Người đương thời

Thượng sĩ Nguyễn Xuân Luyện: Tự tin, vượt khó vươn lên

Sinh ra ở xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một miền quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, ngay từ nhỏ, cậu học trò Nguyễn Xuân Luyện đã nuôi mơ ước trở thành sĩ quan quân đội. Sở dĩ có ước mơ này là vì hằng ngày đi học, Luyện vẫn thấy các chú bộ đội ngoài thời gian huấn luyện còn tham gia nhiều hoạt động giúp dân. Đặc biệt là cứ mỗi khi có bão, lũ tràn về tàn phá quê hương, hình ảnh các chú bộ đội không sợ hiểm nguy, dầm mình trong mưa lũ để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, càng thôi thúc Luyện nuôi ước mơ này.

Thế nhưng năm 2004, khi Luyện đang học lớp 12 thì cha mẹ qua đời, cuộc sống của 8 anh em Luyện vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Tốt nghiệp THPT, Luyện tạm gác ước mơ trở thành sĩ quan quân đội để bươn chải kiếm sống. Vất vả là vậy, nhưng trong Luyện vẫn cháy bỏng ước mơ trở thành Bộ đội Cụ Hồ. Năm 2008, Nguyễn Xuân Luyện lên đường nhập ngũ. Trong thời gian là chiến sĩ ở Trung đoàn 280 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân), Luyện luôn phấn đấu, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa tận dụng thời gian ôn tập kiến thức văn hóa. Năm 2010, được sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy đơn vị, Luyện đăng ký dự thi và trở thành thủ khoa (đầu vào) của Trường Đại học Chính trị.

hatinh24h

Những lúc rảnh rỗi, Thượng sĩ Nguyễn Xuân Luyện luôn tìm đến thư viện nghiên cứu tài liệu.

Việc học tập để sau này trở thành giảng viên khoa học-xã hội và nhân văn, thành người cán bộ chính trị… là một trở ngại không nhỏ đối với Luyện. Song, với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên, bằng phương pháp học tập khoa học và niềm say mê nghiên cứu tìm tòi, kiên trì, bền bỉ, Luyện đã dần khẳng định mình. Kết quả 4 năm học của Luyện đều đạt loại giỏi và cũng 4 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, là một trong những học viên có kết quả học tập cao nhất (điểm trung bình chung 8,35).

Thượng sĩ Nguyễn Xuân Luyện, học viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trường Đại học Chính trị, tâm sự: “Để giành được kết quả cao, mỗi học viên cần phải xác định rõ ý thức, động cơ, thái độ học tập nghiêm túc, đề ra mục tiêu phấn đấu cụ thể cho từng môn học và cả khóa học; đồng thời xây dựng cho mình một kế hoạch học tập khoa học. Ngoài các yếu tố nêu trên, mỗi người còn phải hình thành phương pháp học tập cho thật phù hợp, như: Cách ghi chép bài, nghiên cứu tài liệu, hệ thống lại các vấn đề đã học; tham gia các hoạt động ngoại khóa, nâng cao “tay nghề” hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị. Cái chính là phải biết tự tin và vượt khó vươn lên”.

Trung tá Nguyễn Văn Khiêm, Chính trị viên Tiểu đoàn 7, khi nói về học viên của mình đã nhấn mạnh: “Nguyễn Xuân Luyện không chỉ là học viên đầy nghị lực, biết vượt lên chính mình, mà còn là người có phương pháp học tập khoa học và rất cầu thị. Trong cuộc sống, sinh hoạt, Luyện biết sẻ chia, động viên, giúp đỡ mọi người, nhất là phương pháp học tập; đồng thời năng nổ, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào ở đơn vị. Tôi tin rằng sau khi ra trường, Luyện sẽ trở thành một cán bộ nhiều tiềm năng”.

Bài và ảnh: HỮU KHIẾT – THU HÀ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP