Năm nào cũng vậy, sau mỗi mùa thi nhan sắc, ban tổ chức lại nhận được hàng tá đơn khiếu nại, tố cáo xung quanh các người đẹp. Như vậy góc khuất đằng sau chiếc vương miện lung linh không hề đơn giản.
Con đường đi đến vương miện hoa hậu không dễ dàng, bởi đó là cả một quá trình các người đẹp rèn luyện phấn đấu. Tại một số nước, người đi thi nhan sắc được rèn luyện từ tấm bé. Trong khi đó, tại Việt Nam, việc rèn luyện, đào tạo hoa hậu chưa được chú trọng.
Scandal từ trên xuống dưới
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 để lại nhiều điều tiếng, bởi hàng loạt chuyện ném đá, lùm xùm khiến dư luận bất bình. Vừa đăng quang ở tuổi 18, cô gái Nguyễn Cao Kỳ Duyên, quê Nam Định đã phải hứng bão dư luận, khi nhiều người tỏ ra “cay cú” với nhan sắc của cô. Không ít lời bình luận cay nghiệt cho rằng, hoa hậu kém sắc, hay nhiều người kém thiện chí còn cho rằng, hoa hậu kiểu này chỉ có thể là mua giải.
Trong khi đó, luồng ý kiến khác cho rằng, hoa hậu Nguyễn Cao Kỳ Duyên là cô gái phù hợp nhất, nhan sắc của cô hài hòa, cân đối đúng chuẩn để trở thành hoa hậu. Tuy nhiên, điều thiếu may mắn của hoa hậu này là gặp phải chuyên gia trang điểm non tay, khiến cô trở nên già nua và kém sắc khi bước vào đêm chung kết. Vài ngày sau, khi thay chuyên gia trang điểm, nhan sắc của Kỳ Duyên rực rỡ hơn. Kèm theo sự thán phục này là thành tích học tập đáng nể của hoa hậu khiến cho chiếc vương miện trong tay cô trở nên quý giá.
Như nhiều cuộc thi nhan sắc khác, gần cuối chặng là dịp các scandal bùng nổ. Nhiều người bất ngờ trước nghi vấn của dư luận về những hình ảnh được cho là của á hậu Huyền My với độ ăn chơi, hở hang trong quán bar được đưa ra để chứng minh vị trí của cô gái này không xứng đáng để trở thành á hậu. Trước sự việc này, cựu người mẫu Hạ Vy, bà bầu của Á hậu 1 khẳng định: “Huyền My là cô bé ngoan ngoãn, thân thiện”. Trước những lùm xùm này, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam phải gửi công văn “triệu tập” Huyền My vì những ồn ào của cô trong thời gian qua.
|
Á hậu Huyền My bị dư luận nghi ngờ có liên quan đến scandal |
Khác với những mùa thi trước, năm nay khán giả liên tiếp chứng kiến các scandal từ hoa hậu cho đến á hậu. Đằng sau sự cố này, nhiều người cho rằng có sự “đấu đá” giữa các ông bầu. Trước đó, khi hoa hậu Thùy Dung đăng quang, scandal chưa tốt nghiệp cấp 3 khiến nhiều người bàng hoàng. Hay việc đăng quang của Ngọc Hân cũng có nhiều lời bàn ra tán vào, vì lúc bấy giờ nhan sắc và tài năng của cô chưa làm hài lòng nhiều người…
Cuộc chiến ngầm đằng sau chiếc vương miện
Trong mùa thi hoa hậu năm nay, nhiều thông tin rò rỉ về việc chơi xấu của ông bầu với các thí sinh, khiến cho một số gương mặt bị loại ngay ở những vòng đầu. Một nguồn tin cho biết: “Thí sinh P.H. được đánh giá cao nhất trong cuộc thi năm nay. Thêm vào đó, cô gái này có một gương mặt đẹp, phù hợp với các cuộc thi quốc tế, lại có kinh nghiệm catwalk tốt, kỹ năng tiếng Anh lưu loát. Song, do cô gái này có làm hợp đồng quảng bá trong một năm với một ông bầu. Theo đó, ông bầu sẽ đảm nhiệm quảng bá hình ảnh cho cô. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, P.H. nhận ra ông bầu không thực hiện được như những gì mình cam kết, vì vậy cô quyết định tự thân vận động. Vào phút chót, P.H. bị ông bầu “ra tay”, đem bản hợp đồng tố cáo với ban tổ chức khiến cô mất giải”.
Chiếc vương miện quá lấp lánh nên người nào cũng muốn sở hữu nó. Vì thế họ có trăm phương ngàn kế, thậm chí giở những thủ đoạn bẩn thỉu để tranh giành.
Cũng theo nguồn tin này, BTC sau khi biết được sự việc buộc phải chọn một gương mặt an toàn, “sạch sẽ” nhất để trao giải, thế nên chiến thắng lần này có khá nhiều scandal không mong muốn. Cuộc chiến của các ông bầu cũng vô cùng khắc nghiệt. Họ cũng sẵn sàng “trả đũa” nếu “gà” của mình không lọt vào vòng trong hoặc các đối thủ khác đạt một vài danh hiệu nào đó. Rõ ràng, hậu trường đằng sau cuộc thi nhan sắc còn là việc nói xấu, chiêu trò làm hại nhau giữa các đối thủ, bởi chiến thắng của thí sinh cũng là chiến thắng của ông bầu. Họ sẽ có nhiều uy tín trong việc tạo ra những nhan sắc và xây dựng những tài năng mới, vì vậy cuộc chiến này chưa bao giờ ngừng khốc liệt.
Một ông bầu có tiếng tại TP.HCM chia sẻ: “Trong cuộc thi hoa hậu, những chiêu trò sau đó xuất hiện khá nhiều. Không chỉ “hại” các thí sinh đội bạn bằng cách thông thường như làm hư quần áo đẹp, phá giày để họ không thể trình diễn trên sân khấu, thậm chí, họ còn đơm đặt những thông tin sai sự thật để thí sinh bị mất cảm tình từ ban giám khảo… Chiếc vương miện quá lấp lánh nên người nào cũng muốn sở hữu nó. Vì thế họ có trăm phương ngàn kế, thậm chí giở những thủ đoạn bẩn thỉu để tranh giành”.
Trên thế giới, việc mở các lò đào tạo hoa hậu xuất hiện từ lâu, từ đó họ có một nền công nghiệp về nhan sắc. Các em nhỏ cũng được luyện tập từ sớm, nên có nhiều kỹ năng trình diễn, kỹ năng làm đẹp, kỹ năng ứng xử trước công chúng. Trong khi đó, ở nước ta, chưa có việc đào tạo, rèn luyện cho trẻ ngay từ sớm, nếu có chỉ manh nha hình thành từ một vài nhóm và cách làm này thực sự không đem lại những hiệu quả cao. Trên bản đồ sắc đẹp thế giới, Việt Nam chưa có thành tựu đáng kể, là kết quả của một quá trình thiếu đào tạo, rèn luyện bài bản. Trong khi đó, việc đấu đá giữa các ông bầu càng khiến cho niềm tin của khán giả dành cho ngôi vị vương miện giảm xuống.
Hơn hao giờ hết, việc chọn ra một gương mặt phù hợp, đúng chuẩn thì chúng ta mới thành công trên đấu trường nhan sắc thế giới. Một siêu mẫu chia sẻ: “Để đạt tới ngôi vị cao trên đấu trường sắc đẹp thế giới, cần có sự rèn luyện vất vả, bởi đó không thể là một con đường ngắn ngủi mà thành. Tôi nghĩ, để có một giải thưởng cao khi tham gia cuộc thi nhan sắc quốc tế, đó không chỉ là sự rèn luyện của các thí sinh, mà còn cần sự nuôi dưỡng, đào tạo của gia đình, những người ông, người bà, cha mẹ… là những người gần gũi, giúp sức dạy bảo để các vẻ đẹp ngày càng tỏa sáng”.
Nhà văn Trần Huy Quang, hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh: “Nét đẹp tâm hồn luôn quan trọng. Vì vậy, tôi nghĩ, việc rèn luyện trau dồi nét đẹp này luôn là điều cần thiết, dù xã hội có văn minh và hiện đại như thế nào. Người ta có nhiều cách để tạo nên một người đẹp, tuy nhiên, các chuẩn mực về cái đẹp và đề cao yếu tố tâm hồn là điều không bao giờ thay đổi.
Có thể còn nhiều “góc khuất” chưa được biết? Trả lời câu hỏi, sau “sự cố” Huyền My, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có những yêu cầu cao hơn về lối sống, về việc giữ gìn hình ảnh trước khi đi thi Hoa hậu Việt Nam trong những năm tiếp theo không, ông Lê Xuân Sơn cho biết: “Đối với những sự việc xảy ra trước khi thí sinh thi Hoa hậu Việt Nam mà ít người biết thì ban Tổ chức cũng rất khó để nắm hết các sự việc, hình ảnh mà thí sinh tham gia. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng để thẩm tra các hình ảnh đó. Có rất nhiều chi tiết đời tư của các thí sinh mà chúng tôi biết được do nhờ cục A83 của bộ Công an vào cuộc. Các phóng viên báo Tiền Phong và các phóng viên văn hoá một số báo cũng cùng điều tra để đảm bảo cuộc thi diễn ra tốt đẹp. Tuy nhiên đúng là nhiều “góc khuất” chúng tôi cũng không biết được, cho đến khi dư luận và mạng xã hội tìm ra…”.
Mai Thy – Lạc Thành
(Đời sống & Pháp luật)