Tin Hà Tĩnh

Thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi: Ai đang trục lợi sức của người lao động?

Việc sử dụng lao động và các biện pháp đảm bảo an toàn tại lòng hồ chứa nước Ngàn Trươi, Hà Tĩnh còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh, khắc phục

Sau thời gian chặn dòng tích nước, giờ đây hồ chứa nước Ngàn Trươi thuộc dự án Thuỷ lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang (ở huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) trở thành một biển nước mênh mông.

Việc đi lại của các cơ quan chức năng và người lao động trong khu vực lòng hồ chủ yếu dựa vào thuyền.

Bốc vác, thu dọn gỗ ở lòng hồ Ngàn Trươi luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Hồ chứa nước Ngàn Trươi bên núi cao, bên vực sâu thăm thẳm. Ngày thường việc chặt hạ cây cối, thu dọn làm sạch lòng hồ vốn dĩ đã khó khăn lại càng phức tạp và hiểm nguy hơn trong mùa mưa lũ.

Vậy nhưng, những người lao động chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số đến từ các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, tỉnh Quảng Bình đang phải làm việc trong môi trường không đảm bảo an toàn, nguy cơ rủi ro rất lớn.


Tiếp xúc với chúng tôi, chị Hà Thị Phóng (ở xã Châu Thôn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cho biết: “Chị được thuê đến thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi một thời gian đã lâu. Mỗi ngày làm việc, chị được trả 180.000 đồng tiền công, còn các chế độ về quyền lợi của người lao động thì chị không hề hay biết”.

Không riêng gì chị Phóng mà anh Kim Văn Dư (ở xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) cũng vậy.

Anh Dư cho hay: “Vì cuộc sống khó khăn anh phải rời quê hương đến thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi để kiếm tiền lo cho con cái ăn học. Những ngày nắng thì còn đỡ, chứ gặp lúc mưa lũ kéo dài thì hầu như ngày công không đạt, mọi khoản chi tiêu phải hết sức gói ghém tằn tiện. Công việc nặng nhọc nơi núi rừng, khe suối xa xôi nên ai nấy cũng đều lo cho sức khoẻ vì nếu lỡ bị đổ bệnh thì cũng chẳng biết bám víu vào đâu?” Anh Dư than thở.

Hàng trăm lao động chới với bên núi cao, bên vực thẳm.

Qua tìm hiểu được biết, thời kỳ cao điểm trong khu vực lòng hồ chứa nước Ngàn Trươi có đến hơn 400 lao động tham gia thu dọn lòng hồ. Tuy nhiên điều nghịch lý là hầu hết những lao động người dân tộc thiểu số đến đây làm việc chỉ thông qua sự môi giới của "cò" cung ứng lao động.

Sau khi đến hồ chứa nước Ngàn Trươi, họ được bàn giao lại cho Xí nghiệp 852 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn để bố trí công việc. Người lao động thiếu hiểu biết, đơn vị sử dụng lao động lại mập mờ thiếu trách nhiệm nên những người dân tộc thiểu số tham gia thu dọn lòng hồ chứa nước Ngàn Trươi đã gần như bị bỏ rơi nếu chẳng may tai hoạ, rủi ro ập đến.

Tại buổi làm việc với ông Phan Nhân Thọ- Phó Giám đốc Xí nghiệp 852 thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, vị này không hề đưa ra được bất cứ một hồ sơ hợp đồng lao động nào.

"Tôi chỉ đảm bảo công việc, trả tiền công hàng tháng chứ không trực tiếp thuê nhân công mà việc này do các tổ tự làm", ông Thọ giải thích.

Cuộc sống của những lao động là người dân tộc thiểu số trong lòng hồ Ngàn Trươi thiếu thốn đủ bề.

Không hợp đồng lao động, nghĩa là những người dân tộc thiểu số được thuê đến thu dọn lòng hồ Ngàn Trươi chỉ được nhận tiền công, còn các quyền lợi khác đều không được thụ hưởng.

Trong khi đó Bộ Luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội lại quy định rất nghiêm ngặt đối với những đơn vị sử dụng lao động lâu dài nhưng lại cố tình phớt lờ, bỏ qua quyền lợi người lao động.

Trao đổi với phóng viên, ông Văn Thắng- Phó Ban Quản lý dự án Công trình đầu mối hồ chứa nước Ngàn Trươi cho biết: "Phía chủ đầu tư luôn chú trọng đến tiến độ, chất lượng thu dọn làm sạch lòng hồ Ngàn Trươi. Còn người lao động thì do đơn vị sử dụng lao động họ tự thuê về làm. Quá trình kiểm tra, nghiệm thu khối lượng chủ đầu tư chỉ đôn đốc, nhắc nhở các biện pháp đảm bảo an toàn lao động".

Ngụp lặn trục vớt gỗ, tre nứa dưới lòng hồ Ngàn Trươi.

Mỗi ngày trôi qua, hàng trăm lao động là người dân tộc thiểu số đang thu dọn lòng hồ chứa nước Ngàn Trươi do Ban Quản lý đầu tư và Xây dựng Thuỷ lợi 4 thuộc Bộ NN- PTNT làm chủ đầu tư phải đối mặt với muôn vàn gian khó, hiểm nguy và những thiệt thòi chính đáng về quyền lợi.

Hy vọng rằng những lỗ hổng trong công tác quản lý, sử dụng lao động nơi đây sẽ sớm được chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Có như vậy thì những người lao động chân chính, nhưng lại thiếu hiểu biết mới không bị lợi dụng công sức, mồ hôi từ phía các tổ chức, cá nhân liên quan./.

Tác giả: CTV Văn Chương

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP