Tờ Wall Street Journal ngày 2/11 đưa tin, Trung Quốc và Mỹ sẽ thảo luận về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân vào tuần tới. Đây sẽ là cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai siêu cường quân sự về vũ khí hạt nhân kể từ thời Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo cùng ngày lại không nêu rõ việc tổ chức "các cuộc tham vấn về kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân" với Mỹ trong những ngày tới. Các cuộc đàm phán sắp tới diễn ra khi vấn đề hạt nhân của Trung Quốc tiếp tục thu hút sự chú ý ở Trung Quốc và cũng như từ Mỹ
Vậy hiện nay Trung Quốc sở hữu bao nhiêu đầu đạn hạt nhân?
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc trong lễ duyệt binh vào năm 2019. (Ảnh: AP) |
Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc
Hiện tại Trung Quốc là một trong năm quốc gia chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng Bắc Kinh từ trước đến nay chưa từng cung cấp bất kỳ thông tin nào về lực lượng hạt nhân của nước này. Ngoài Trung Quốc, danh sách còn có Nga, Mỹ, Anh và Pháp.
Do Bắc Kinh vẫn kín tiếng về vấn đề này, thông tin liên quan chỉ có thể được lấy từ báo chí và các báo cáo hàng năm do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, với các nguồn dữ liệu chưa thể được xác minh.
Trong báo cáo của Lầu Năm Góc vào tháng 10 về tiềm lực quân sự của Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc hiện sở hữu hơn 500 đầu đạn hạt nhân đang hoạt động. Báo cáo còn nhận định Trung Quốc đang tích cực tiến tới việc tăng cường kho vũ khí của mình, với dự đoán Bắc Kinh có thể sở hữu hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030.
Các phương tiện truyền thông dẫn lời một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ nói rằng Washington nhận thấy Trung Quốc đang tiếp tục hiện đại hóa, đa dạng hóa và mở rộng lực lượng hạt nhân của mình nhanh chóng.
“Những gì Trung Quốc đang làm bây giờ nếu bạn so sánh với những gì họ đã làm khoảng một thập kỷ trước nó thực sự vượt xa cả về quy mô và độ phức tạp”, quan chức này nói thêm.
“Họ đang mở rộng và đầu tư vào các nền tảng triển khai vũ khí hạt nhân trên đất liền, trên biển và trên không, cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ việc mở rộng lực lượng hạt nhân này”.
Còn báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ năm ngoái về kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đưa ra cảnh báo rằng Bắc Kinh đang nhanh chóng hiện đại hóa lực lượng hạt nhân với mục tiêu tăng số lượng đầu đạn mà nước này có lên 1.500 vào năm 2035.
Ngược lại, báo cáo của Lầu Năm Góc từ năm 2021 lại cho biết rằng tốc độ mở rộng lực lượng hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc có thể cho phép Bắc Kinh sở hữu tới 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và 1.000 đầu đạn vào năm 2030, gấp 2,5 lần so với ước tính trước đây.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thường xuyên lập luận trong cuộc khảo sát rằng Trung Quốc đã mở rộng kho vũ khí hạt nhân của mình nhanh hơn nhiều so với dự đoán.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ trích báo cáo của Lầu Năm Góc rằng "giống như những báo cáo tương tự trước đó, phớt lờ sự thật và đầy thành kiến".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chỉ ra rằng Bắc Kinh đã “thực hiện kiềm chế tối đa trong việc phát triển năng lực hạt nhân”. Đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã “giữ những khả năng đó ở mức tối thiểu theo yêu cầu của an ninh quốc gia”.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc cũng phản bác lại báo cáo này và nhấn mạnh rằng "không ai kiểm chứng tính chính xác của những số liệu mà Lầu Năm Góc đưa ra". Theo tờ báo này, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc “là một trong những bí mật quốc gia hàng đầu, bất kỳ mô tả nào về việc xây dựng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc bởi Washington đều chỉ mang tính suy đoán”.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc chỉ khoảng 410 đầu đạn, thấp hơn nhiều so với báo cáo của Mỹ. (Ảnh: Al Jazeera) |
Kho vũ khí hạt nhân Trung Quốc tăng gấp ba vào năm 2030?
Các nguồn tin riêng biệt cho rằng Trung Quốc hiện chỉ duy trì khoảng 300 hoặc 350 đầu đạn hạt nhân có thể được phóng bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), bao gồm Dong Feng (DF)-4, DF-5A, DF-31, DF-31A. và DF-41.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có ICBM tầm trung siêu thanh DF-17 mà Bắc Kinh tuyên bố có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Theo Viện nghiên cứu chiến lược có trụ sở tại London, các phương tiện vận chuyển hạt nhân của Trung Quốc còn bao gồm tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Type-094 và Type-096 cũng như máy bay ném bom H-6 và H-6K cùng với H- thế hệ mới. Khoảng 20 máy bay ném bom chiến lược.
Trong khi đó, hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản đưa tin rằng Trung Quốc đang xem xét tăng gấp ba lần kho dự trữ đầu đạn hạt nhân hiện tại lên 900 vào năm 2035, do căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington dự kiến sẽ leo thang hơn nữa về vấn đề Đài Loan.
Kyodo dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết số lượng đầu đạn hạt nhân mà Trung Quốc nắm giữ có khả năng tăng lên 550 vào năm 2027. Các nguồn tin cho rằng kế hoạch tăng cường số lượng đầu đạn hạt nhân do quân đội Trung Quốc vạch ra đã được Chủ tịch Tập Cận Bình phê duyệt.
Phát biểu về việc Trung Quốc có xu hướng mở rộng kho vũ khí hạt nhân, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã chỉ ra vào tháng trước rằng việc Bắc Kinh xây dựng tiềm năng hạt nhân không khiến Nga lo ngại.
“Nga không lo ngại điều này, chúng tôi có mối quan hệ đối tác chiến lược tiên tiến với Trung Quốc”, ông Peskov nói trong một cuộc họp báo khi trả lời một câu hỏi liên quan.
“Chúng ta đang ở giai đoạn đối thoại chính trị và hợp tác kinh tế tiên tiến nhất, và kể trong hợp tác quân sự. Trung Quốc đang phải đương đầu với những thách thức rất nghiêm trọng đối với an ninh của chính mình trong khu vực và họ đang thực hiện các bước cảm thấy là phù hợp. Đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc", người phát ngôn Điện Kremlin nhấn mạnh.
Tác giả: TRÀ KHÁNH
Nguồn tin: Báo VTC News