Tối 12/8, tôi đi từ thành phố Hà Tĩnh về huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thì bị hai cảnh sát xưng là Đội đặc nhiệm Công an Thành phố Hà Tĩnh. Sau khi dừng xe, có hai cảnh sát yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ.
Cũng như bao người dân khác, biết mình có lỗi không đội mũ bảo hiểm, tôi xin các anh ấy một phút để “nhờ sự trợ giúp của người thân”. Tôi gọi điện cho người một người anh, nhờ anh ấy xin hộ. Đêm đã khuya, dù có vẻ rất cáu nhưng anh vẫn đề nghị cho anh nói chuyện qua điện thoại với anh cảnh sát để anh “nói đỡ” vài câu. Tuy nhiên, thượng uý Nguyễn Tô Hoài cho biết anh ấy không nghe điện thoại của ai cả và nói với tôi là anh ấy không biết sợ ai.
Tư thế nghe điện thoại “lạ” của CSGT (Ảnh minh hoạ)
Thử xem anh Hoài có nghe điện thoại không, tôi bảo tôi là em của một anh A khác “nổi tiếng”. Thượng uý Hoài liền đổi giọng: Vậy chú bảo anh A gọi cho anh đi. Khi tôi đang loay hoay để gọi điện thoại thì thượng uý Hoài nghe điện thoại liên tục của ai đó. Vậy ra anh ấy không làm như mình nói.
Tôi biết là mình có lỗi vì không mang mũ bảo hiểm và đã “xin xỏ” nộp phạt vì trời đã quá tối, đường về nhà còn quá xa, lại có một ít tài sản trong xe, lòng đầy hoang mang lo sợ nhưng viên cảnh sát này khá lạnh lùng, không đồng ý. Tôi xin nộp giấy đăng ký để lấy xe về nhà (do từ đây về nhà gần 30km) nhưng viên cảnh sát này bắt buộc tôi phải để xe lại.
Anh tôi gọi lại cho tôi nhiều lần và yêu cầu tôi nộp phạt, chấp hành đầy đủ quyết định của nhà chức trách. Anh tôi còn cấm tôi từ nay không được gọi điện quấy rầy anh ấy nữa và cũng lần đầu tiên cho tôi biết Bộ Công an có quy định cấm cảnh sát nói chuyện điện thoại khi thi hành nhiệm vụ.
Trong sâu thẳm nhận thức, từ những chuyện mà tôi thấy được trên những cung đường mà tôi đi qua hàng ngày, tôi không tin là thượng uý Hoài chưa bao giờ “làm bậy và “không sợ ai hết” như anh ấy nói với tôi.
Với một lỗi nhỏ của người tham gia giao thông như tôi mà thượng uý Hoài ứng xử như vậy, liệu có xứng với những điều Bác Hồ đã dạy Công an Nhân dân chưa?