Đó là trung úy Lê Quang Dũng, trinh sát viên đội đặc nhiệm Phòng phòng chống tội phạm ma túy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh.
Những đêm nằm rừng
32 tuổi, cao 1,74m, nặng 77 kg với ánh mắt sắc, trung úy Dũng là khắc tinh đối với tội phạm ma túy dọc rừng biên giới Việt – Lào.
Kể chuyện “đánh án”, Dũng nói nhớ nhất là những đêm dài mật phục. Đó là những đêm người lính trinh sát biên phòng phải nằm rừng để bẫy đối tượng lọt vào ổ phục kích. Muỗi, vắt bám lên cổ, lên mặt không ngán, chỉ ngán nhất là khi giẫm phải rắn độc nhưng vẫn không dám bấm đèn pin vì sợ lộ, hoặc ban ngày khi luồn rừng phải né tránh những con trăn, rắn vắt vẻo trên cành cây. Có trận biết sẽ “nằm rừng” dài ngày nhưng không thể mang theo gạo nấu cơm nên mang mì gói để nhai, uống nước suối rừng.
Nhưng có khi đến nước suối cũng không có mà uống, vậy là liếm nước trên lá rừng. Hết mì gói thì tìm thêm bắp chuối rừng ăn cho đỡ đói. Trung úy Dũng nói: “Hầu như không đêm nào nằm rừng mà chợp mắt được. Người nào yêu nghề và thường nghĩ tới cảnh những gia đình có con cái nghiện ma túy cực nhục ra sao mới hiểu được công việc đối mặt với cái chết rất thầm lặng này”.
Đến nay, Dũng không thể nhớ hết 24 chuyên án đã trải qua vì “nhiều trận quá mà trận nào cũng căng thẳng, quyết liệt”, nhưng có những trận không thể nào quên được.
Một lần mang bí danh 708M diễn ra ngày 10-4-2010 trong vùng rừng cách thị trấn Lạc Xao (tỉnh Bolikhamxai, Lào) 20km. Lần đó, bốn tổ cảnh giới, chặn đầu, khóa đuôi và tổ đánh bắt phải luồn đèo lội suối, khi dốc cao khi đèo sâu để quan sát và tính phương án đánh bắt. Tội phạm ma túy thường chọn những miền hiểm trở để hoạt động, vì chúng nghĩ bộ đội, trinh sát không có gan và sự liều lĩnh lao vào những nơi gian khổ.
Sau hai ngày đêm, đến nhập nhoạng sáng ngày thứ ba, trinh sát phát hiện ba đối tượng đi trên hai xe máy rẽ vào lối mòn độc đạo nơi biên phòng đang chờ sẵn. Trung úy Dũng bàn với anh em trong tổ đánh bắt “khi được lệnh của chỉ huy thì phải nhanh tay đánh thật bất ngờ đối tượng đi đầu vì nó mang hàng”.
Khi đối tượng thứ nhất trờ đến, trung úy Dũng lao ra, phi người quật ngã đối tượng lẫn xe máy. Tên này hung hãn rút dao, ngay tức khắc Dũng khóa tay cầm dao của đối tượng. Ba tổ còn lại cũng bao vây hai đối tượng đi sau trong cảnh chúng chống trả loạn xạ. Trời mù sương, khó phân biệt địch – ta. Có khi những cú tấn công sát sạt, chợt nghe “tôi là biên phòng đây”. Lúc đó anh em mới dám bấm đèn pin để tránh một pha đánh nhầm trong cảnh rừng rú mù sương. Trận đó, Dũng và đồng đội bắt ba đối tượng, thu giữ 20 bánh heroin.
Trước đó đêm 13-6-2009, trung úy Dũng và đồng đội thực hiện chuyên án 405N cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo 1km. Trận này đối tượng đi đầu xuất hiện đúng theo dự định của trinh sát. Và đợi đến khi đối tượng gần xáp mặt là trung úy Dũng lao ra quật ngã. Anh kể: “Sau khi tôi ra đòn thì được anh em hỗ trợ ngay nhưng đối tượng vùng vẫy hết sức. Đêm ấy trăng sáng, khi khống chế đối tượng, tôi phát hiện y thò tay vào bụng rút một quả lựu đạn. Rất nhanh, tôi khóa tay, nếu không chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Vừa lúc toán đối tượng đi sau bắn vào đội hình biên phòng nhưng có lẽ vừa bắn vừa chạy nên không ai thương vong.
Cơ duyên đến với biên phòng
Chuyện “đánh án” khiến trung úy Dũng nhớ về năm 2001 khi thi rớt đại học nên đi làm thợ xây. Một lần ngồi nghỉ bên đống vữa vừa trộn, chàng trai sực nhớ những phóng sự truyền hình trên VTV1 về lực lượng biên phòng. Lại nghĩ “bố từng làm xã đội trưởng, mẹ là dân công hỏa tuyến thời chiến tranh, mình phải làm việc gì đó có ích hơn, không nỡ đi làm thợ xây mãi được”. Thế là năm 2002 chàng trai lên đường nhập ngũ và đi học Trường trung cấp Trinh sát Tổng cục 2 ở Sơn Tây (Hà Nội). Năm 2005 về công tác tại Phòng phòng chống ma túy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, sau đó thi vào Học viện Biên phòng.
Vợ Dũng là giáo viên, vợ chồng có hai con nhỏ. Dũng nói mỗi lần đi “đánh án” là không liên lạc với nhà, vợ biết nên lo lắm. “Giờ đã quen, hễ ba, bốn hôm không thấy tôi gọi điện là vợ biết thế nào cũng đang đi “đánh án”. Sau mỗi chuyến đi về, vợ chỉ nói một câu: đánh xong rồi anh nhắn một tin về là mẹ con yên tâm”.
Điều này khiến tôi sực nhớ khi vào Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh hỏi một số anh em về trung úy Lê Quang Dũng nhưng không mấy ai biết. Trung úy Dũng giải thích: “Mấy lần đi báo cáo điển hình ở Hà Nội, các phóng viên biết ý nên không ai chụp ảnh mà chỉ phỏng vấn thôi. Lần này được lệnh của chỉ huy nên nhà báo được chụp ảnh đấy!”.
Nhiều cấp khen Thượng tá Võ Trọng Hải – chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh – cho biết: “Trung úy trinh sát Lê Quang Dũng là sĩ quan dũng cảm, không quan ngại gian khổ và rất nhanh nhẹn nên trong những trận “đánh án” luôn có chiến công. Các cấp từ Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Trung ương Đoàn, UBND tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh tặng nhiều giấy khen và bằng khen. Đặc biệt, năm 2012 trung úy Dũng được tặng Huy chương Lao động hạng ba của nước bạn Lào”. |
VŨ TOÀN