Tin Liên Quan

Trại giam Hà Tĩnh: Điều ước cuối cùng của một tử tù

Trong lúc chờ Chủ tịch nước xét đơn xin ân xá, tử tù Trần Văn An không khủng hoảng, cũng không tuyệt vọng như những tử tù khác, mà đã chuẩn bị tinh thần để đón nhận những điều xấu nhất có thể đến với mình với tất cả sự lạc quan có thể. Trần Văn An bảo rằng, điều ước duy nhất và cuối cùng của anh ta trong những ngày tháng này đó là được một lần gặp người vợ đã bị anh ta làm liên lụy trong vụ án cách đây 13 năm, để nói một lời xin lỗi trước khi ra đi.

Con đường ngắn ngủi từ thương binh trở thành trùm ma túy


Các cán bộ quản giáo của trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh vẫn nói với tôi rằng tôi là một trong những tử tù hiếm hoi giữ được trạng thái tinh thần ổn định, sự lạc quan, vui vẻ trong những ngày tháng chờ đợi Chủ tịch nước xét đơn xin ân xá.


Bởi trong khi các tử tù khác sợ hãi đến tột cùng cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào, thì tôi lại chờ đợi nó một cách hết sức bình thản. Không người nào là không sợ chết.


Với một người tử tù ngày ngày ngồi chờ cái chết đã được báo trước sẽ ập đến với mình bất cứ lúc nào như tôi, thì điều đó càng kinh khủng, nhưng sau tất cả những lỗi lầm đã gây ra, nếu có phải đón nhận mức hình phạt cao nhất, tôi cũng sẽ chấp nhận một cách vui vẻ, như một cách trả nợ cho pháp luật, cho xã hội và cho cuộc đời lầm lỗi của mình mình.


Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Vinh, Nghệ An. Trước đây tôi đã từng là một người lính xông pha chiến trường, để rồi vĩnh viễn trở thành thương binh với thương tật ¼. Những ngày đầu mới trở về quê, cuộc sống gia đình tôi vô cùng khó khăn, cơ cực.


Ngày đó trở về quê nhà với thương tật nặng, cơ thể thường xuyên bị những cơn đau hành hạ, tôi thường xuyên phải uống mooc–phin để giảm đau. Uống nhiều rồi đâm ra thành nghiện, thiếu nó thì không chịu được, nên khi có một người quen chỉ cho cách hút thuốc phiện, tôi đã dại dột nghe theo, để rồi vĩnh viễn trở thành nô lệ của ma túy.


Nhà đã nghèo càng nghèo hơn khi tôi dính vào ma túy. Khi hai vợ chồng tôi sinh đứa con trai đầu lòng, vợ tôi thậm chí còn không có nổi một chiếc giường để nằm. Vợ tôi phải ôm con nằm ngủ trên võng cho đỡ lạnh.


Hai vợ chồng và đứa con nhỏ sống vô cùng chật vật trong ngôi nhà lụp sụp. Lúc ấy, tôi đã thề rằng, mình sẽ không bao giờ chấp nhận cảnh sống nghèo khó như thế này, sẽ nhất định làm giàu bằng mọi giá để vợ con đỡ khổ.


Vài năm sau đó, tôi lăn lộn đi buôn gỗ qua biên giới, làm ăn cũng khấm khá, nên dù vẫn nghiện ngập, nhưng kinh tế gia đình đã dần cải thiện lên. Đã có thời điểm, tôi dành dụm được tiền xây một căn nhà khang trang, mở cho vợ một gian hàng nhỏ ở chợ Vinh.


Nhưng sau đó, việc làm ăn của tôi lụn bại, kinh tế gia đình lại rơi vào cảnh chật vật. Lúc đó, vợ chồng tôi đã có 3 đứa con. Không chấp nhận để cả gia đình rơi vào cảnh nghèo túng một lần nữa, tôi đã dấn thân vào con đường buôn ma túy.


Nhờ có nhiều năm ở bên Lào từ thời còn đi buôn gỗ, nên những năm 1996-1997, tôi đã không mấy khó khăn móc nối với các trùm ma túy lớn ở đất nước Triệu Voi, tạo thành một đường dây ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Nghệ An rồi vào thành phố Hồ Chí Minh.


Lóa mắt vì lợi nhuận kiếm được, thời điểm đó, tôi càng ngày càng buôn lớn, thậm chí còn lôi kéo cả vợ mình tham gia.


Cuối năm 1997, khi đường dây buôn bán ma túy của tôi bị lực lượng công an bóc tách, hầu hết các đối tượng trong đường dây, kể cả vợ tôi đều bị bắt. Khi đó, tôi đang ở thành phố Hồ Chí Minh, thấy tình hình có động nên đã may mắn trốn thoát. Tôi bắt đầu hành trình 12 năm trốn chạy của một kẻ tội phạm.


Kẻ trốn truy nã liều mạng nhất và điều ước trong buồng giam tử tù


Thời gian đầu mới chạy trốn truy nã, tôi đã có lúc phiêu dạt sang nước ngoài. Nhưng sau đó, vì không chịu nổi cảnh sống xa xứ, thương 3 đứa con thơ dại ở quê nhà không ai chăm sóc, tôi lại quay lại, chốn chui chốn nhủi ở các tỉnh miền Nam, với hi vọng thỉnh thoảng có thể liên lạc với gia đình, biết tình hình con cái.


Để tránh bị nhận dạng, tôi đã đi phẫu thuật gương mặt cho khác đi, rồi ra ngoài hiệu cầm đồ mua một cái CMND để giấu mình. Nhiều năm sau đó, tôi đã an toàn với một gương mặt mới và một cái tên mới, mà chưa hề một lần bị lực lượng công an phát hiện ra.


Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng mang tâm trạng sợ hãi, lo lắng. Cứ ở một chỗ được vài hôm, lo sợ bị bắt, tôi lại di chuyển đi nơi khác. Cuộc sống tôi lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng cực độ. Có lần, con trai tôi đang đi lao động ở nước ngoài gửi quà về qua một người quen.


Người ta bảo đến lấy, nhưng tôi không dám đến, vì nghĩ rằng đó là cái bẫy công an giăng ra. Có những lúc nhớ mấy đứa con nhỏ ở nhà không thể chịu nổi, tôi liều mạng tạt về nhà, ở với con 1, 2 tiếng đồng hồ rồi lại đi. Những lúc đó, nhìn mấy đứa con lớn lên thiệt thòi đủ đường, tôi vô cùng xót xa.


Thương con, nhiều lúc tôi cũng nghĩ đến việc ra đầu thú nhưng cuối cùng lại thôi, vì biết mức án mà mình sẽ phải đối mặt là vô cùng khó lường. Ngay cả chuyện nghiện ma túy, tôi cũng không thể dứt bỏ được. Thiếu tiền, túng quẫn, tôi lại quay trở lại con đường cũ, dù biết trước điều gì sẽ xảy ra nếu bị bắt trở lại.


Năm 2009, trong một lần về Nghệ An lấy hàng, tôi bị công an Nghệ An bắt với 2 bánh heroin tang vật. Suốt một thời gian dài, các điều tra viên không biết tôi chính là kẻ trốn truy nã 12 năm qua, bởi khi đó, tôi mang tên Đinh Quang Thuận, dùng CMND và hộ chiếu khác, gương mặt cũng hoàn toàn thay đổi, lại nói giọng miền Nam nên đã đánh lạc hướng được lực lượng công an.


Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Khi các điều tra viên đi xác minh về Đinh Quang Thuận thì mới phát hiện ra người đàn ông này đã chết cách đó một thời gian dài.


Đến lúc này, không còn cách nào khác, tôi mới khai nhận danh tính thực của mình, khai nhận cả việc mạo danh người khác và việc phẫu thuật thẩm mỹ để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật.


Với tội danh buôn ma túy, tôi bị TAND Nghệ An xử tù chung thân, rồi lại bị TAND Hà Tĩnh xử án tử hình cho vụ buôn ma túy năm 1997. Lúc nhận bản án tử hình, tôi có nao núng, có sợ hãi. Vì lẽ đời, ai mà chẳng sợ chết.


Nhưng càng ở lâu trong phòng giam tử tù, càng nghiền ngẫm nhiều, tôi lại càng ngộ ra một điều: Tôi hiểu rằng dù có chạy trốn bao nhiêu lâu, thì cuối cùng tôi cũng sẽ phải đền tội trước pháp luật. Và với những tội lỗi tôi gây ra, thì nếu có phải chết, tôi cũng không thể oán trách ai.


Là đàn ông, tôi nghĩ rằng mình dám làm, dám chịu. Vì thế, tôi đang cố sống những ngày tháng thật lạc quan, thật vui vẻ, thanh thản, để nếu bị Chủ tịch nước bác đơn xin ân xá, tôi cũng vui vẻ chấp nhận ra đi.


Điều an ủi lớn nhất với tôi lúc này, là dù đang phải đối mặt với cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy mình may mắn vì có được 3 đứa con ngoan ngoãn, giỏi giang.


Vợ tôi bị bắt trong vụ án năm 1997, bị kết án chung thân, tôi thì trốn truy nã, nên mấy đứa con nhỏ của tôi phải về sống nhờ sự đùm bọc của các dì bên mẹ. Nhưng nhờ trời thương, dù hoàn cảnh gia đình bi đát như vậy, mấy đứa con tôi đứa nào cũng ngoan ngoãn, hiền lành, tu chí học tập.


Ngoài cậu con trai lớn đang lao động bên nước ngoài, 2 đứa con còn lại của tôi đều đang học đại học ở Hà Nội. Tôi vẫn bảo với các con mình rằng, hãy học hành tử tế để trở thành người đàng hoàng, đừng đi theo vết xe đổ của bố.


Giờ đây, tôi đã yên lòng khi thấy các con trưởng thành, ngoan ngoãn, nhưng tôi vẫn nặng trĩu nỗi lòng khi nghĩ về người vợ đang thụ án chung thân tại trại giam số 5 (Thanh Hóa). Suốt mười mấy năm kể từ khi vợ bị bắt, chồng trốn truy nã, hai vợ chồng tôi không hề được gặp nhau.


Nên những ngày tháng ở trong khu buồng giam tử tù, tôi càng ân hận hơn bao giờ hết vì đã đẩy vợ vào con đường tù tội, khiến gia đình tan nát. Tôi đã thanh thản để sẵn sàng đón đợi điều tồi tệ nhất xảy ra.


Nhưng tôi vẫn ao ước một điều duy nhất, rằng nếu không được ân xá, thì hi vọng, trước lúc chết, tôi có thể gặp vợ lần cuối, nói với cô ấy một câu xin lỗi và chúc phúc cho cô ấy sau này. Chỉ như thế, tôi mới yên lòng nhắm mắt, yên lòng ra đi để trả giá cho sai lầm của mình.

Tử tù Trần Văn An – (Trại giam Công an Hà Tĩnh)

Phunutoday

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP