Ngày 25/9/2017, Báo Đời sống & Tiêu dùng có bài viết “Khu tập thể ‘đột ngột’ bị di dời, hàng trăm con người kêu cứu…” phản ánh nội dung ngày 12/5/2017, UBND TP. Hà Tĩnh có văn bản, yêu cầu các gia đình đang sinh sống nhiều năm tại khu tập thể Bệnh viên ĐK tỉnh Hà Tĩnh cũ di dời trong thời gian 1 tháng 18 ngày, tức đến ngày 30/6/2017, nếu không sẽ bị cưỡng chế khiến cho hàng trăm hộ gia đình sống ở đây vô cùng lo lắng, nhiều hộ đã phải vội vàng ra ngoài thuê phòng trọ để làm nơi cư trú tạm thời của gia đình.
Khu dân cư tập thể Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh (cũ) |
Tuy nhiên sau 1 năm khu tập thể đến nay vẫn đang được các hộ gia đình sinh sống, thậm chí có những hộ đã chuyển ra thuê phòng trọ ở ngoài sinh sống nhưng thấy khu tập thể vẫn chưa được di dời họ lại tiếp tục trở lại đây.
Đến ngày 26/3/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh lại tiếp tục có công văn giao Sở Y tế và UBND TP. Hà Tĩnh tiếp tục công tác vận động các hộ gia đình di dời, thanh lý toàn bộ tài sản ở khu tập thể.
Mong muốn được ở lại…
Tất cả các hộ CBCNV sinh sống tại khu tập thể đều có thu nhập thấp, đời sống khó khăn nên việc mua đất, làm nhà trong hoàn cảnh hiện tại đều không thể thực hiện được. Hàng năm, họ đều tự bỏ kinh phí ra để nâng cấp, sữa chữa (nhà ở, công trình vệ sinh, hệ thống điện nước, mương thoát nước...) đến nay vẫn đang đảm bảo công năng sử dụng.
Anh D. một cư dân sống trong khu tập thể 6 năm nay cho biết: “Gia đình chúng tôi có 4 người trong khi hai vợ chồng đều là cán bộ công chức với đồng lương ít ỏi, thời gian gần đây tôi còn phải đi học nên mọi chi tiêu trong gia đình chỉ dựa vào thu nhập của vợ, giờ nếu phải dọn ra khỏi khu tập thể gia đình không biết sống như thế nào. Năm 2017, khi yêu cầu phải di dời gia đình chúng tôi cũng đã thuê phòng trọ bên ngoài để sinh sống, nhưng nhà trọ phòng nhỏ, bức bí, hàng tháng phải mất gần 2 triệu tiền phòng nữa nên cuộc sống gia đình rất khó khăn. Khi thấy khu tập thể chưa bị di dời gia đình lại tiếp tục trở về đây sinh sống.
Chủ trương của tỉnh chúng tôi rất ủng hộ, tuy nhiên phải làm đúng và hợp lý, nếu chỉ bắt cư dân ở đây di dời chỉ để đảm bảo an toàn tính mạng cho chúng tôi trong mùa mưa bão thì chúng tôi nguyện viết giấy cam kết, nếu có vấn đề gì xảy ra cư dân chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm”, anh D. nói.
Cũng có hoàn cảnh tương tự như anh D., chị A. - Cán bộ Bệnh viện mắt Hà Tĩnh cho hay: “Tôi sống ở đây từ năm 2009, cũng từng 2 lần ra ngoài thuê phòng trọ để sinh sống, nhưng cuộc sống hai vợ chồng còn vất vả, phòng trọ bên ngoài lại chật chội không đủ cho gia đình 4 người cùng bà nội sinh sống nên tiếp tục lại quay lại đây. Gia đình chúng tôi cũng muốn di dời khỏi khu tập thể vì năm nào cũng nhận được thông báo yêu cầu phải di dời, nhưng vì hai vợ chồng chưa có điều kiện để xây dựng nhà riêng nên đành bán trụ ở đây, chỉ mong muốn ở được tháng nào hay tháng đó, chị A. giải bày.
Chủ trương của UBND tỉnh trong việc giải tỏa những căn nhà chung cư cấp 4 để làm thay đổi bộ mặt của thành phố, chúng tôi đều nhất trí. Nhưng hộ gia đình còn sống tại khu tập thể đều là những gia đình có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, không có điều kiện mua đất, xây nhà ở thành phố nên đành bám trụ lại khu tập thể này mong gia đình có chỗ nương thân. Có những hoàn cảnh một mình bà mẹ đơn thân làm hộ lý bệnh viện phải nuôi ba con nhỏ, hay là cán bộ y tế về hưu không nơi nương tựa đành bám lấy nơi đây để sống như bà Hợi, hay trường hợp gia đình bà Lý một mình làm tại Bệnh viện Y học cổ truyền nuôi 4 miệng ăn, con lại chuẩn bị bước vào đại học…”.
Nhìn những bước đi khó khăn, cùng những tiếng thở dài mệt mỏi của chị Th. tháng cuối cùng của thai kỳ mà không khỏi xót xa, “giờ không biết cuộc sống của hai vợ chồng tính sao khi mà em sắp sinh, trong khi khu tập thể lại có quyết định bắt di dời. Giờ hai vợ chồng chỉ biết ở đây lúc nào họ đuổi đi thì đi thôi”
Chị Th. cho rằng, UBND tỉnh yêu cần gần cả trăm hộ gia đình ở đây di dời cũng chỉ với lý do khu tập thể xuống cấp sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân nơi đây tuy nhiên chưa có dự án nào về đây để đầu tư xây dựng cả. Nếu có dự án về đâu tư chúng tôi sẵn sàng đi, còn nếu chưa có dự án nào chúng tôi vẫn mong muốn UBND tỉnh tạo điều kiện cho những dân nghèo tiếp tục được sống ở khu tập thể.
Khu tập thể đã quá cũ?
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Thầy thuốc ưu tú - Bác sĩ CK 2 - Chủ tịch công đoàn Bệnh viện ĐK tỉnh Hà Tĩnh Vương Kim Đức cho biết: “Ngày 26/3/2018, Bệnh viện có nhận được quyết định 798/QĐ-UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho Sở Y tế thanh lý tài sản tại Khu tập thể Bệnh viện ĐK tỉnh (cũ) gồm 13 dãy nhà cấp 4, với tổng diện tích 6.167,7m2 do đã hết khấu hao và xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng với hình thức phá dỡ, hủy bỏ, bán vật tư, vật liệu thu hồi; kèm theo công văn số 639 của Sở Y tế ngày 13/4.
Ngày sau khi tiếp nhận chúng tôi đã mời tất cả các hộ dân sống trong khu tập thể xuống, trước tiên chia sẻ với cán bộ viên chức rất khó khăn không có điều kiện để di dời khỏi khu tập thể này. Thông báo nội dung quyết định của UBND tỉnh và công văn của Sở Y tế cho các đoàn viên công đoàn nắm được. Kêu gọi các đoàn viên công đoàn chủ động di dời khỏi khu tập thể trước 1/6, cũng như lắng nghe tâm tư nguyện vọng của mọi người, đồng thời hướng dẫn cho các đoàn viên công đoàn nếu thật sự khó khăn viết đơn xin trợ cấp khó khăn đột xuất, hoặc trợ cấp làm nhà ở theo Quỹ mái ấm công đoàn ”, ông Đức nói.
Trong khi đó ông Nguyễn Đình Thiện – Chánh văn phòng Sở Y tế Hà Tĩnh cho hay, đây là khu tập thể được xây dựng từ năm 1978, đã xuống cấp trầm trọng, UBND tỉnh yêu cầu các hộ dân còn sống trong khu tập thể phải di dời. Việc di dời không những để chỉnh trang đô thị thành phố, bên cạnh đó còn đảm bảo tính mạng cho những hộ gia đình sống tại đây. Sở Y tế đã tham mưu một cuộc họp các thành viên liên quan và thủ trưởng các đơn vị và lãnh đạo Công ty điện lực, nhà máy nước.
“Những cán bộ y tế đang sinh sống ở đây sẽ tuyên truyền vận động họ di dời, còn những hộ không phải là cán bộ y tế, UBND phường Bắc Hà phải vận động di dời. Hiện tại khu tập thể xây dựng đã lâu sẽ không đảm bảo an toàn. Nếu đến ngày 1/6 các hộ không di dời sẽ tiến hành cắt điện, cắt nước”, ông Thiện khẳng định.
Thiết nghĩ, việc di dời những khu tập thể xuống cấp góp phần chỉnh trang đô thị, thay đổi diện mạo thành phố là chủ trương đúng đắn và hợp lý nhằm đưa thành phố Hà Tĩnh xây dựng khu đô thị loại II, tuy nhiên đối với các hộ gia đình đang cư trú ở đây, họ hầu hết đều là những cán bộ công nhân viên chức có thu nhập thấp, chưa có điều kiện kinh tế để mua đất, làm nhà, vì vậy UBND tỉnh cần có chính sách phù hợp, có phương án hỗ trợ, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống…
Tác giả: Diễm Phước - Trí Thức
Nguồn tin: Báo Đời sống & Tiêu dùng