Từ cuối năm 2019, nhiều kênh YouTube tại Việt Nam thu hút sự chú ý của người xem bằng các nội dung có tính chất bạo lực. Đáng ngạc nhiên là thay vì ngăn chặn, YouTube còn đẩy chúng vào top thịnh hành. Điều này giúp những video đó tiếp cận được nhiều người xem hơn.
Thực tế, các nội dung này học theo một nhân vật hư cấu có tên Vương Hải Long được cộng đồng mạng Trung Quốc tạo ra từ năm 2018.
Bắt chước "giang hồ nghĩa hiệp" của Trung Quốc
Nhân vật Hải Long thu hút sự chú ý bởi thường xuyên ra tay giúp đỡ người khác, di chuyển bằng siêu xe và có nhiều đàn em thân cận.
Cái tên Vương Hải Long nằm trong hệ thống sáng tạo nội dung Chazeigao. Kênh giải trí này lấy ý tưởng từ logo đinh ba của Maserati, hãng xe mà nhân vật Vương Hải Long dùng để di chuyển trong các video.
Tại Trung Quốc, Vương Hải Long nổi lên như một hiện tượng bởi các video cổ súy dùng bạo lực làm việc nghĩa hiệp bất chấp luật pháp. Vì vậy, nhiều kênh YouTube tại Việt Nam đã dịch lại những video của nhân vật này.
Nhân vật "anh hùng nghĩa hiệp" của Trung Quốc với siêu xe và cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực được nhiều YouTuber Việt học theo. |
Nội dung các video của Vương Hải Long xoay quanh 2 cốt truyện chính là "chủ tịch" bị khinh thường và xử lý mâu thuẫn, bênh vực kẻ yếu bằng vũ lực.
“Về sau, nhu cầu nội dung quá lớn khiến nhiều người làm YouTube tại Việt Nam thực hiện các video tương tự, tạo ra trào lưu ‘chủ tịch giả nghèo thử lòng và cái kết’”, Hữu Nhật, người làm nội dung YouTube có nhiều năm kinh nghiệm cho biết.
Năm 2019, cộng đồng YouTube tập trung khai thác nội dung về "chủ tịch giả nghèo". Hàng loạt cái tên như SVM ****, Wass**… liên tục đứng đầu tab thịnh hành YouTube. Các video này thu hút lượng người xem lên đến vài triệu lượt mỗi video.
Tuy vậy, trào lưu này được đánh giá là sáo rỗng, lặp đi lặp lại. Chỉ sau một thời gian ngắn, nội dung "chủ tịch" không còn nhận được sự quan tâm của người xem.
Sau khi trào lưu "khinh thường chủ tịch và cái kết" bị đào thải, một số kênh YouTube bắt đầu khai thác yếu tố hành hiệp trượng nghĩa của nhân vật “anh Hải”.
Đánh lừa người xem bằng drama và bạo lực
Ngày 6/3, kênh YouTube T. Cá Chép đăng video có tiêu đề “D. Ka phang nhau với lái xe khách định bỏ trốn". Chỉ sau một giờ, video trên thu hút gần 200.000 người xem.
Nội dung video ghi lại cảnh nhân vật chính là D. Ka trên đường gặp cảnh tai nạn giao thông, tài xế gây tai nạn có ý định bỏ mặc nạn nhân. Nhóm người gồm D.Ka và đàn em đã dùng gậy gộc, vũ lực để “hành hiệp trượng nghĩa”.
Những cảnh bạo lực xuất hiện dày đặc trong video của kênh D. Ka. |
"Kênh này lấy ý tưởng từ nhân vật giang hồ có tên 'anh Hải', người từng một thời gây sốt trên các nền tảng video Trung Quốc", anh Nhật cho biết.
Kênh YouTube này không hề thông báo đây là những cảnh dàn dựng khiến nhiều người xem tin vào câu chuyện được đăng tải.
Tuy vậy, đây là video được quay bởi ekip chuyên nghiệp. Các nhân vật đều mang theo micro không dây để thu được âm thanh tốt. Bên cạnh đó, đoạn video mắc một số lỗi cơ bản cho thấy đây là cảnh quay dàn dựng.
“Video này là dàn dựng bởi sau khi va chạm, phần sơn chỗ tiếp xúc không hề bị trầy xước. Điều này chứng tỏ 2 xe không va chạm nặng đến mức vào viện", Tuấn Kiệt, một đạo diễn phim truyền hình tại TP.HCM nhận định.
Nguy cơ lệch lạc nhận thức của người xem về cuộc sống thật
Tuy chỉ là dàn dựng nhưng các cảnh đánh nhau trong video đầy tính bạo lực. Các nhân vật sử dụng vũ khí, gậy gộc để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, xuyên suốt video là các câu chửi, hăm dọa lớn tiếng của nhân vật.
Đây không phải video đầu tiên của kênh YouTube T. Cá Chép có nội dung sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Nhờ những nội dung tương tự, kênh này đã đạt được hơn một triệu lượt đăng ký chỉ trong 7 tháng làm YouTube.
Những video này thu hút sự quan tâm lớn từ người dùng. Đa số người xem đều cho rằng đây là thật. |
Nguyên gốc nhân vật “anh Hải” của Trung Quốc thường di chuyển bằng siêu xe cùng đàn em đến giải quyết mâu thuẫn với cách nói chuyện, đôi lúc là chửi thề. Một số cảnh quay có sử dụng vũ khí như súng, gậy gộc...
Trong các video từ Trung Quốc, chủ kênh luôn thông báo rõ mọi nội dung chỉ là dàn dựng.
Nhưng phiên bản T. Cá Chép do các YouTuber Việt Nam xây dựng không hề có thông tin trên, lập lờ giữa diễn xuất và thực tế. Thêm nữa, yếu tố bạo lực được thể hiện nhiều hơn với mục đích câu kéo người xem.
Đáng chú ý là việc sử dụng bạo lực núp bóng nghĩa hiệp lại nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người xem. Điều này khiến giới chuyên môn lo ngại sẽ tạo ra cách hành xử lệch lạc trong đời sống thật.
"Đầu tiên, việc quay những video như vậy gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, cản trở giao thông. Thứ hai, nếu người xem tin rằng những video này là thật sẽ tạo xu hướng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống bằng bạo lực, bất chấp luật pháp", đạo diễn Tuấn Kiệt nói thêm.
Tuy vậy, hiện kênh YouTube này vẫn đang nhận được tiền quảng cáo, nhờ đó nuôi sống những kênh khác có nội dung tương tự bất chấp ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Tác giả: Trọng Hưng
Nguồn tin: zingnews.vn