Kinh tế

Thế lực bầu Kiên trở lại; Nhà Cường Đô la lao đao

Tuần qua, câu chuyện về các sếp lớn trong vụ bầu Kiên, cùng sự căng thẳng trong cuộc họp Đại hội cổ đông Ngân hàng ACB rất thu hút được sự quan tâm của bạn đọc. Bên cạnh đó, trục trặc chuyện nhà Cường Đô la mua lô đất công giá rẻ khiến giá cổ phiếu lao đao cũng là tâm điểm của tuần này.

Nhà Cường Đô la liên tục dính "vận đen"

Thành ủy TP.HCM vừa có thông báo yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán lại để hủy hợp đồng bán khu đất tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hơn 30 ha với giá 1,29 triệu đồng/m2.


Theo Ban Thường vụ Thành ủy: "Việc ký kết Hợp đồng này không đúng theo Quyết định số 1087-QĐ/TU, ngày 31/3/2009 của Ban Thường vụ Thành ủy về ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản là nhà, quyền sử dụng đất tại các công ty TNHH một thành viên thuộc Đảng bộ Thành phố".

Dự án Khu dân cư Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM có diện tích hơn 30 ha. Nguồn gốc đất dự án này thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (100% vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM).

Công ty Tân Thuận đã chuyển quyền chủ sở mảnh đất hơn 30ha này cho Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai với giá ở mức 1.290.000 đồng/m2.Sau thương vụ này, Công ty Tân Thuận chỉ thu về ngân sách nhà nước tổng số tiền hơn 419 tỷ đồng. Điều đáng nói, phần đất công sản “siêu lớn” này có giá thị trường hơn 2.400 tỷ đồng.

Lên tiếng trước vụ việc này, ông Nguyễn Quốc Cường – Phó Tổng giám đốc Quốc Cường Gia Lai cho biết, khu đất này hoàn toàn nằm tách biệt với dự án Phước Kiển mà công ty này đang thương lượng và bán cho Sunny Land.

Đại diện Quốc Cường Gia Lai cũng khẳng định, việc có hay không gần 325.000 m2 đất nói trên không quan trọng đối với doanh nghiệp và nếu ngưng giao dịch với Công ty Tân Thuận cũng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh – đầu tư của Quốc Cường.

Tuy nhiên, diễn biến tiêu cực này vẫn khiến giá cổ phiếu QCG giảm sàn thảm hại trong 3 phiên liên tiếp. Lệnh bán sàn vẫn tiếp tục “chất đống” khiến nhiều nhà đầu tư có ý định thoát hàng cũng không thể thực hiện do không có người mua.

Tính ra, 3 phiên “lau sàn” của cổ phiếu QCG đã khiến gia đình ông Cường mất tới 361,4 tỷ đồng.

Bầu Kiên trong tù vẫn ảnh hưởng tới ACB

Sau vài năm yên ắng sau năm sóng gió 2012, Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) năm 2018 vào ngày 19/4 căng thẳng trở lại với sự xuất hiện ứng cử viên do nhóm cổ đông đề cử để bầu chức danh thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.

Bất ngờ đã xảy ra khi ông Nguyễn Duy Hưng, ứng viên thứ 11 do nhóm cổ đông đề cử để bầu chức danh thành viên HĐQT ACB, là một trong 3 người không được cơ quan quản lý chấp thuận có mặt trong danh sách ứng viên.


Ông Nguyễn Duy Hưng được cho là có quan hệ với vợ chồng bầu Kiên. Ông Hưng từng giữ chức Phó chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank), nơi gia đình Bầu Kiên hiện đang nắm giữ một lượng lớn cổ phần.

Bên cạnh ông Nguyễn Duy Hưng, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB và ông Nguyễn Văn Hoà, người được bổ nhiệm làm phó Tổng giám đốc ACB từ đầu 2017 đã trượt khỏi HĐQT.

Như vậy, đây là lần đầu tiên sau 5 năm, ĐHCĐ ACB căng thẳng trở lại sau sự cố năm 2012 khiến một dàn lãnh đạo ngân hàng này vướng vào vòng lao lý.

Bầu Thắng bất ngờ rút khỏi ghế Chủ tịch KienLong Bank

Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienLong Bank) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2018 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 26/4 tới tại Kiên Giang.

Ông Võ Quốc Thắng đã chọn làm lãnh đạo doanh nghiệp thay vì giữ ghế Chủ tịch ngân hàng

Đáng chú ý là danh sách đề cử, ứng cử có tới 8 người nhưng không có ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng), hiện đang là Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này.

Sự rút lui của bầu Thắng khỏi HĐQT KienLong Bank được cho là nhằm đáp ứng quy định mới của Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng, yêu cầu cá nhân không được đồng thời vừa là lãnh đạo ngân hàng vừa là lãnh đạo doanh nghiệp. Hiện tại, ngoài KienLong Bank thì bầu Thắng còn là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn Đồng Tâm.

Sếp lớn dây Bầu Kiên ra tù, tìm lại thời hoành tráng

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) vừa có nghị quyết bất thường triệu tập đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Trong đó, một nội dung quan trọng là bổ sung thêm một chức danh Phó chủ tịch HĐQT.

Theo đó, ông Phạm Trung Cang - thành viên sáng lập, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), nguyên Phó Chủ tịch Eximbank và nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Tân Đại Hưng, sẽ đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch TPC nếu được ĐHCĐ - tổ chức vào 7/5 tới - thông qua.

Phạm Trung Cang (trái) và bầu Kiên.

Ông Phạm Trung Cang là một trong các cổ đông lớn nhất của TPC, nắm giữ hơn 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu 13,2%. Ngoài ra, 2 con gái Phạm Đỗ Diễm Hương, Phạm Đỗ Quế Hương, vợ Đỗ Thị Quế Thanh, em Phạm Văn Mẹo của ông Cang cũng đang nắm giữ tổng cộng hơn 10% cổ phần TPC.

Như vậy, nếu không có gì bất thường, ông Phạm Trung Cang sẽ lấy lại cái ghế Phó Chủ tịch mà ông giữ trong 7 năm trước đó, kể từ 2007 tới 2013.

Về phần ông Lý Xuân Hải, cuối năm 2017, ông đã chính thức đầu quân cho ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) với vị trí Trưởng ban chiến lược, trực thuộc HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG).

Trước đó, vào hồi tháng 7/2017, ông Lý Xuân Hải cũng đã trở lại thương trường với vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty Tơ lụa Bảo Lộc (Bao Loc Silk Group - BSG). Ông Hải cũng là cổ đông lớn nhất nắm giữ 27% cổ phần tại công ty này.

Với 2 cương vị mới, ông Hải đã trở lại kinh doanh, không phải là lĩnh vực tài chính ngân hàng sở trường mà là một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ: nông nghiệp.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP