Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát, cả nước đã đi qua nửa chặng đường của 2016. 6 tháng qua, Chính phủ đã ban hành được 49 Nghị định hướng dẫn thi hành các chính sách để tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), khuyến khích khởi nghiệp. Thủ tướng yêu cầu đánh giá thêm về những kết quả đã đạt được cũng như những nguyên nhân tồn tại, yếu kém để có hướng khắc phục.
Thực tế, 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP đạt 5,52%, thấp hơn cùng kỳ (6,32%). Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu làm rõ lý do, trả lời câu hỏi việc kinh tế chững lại có phải do tình trạng hạn, mặn làm mất đi 3 triệu tấn thóc, làm mất 2% tăng trưởng của nông nghiệp?
Thủ tướng cũng yêu cầu thống nhất những giải pháp tại kỳ họp này để cải thiện tình hình, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm nay như mục tiêu Quốc hội giao.
Một vấn đề khác nổi lên trong nửa đầu năm 2016 là thu ngân sách địa phương, trung ương đều đạt thấp, ảnh hưởng đến nguồn chi, thậm chí có rất nhiều khoản chi khó khăn. Ở Trung ương, Chính phủ cũng gặp nhiều vướng mắc trong điều hành ngân sách nhà nước.
Thủ tướng đặt vấn đề, vừa qua Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp để khuyến khích sản xuất kinh doanh. Vậy các Nghị quyết 01, 19 của Chính phủ đã được nhận thức và triển khai như thế nào đến toàn dân, nhất là lớp trẻ?
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh tình trạng 6 tháng qua, nhiều sự việc liên tiếp xảy ra tác động xấu đến tình hình kinh tế xã hội, như sự cố môi trường nghiêm trọng dẫn đến hiện tượng cá chết bất thường dọc biển 4 tỉnh miền Trung, 2 vụ tai nạn liên tiếp với các máy bay quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông tin, cuối giờ làm việc chiều nay, Chính phủ sẽ nghe báo cáo về nguyên nhân, biện pháp khắc phục sau hiện tượng cá chết trước khi tổ chức họp báo vào 17h chiều.
“Đúng như lời hứa, chiều nay Chính phủ sẽ công bố kết luận về nguyên nhân và giải pháp khắc phục cá chết. Sự cố môi trường nghiêm trọng này được nhân dân rất quan tâm. Rồi việc máy bay rơi làm thiệt mạng 10 chiến sĩ, mất 2 máy bay mới mua… Tất cả đặt ra yêu cầu với chúng ta là phải xử lý thế nào?” – Thủ tướng gợi ý vấn đề để tập thể Chính phủ thảo luận trong phiên họp tháng 6 này.
Một việc lớn khác đang diễn ra là sáng nay, 800.000 học sinh bước vào thi tốt nghiệp PTTH quốc gia. Thủ tướng đặt câu hỏi, việc chuẩn bị đã rốt ráo, đã đảm bảo tốt chưa?
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý nguyên tắc, các lĩnh vực điều hành đều cần làm tốt hơn để phục vụ tối đa người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại phiên họp này Chính phủ cũng sẽ thảo luận sâu, kỹ về kỷ cương phép nước – lĩnh vực còn nhiều bất cập và lộn xộn. Với tình hình đó, Chính phủ và các địa phương phải làm gì để chấn chỉnh kỷ luật. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ có trật tự kỷ cương, có pháp luật thì bộ máy mới vận hành trật tự.
“Kỳ này Chính phủ cũng bàn về nguyên nhân chủ quan, đề ra giải pháp mạnh mẽ, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ rất nặng nề của 2016” – Thủ tướng nêu tinh thần.
Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: Xuân Ngọc)
Báo cáo của Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày sau đó cũng nêu rõ, tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước giảm 0,18%. Tình hình rét hại và băng giá, hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất của ngành.
Hoạt động nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn và tình trạng ô nhiễm môi trường biển.
Khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng trưởng âm được nhận định là để lại hậu quả nặng nề cho các mùa vụ sau.
Trong tình hình đó, lĩnh vực an sinh xã hội và phúc lợi xã hội vẫn tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Nhiều biện pháp hỗ trợ, giải quyết một phần khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển được quan tâm như cấp gạo từ nguồn dự trữ nhà nước, cấp nước sinh hoạt và một số nhu yếu phẩm cần thiết khác.
Điểm hạn chế trong lĩnh vực xã hội là tình trạng xả thải tại các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương. Nhiều vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt xảy ra khá phổ biến, trong thời gian dài nhưng chậm được khắc phục. Đời sống người dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
P.Thảo