vào được hệ thống trường công lập vốn quá tải và ưu tiên số một cho hộ khẩu thường trú?

Vậy là lựa chọn cuối cùng và duy nhất chính là các trường mầm non tư thục, các cơ sở trông giữ trẻ tự phát, thậm chí là hoạt động chui, chẳng có giấy phép. Chất lượng giáo dục không đảm bảo, cơ sở vật chất thiếu thốn, mức độ rủi ro cao, nhưng còn cách nào khác đâu, đành “nhắm mắt đưa chân”!

Bỏ qua chuyện chuyên môn và không dám bàn đến lương tâm nghề giáo, chỉ cần nhìn những hành xử nhẫn tâm lặp đi lặp lại của ba cô bảo mẫu kia, chúng ta đủ thấy họ không khác gì “quỹ dữ”. Tôi kính đề nghị cơ quan chức năng cần có một mức hình phạt đủ sức răn đe tội ác. Đừng để những giọt nước mắt muộn màng, những lời hối lỗi và cả sự biện hộ: “Chị thấy chị làm việc như vậy là quá sai rồi” hay “Một phút nóng nảy mà để xảy ra chuyện như vậy là rất đau lòng” có cơ hội xoa dịu lỗi lầm.

Bên cạnh đó, chúng ta đều biết giáo dục là một ngành đặc thù, giáo dục mầm non lại có những đặc trưng riêng biệt nhưng tầm quan trọng của cấp học chưa được nhìn nhận và đặt ở một vị thế tương xứng. Hệ thống trường mầm non công lập ít ỏi chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội dẫn đến tình trạng cơ sở mầm non tư thục, các cơ sở giữ trẻ tự phát ào ạt mọc lên.

Vấn đề là vai trò quản lý, giám sát của cơ quan chức năng như thế nào để tất cả các hoạt động ở trường công lập hay tư thục đều đi đúng quỹ đạo và hạn chế các biểu hiện tiêu cực, phản cảm.

Việc một số cơ sở giáo dục bị phát hiện hoạt động không phép sau khi gây ra vụ việc bạo hành trẻ cũng như câu chuyện buồn ở cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh hôm nay cho thấy công tác quản lý, giám sát, thanh kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn nhiều lỗ hổng cần thay đổi.

Điều dư luận đang mong ngóng lúc này chính là những nỗ lực giám sát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục mầm non từ cơ quan chức năng. Thêm vào đó là quan tâm đúng mức đến những chính sách an sinh đối với đời sống đội ngũ công nhân.

Việc mở các trường nuôi dạy trẻ trong khu công nghiệp hay nới rộng chính sách ưu tiên con em công nhân vào các trường công lập cần được nghiên cứu và triển khai. Đó sẽ là động lực tạo niềm tin cho toàn xã hội về sự an toàn, bình đẳng trong giáo dục nước nhà!

Tác giả: Ngọc Hùng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP